14/10/2014 - 09:57

Cảnh sát Hồng Công ra tay vãn hồi trật tự

Hôm qua, cảnh sát Hồng Công đã được điều động để tháo rào chắn của người biểu tình, sau khi Đặc khu trưởng Hồng Công Lương Chấn Anh cảnh báo nhà chức trách có thể dùng "vũ lực tối thiểu" để xử lý cuộc biểu tình "Chiếm trung tâm".

Trưa 13-10, một cảnh tượng hỗn loạn đã xuất hiện tại địa điểm biểu tình chính, sau khi một nhóm tài xế taxi cố dỡ bỏ các hàng rào sắt do người biểu tình dựng lên ở khu vực trung tâm thành phố. Cảnh sát buộc phải can thiệp bằng cách bố trí lực lượng chen giữa những người biểu tình và nhóm người có ý định giải tán cuộc chiếm đóng kéo dài 3 tuần qua tại các tuyến đường chính ở Hồng Công. Hình ảnh do kênh truyền hình địa phương iCable phát sóng cho thấy hàng chục người đàn ông bịt khẩu trang xô đẩy người biểu tình và yêu cầu cảnh sát tháo dỡ các hàng rào cũng như dọn dẹp đường sá. Họ la hét và cáo buộc người biểu tình đã làm hỏng cuộc sống của họ.

Trước đó vào sáng sớm, cảnh sát Hồng Công cũng đã tiến hành việc di dời các hàng rào sắt ở các quận trung tâm Admiralty và Mong Kok, nhưng nói rằng họ chỉ dỡ bỏ các "chướng ngại vật" để giải tỏa giao thông chứ "không nhằm giải tán trại biểu tình". CNN cho biết ngay khi cảnh sát tháo dỡ các hàng rào, nhóm người biểu tình lập tức dời lều của họ tiến sát hàng rào, nhưng mọi việc diễn ra trong hòa bình. Phía cảnh sát nói rằng người biểu tình có thể duy trì lực lượng trên đường phố, còn phe biểu tình thì phân bua họ không muốn gây bất tiện cho công chúng nhưng đây là cách làm duy nhất. "Nếu chúng tôi phản đối theo cách hợp pháp và hòa bình hơn, chính quyền sẽ không chú ý" – Tyler, một người biểu tình, giải thích.

Cảnh sát phải chen giữa người biểu tình và người chống biểu tình để ngăn chặn nguy cơ bạo lực ngày 13-10. Ảnh: CNN

Việc điều động rất nhiều cảnh sát để tháo dỡ rào chắn của người biểu tình được xem là động thái đầu tiên của chính quyền Hồng Công nhằm ủng hộ lời cảnh báo của Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh, người nói rằng việc phong tỏa các khu vực quan trọng của trung tâm tài chính châu Á không thể kéo dài vô thời hạn. Ông Lương hôm 12-10 cũng tái khẳng định sẽ không từ chức. Mặc dù cho biết chính quyền sẽ nối lại đàm phán với sinh viên nhưng quan chức này tuyên bố cơ hội để Bắc Kinh thay đổi lập trường về bầu cử lãnh đạo Hồng Công theo yêu cầu của người biểu tình "hầu như bằng 0".

Báo chí Trung Quốc tố Mỹ "giật dây" biểu tình ở Hồng Công

Khi cuộc biểu tình đòi dân chủ ở đặc khu hành chính kéo dài sang tuần thứ 3 mà không có dấu hiệu nào cho thấy phe biểu tình hay chính quyền chấp nhận thỏa hiệp, những tranh cãi xung quanh cuộc biểu tình đang làm sâu sắc thêm sự bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 10-10 cáo buộc Mỹ là tác nhân thúc đẩy các cuộc biểu tình đòi dân chủ khiến Hồng Công lao đao. Tờ báo cho rằng Quỹ Dân chủ Quốc gia (NED) – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington (Mỹ) – đã tác động vào các cuộc biểu tình như một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm phá hoại chính quyền nước ngoài với danh nghĩa thúc đẩy dân chủ. Bài viết còn dẫn các báo cáo (không rõ nguồn) khẳng định Louisa Greve, một giám đốc của NED, đã gặp gỡ các thủ lĩnh sinh viên cách đây vài tháng để bàn về phong trào biểu tình.

Theo Tạp chí Phố Wall, những cáo buộc trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi giới chức trong chính quyền Tổng thống Barack Obama công bố một báo cáo với tựa đề: "Tăng cường hỗ trợ dân chủ ở Hồng Công". Khi được hỏi về vai trò của Bộ Ngoại giao Mỹ trong cuộc biểu tình ở Hồng Công, người phát ngôn Marie Harf cùng ngày cho biết giới chức Mỹ dứt khoát bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng Washington đang điều khiển hoạt động của bất kỳ cá nhân, tổ chức hay chính đảng nào tại Hồng Công.

Cuối tuần qua, các thủ lĩnh biểu tình sinh viên cũng đã viết một thư ngỏ cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đề nghị nhà lãnh đạo này xem xét yêu cầu của họ. Lá thư dường như cũng nhằm bác bỏ ý kiến cho rằng cuộc biểu tình có sự hậu thuẫn của nước ngoài. Họ nói phong trào "chiếm trung tâm" không phải là một cuộc cách mạng màu hay cái gì tương tự, mà là "một phong trào đòi dân chủ của người dân Hồng Công". Thư ngỏ cũng nói thêm rằng bầu cử tự do không có nghĩa là tước đi quyền hành của chính quyền trung ương, mà các vấn đề ngoại giao và quốc phòng của Hồng Công vẫn sẽ do Bắc Kinh định đoạt.

THANH TRÚC
(Theo CNN, Reuters, AP, WSJ)

THANH TRÚC (Theo CNN, Reuters, AP, WSJ)

Chia sẻ bài viết