09/12/2010 - 21:11

Cảnh giác với giun đũa chó, mèo

Thức ăn đường phố không được bảo quản tốt sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo.

Nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Cần Thơ để điều trị vì nổi mày đay, ngứa, lặp đi lặp lại nhiều lần. Phần lớn bệnh nhân nghĩ rằng mình bị “phong” khi ăn thịt bò hay hải sản. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu xác định bệnh nhân nhiễm giun, trong đó phần lớn là giun đũa chó, mèo (thường được gọi là sán chó)...

Chị T. N. T. ở quận Cái Răng đến Bệnh viện Da liễu Cần Thơ để cầu cứu bác sĩ vì da nổi sẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Trước đó, chị T đã tự mua thuốc uống, thuốc bôi nhưng tình trạng vẫn tái đi tái lại. Qua khám và xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán chị T bị nhiễm ký sinh trùng Toxocara sp (giun đũa từ chó, mèo).

Thống kê của Bệnh viện Da liễu Cần Thơ cho thấy, trong 700 trường hợp được chỉ định xét nghiệm máu có 140 trường hợp nhiễm giun đũa chó, mèo; 5-7 trường hợp nhiễm các ký sinh trùng khác. Bác sĩ Từ Tuyết Tâm, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu Cần Thơ, cho biết: “Tỷ lệ nhiễm giun đũa chó mèo trên thực tế sẽ cao hơn bởi số bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm máu có hạn chế do chi phí khá đắt, những trường hợp biểu hiện da nghi ngờ bị nhiễm ký sinh trùng thì bác sĩ mới chỉ định xét nghiệm. Và còn nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhưng chưa đến bệnh viện hay được xét nghiệm...”.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Cần Thơ, ở nước ta có 6 loài ký sinh trùng thường “tấn công”, ký sinh trên người, gồm: Toxocara sp, Strongyloides, Gnathostoma sp, Cysticercose, Ancylostoma caninum, Fasciola hepatica. Trong đó, phổ biến nhất là ký sinh trùng Toxocara sp. Ký sinh trùng Toxocara sp từ chó, mèo, lây truyền qua người nên thường được gọi là giun đũa chó, mèo hay sán chó. Trứng giun đũa có trong phân chó, mèo phát tán ra môi trường, dính vào thức ăn, nước uống. Người ăn, uống phải thực phẩm bị nhiễm trứng giun vào đường tiêu hóa. Trứng giun còn phát tán trong không khí thì nhiễm vào đường hô hấp hoặc mắt của người. Khi xâm nhập vào cơ thể người, trứng giun có thể phát triển thành ấu trùng, đi vào đường máu và đi đến cơ quan nào thì gây tổn thương cho các cơ quan đó. Nếu ký sinh trùng đi vào mắt có thể gây mù mắt, đi lên não có thể gây viêm não,...

Bác sĩ Từ Tuyết Tâm cho biết: “Nhiễm giun đũa chó, mèo có biểu hiện như: mày đay, nổi sẩn, ngứa, sưng phù vùng da, nổi cục dưới da hoặc trên da nổi đường đỏ ngoằn ngoèo. Còn đa số các trường hợp không có biểu hiện. Vì vậy, nhiễm ký sinh trùng dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác hoặc bị bỏ sót, chỉ khi làm xét nghiệm mới xác định bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó, mèo. Bệnh có thể chữa khỏi trong khoảng thời gian từ 2 - 3 tuần”.

Các bác sĩ khuyến cáo, nhiễm giun đũa chó, mèo có thể chữa khỏi nhưng vẫn có thể mắc trở lại nếu để nhiễm trứng giun lần nữa. Để phòng bệnh, các gia đình có nuôi chó, mèo không nên cho chó, mèo phóng uế bừa bãi; xử lý phân hợp vệ sinh; thường xuyên tắm rửa, xổ giun cho chó, mèo; rửa tay sau khi tiếp xúc với chó, mèo và trước khi ăn. Thường xuyên lau dọn nhà ở, ăn chín, uống chín, hạn chế ăn rau sống, thịt, tôm, cá tái. Nếu ăn rau sống thì nên rửa rau dưới vòi nước chảy mạnh, ngâm rau với thuốc tím. Hạn chế ăn thức ăn đường phố không được che đậy, bảo quản cẩn thận. Đặc biệt, đối với gia đình có trẻ nhỏ thì nên có chỗ nuôi chó, mèo riêng biệt, không cho trẻ ngủ chung, tiếp xúc với chó, mèo.

Bài, ảnh: S. Kim

Chia sẻ bài viết