Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) hồi cuối tuần rồi loan tin đồng tiền của họ sắp có cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, đã ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh từ nhiều nước phương Tây, vốn lâu nay chỉ trích Bắc Kinh dìm giá đồng nhân dân tệ (NDT) để nâng đỡ xuất khẩu. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đây là “bước đi mang tính xây dựng, có thể giúp bảo đảm sự phục hồi và đóng góp cho một nền kinh tế toàn cầu cân bằng hơn”. Còn Ủy ban châu Âu thì hy vọng quyết định của Trung Quốc sẽ giúp kinh tế thế giới tăng trưởng bền vững hơn, làm giảm sự mất cân đối trong buôn bán toàn cầu và tăng cường tính ổn định của hệ thống tài chính quốc tế. Nhật Bản và Canada cũng hoan nghênh động thái này của Trung Quốc.
Từ tháng 7-2008 đến nay, NDT được cố định ở mức 6,83NDT/USD, mặc dù trên lý thuyết, đồng tiền này gắn kết với một rổ tiền tệ. Mỹ cùng một số đối tác thương mại khác của Trung Quốc cho rằng tỷ giá như vậy là không hợp lý, tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Tại Mỹ, không ít ông nghị đang giục hành pháp xác định Bắc Kinh thao túng tiền tệ để từ đó có biện pháp trả đũa. Theo họ, NDT được định giá thấp đã làm mất hàng triệu việc làm ở Mỹ và khiến nước này thâm hụt hàng trăm tỉ USD trong buôn bán với Trung Quốc mỗi năm.
Trong thông báo hôm 19-6, Trung Quốc khẳng định không có việc NDT tăng giá ào ạt mà sự điều chỉnh sẽ diễn ra từ từ. Và cũng như những lần cam kết trước, không có một thời gian biểu cụ thể nào được đưa ra. Do vậy, Washington tuy phấn khởi nhưng tỏ ra khá thận trọng. “Đến khi nào có những thông tin cụ thể hơn về tốc độ và mức độ tăng giá của NDT, chúng ta mới có thể tin rằng Trung Quốc bắt đầu tuân thủ luật chơi”, Thượng nghị sĩ Charles Schumer nói. Và quan điểm này cũng được Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner phần nào chia sẻ.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên thông báo của PBC được phát đi đúng một tuần trước khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Toronto (Canada) dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G-20), mà ở đó tỷ giá NDT nhiều khả năng sẽ là chủ đề chính. Theo nhà phân tích Eswar Prasad ở Viện Brookings (trụ sở tại Washington), với động thái trên, Trung Quốc đã chuyển sự chú ý tại hội nghị G-20 từ NDT sang chuyện nợ công và thâm hụt ngân sách ở các nước phát triển. Chẳng những “né” được vấn đề NDT, Bắc Kinh còn được tiếng là có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế (cuộc khủng hoảng nợ đang là vấn đề nóng toàn cầu mà!). Trong cuộc họp báo ngày 18-6, Vụ trưởng vụ quốc tế của PBC Zhang Tao cũng tuyên bố các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thảo luận vấn đề NDT tại Toronto.
Chưa chắc Trung Quốc sẽ sớm tăng giá đồng nội tệ (bởi đâu có bị ràng buộc về thời gian) nhưng chắc chắn rằng với động thái hồi cuối tuần rồi, họ đã đi trước một bước, chủ động giải tỏa áp lực xung quanh vấn đề tỷ giá NDT tại hội nghị G-20. Cao cờ là ở chỗ đó!
LÊ DÂN