05/12/2020 - 08:55

Cập nhật kiến thức y khoa cho đội ngũ y bác sĩ  

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 năm 2020, Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ vẫn đảm bảo môi trường khám chữa bệnh an toàn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân vùng ĐBSCL. Song song đó, BV linh hoạt thực hiện nhiều hình thức sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ.

Nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế BV. Trong ảnh: BS CKII Huỳnh Công Tâm - Trưởng khoa Gây mê hồi sức - tích cực chống độc BV thực hiện gây tê tủy sống cho thai phụ. Ảnh: Q. ANH

Nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế BV. Trong ảnh: BS CKII Huỳnh Công Tâm - Trưởng khoa Gây mê hồi sức - tích cực chống độc BV thực hiện gây tê tủy sống cho thai phụ. Ảnh: Q. ANH

Theo BS CKII Nguyễn Thụy Thúy Ái, Phó Giám đốc BV, trong năm, do dịch bệnh COVID-19, BV hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu thực tế, BV áp dụng công nghệ thông tin, triển khai tập huấn online, trao đổi chuyên môn với hệ thống BV tuyến trên và tuyến dưới. BV còn tổ chức các buổi livestream, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, đồng thời giải đáp thắc mắc cho khách hàng thông qua  Facebook.

Phong trào nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ y tế BV vẫn tiếp tục duy trì, trong đó, nhiều đề tài xuất phát từ thực tiễn khám chữa bệnh, hiệu quả ứng dụng cao. Ðiển hình như “Kết quả ngắn hạn điều trị bệnh não thiếu oxy - thiếu máu cục bộ ở trẻ sơ sinh bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy tại BV Phụ sản TP Cần Thơ do BS CKII Nguyễn Thị Ngọc Hà - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh BV làm chủ nhiệm đề tài. Theo bác sĩ Ngọc Hà, bệnh não thiếu oxy - thiếu máu cục bộ ở trẻ sơ sinh (HIE) là bệnh do thiếu oxy máu và giảm lưu lượng máu đến não, dẫn đến tổn thương não. BV Phụ sản TP Cần Thơ có hơn 14.000 trẻ sơ sinh ra đời mỗi năm, trong đó, rất nhiều thai kỳ nguy cơ cao. Ðến nay, khoảng 60 trẻ HIE được tiếp nhận và điều trị tại Khoa Nhi - Sơ sinh. Trẻ bị HIE nặng tiên lượng tử vong lên tới 50% và gặp di chứng thần kinh 100%. Biện pháp hạ thân nhiệt chỉ huy đạt hiệu quả trong điều trị HIE trung bình và nặng, giúp giảm tử vong, giảm di chứng. Từ tháng 8-2017, BV Phụ sản TP Cần Thơ áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy điều trị cho trẻ HIE với tỷ lệ thành công hơn 93%. BS Ngọc Hà khuyến cáo, thai phụ có thai kỳ nguy cơ cao như tiền sản giật, sản giật, thiếu máu, mẹ bệnh lý,… nên sinh ở BV chuyên khoa sản, nhất là đơn vị có triển khai biện pháp hạ thân nhiệt chỉ huy, nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ di chứng thần kinh và tử vong ở trẻ.

Một đề tài nổi bật khác là “Kết quả giảm đau đa mô thức sau mổ lấy thai bằng Bupivacaine, Morphine gây tê tủy sống phối hợp Paracetamol truyền tĩnh mạch” do BS CKII Huỳnh Công Tâm - Trưởng khoa Gây mê hồi sức - tích cực chống độc BV thực hiện. Theo BS Công Tâm, phương pháp giảm đau chuyển dạ bệnh nhân tự kiểm soát (PCA) giúp sản phụ tự bơm liều thuốc giảm đau vừa đủ khi cần. Kết quả nghiên cứu ghi nhận hơn 100% sản phụ hài lòng nhờ hiệu quả và an toàn cho mẹ và bé.

Ðặc thù BV công lập luôn trong tình trạng quá tải, các bác sĩ chịu nhiều áp lực trong công việc chăm sóc, điều trị cho người bệnh nhưng đội ngũ cán bộ y tế BV Phụ sản TP Cần Thơ vẫn chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo các bác sĩ, kết quả nghiên cứu cải thiện đắc lực hiệu quả khám chữa bệnh. Nghiên cứu giúp đánh giá kỹ thuật được triển khai tại viện, thống kê, báo cáo hiệu quả kỹ thuật. Ðể công tác nghiên cứu khoa học không ảnh hưởng tới công việc chuyên môn, các bác sĩ cần có ban hoặc nhóm nghiên cứu khoa học hỗ trợ nhau.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết