07/08/2014 - 08:44

Cảnh báo xu hướng thích sinh mổ

Sản phụ ở quận Ninh Kiều tham dự chương trình tư vấn về chăm sóc sức khỏe do Trung tâm CSSKSS tổ chức. 

Thiên chức của người phụ nữ là sinh con. Ông bà ta thường gọi quá trình sinh con của sản phụ là “vượt cạn”. Từ nhiều năm qua, ngành y tế nước ta đã có chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), giúp sản phụ theo dõi sức khỏe từ lúc mang thai, đến khi sinh nở sẽ trải qua cuộc “vượt cạn” an toàn, theo đúng quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm CSSKSS thành phố về số ca sinh mổ ở các cơ sở y tế công lập trong TP Cần Thơ, thì việc sản phụ chọn phương pháp sinh mổ đang trở thành vấn đề đáng quan ngại của ngành y tế.

* Chọn ngày hoàng đạo để con chào đời

Theo báo cáo của Trung tâm CSSKSS thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2014, thành phố có 4.485 sản phụ sinh mổ, trên tổng số gần 9.600 sản phụ sinh tại các cơ sở y tế công lập. Tỷ lệ sinh mổ chiếm đến 46,5%, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu này, Trung tâm CSSKSS chỉ thống kê ở 4 cơ sở y tế công lập, được thực hiện kỹ thuật sinh mổ. Đó là BVĐK Trung ương Cần Thơ, BVĐK TP Cần Thơ, BVĐK quận Thốt Nốt và BVĐK quận Ô Môn. Bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm, Giám đốc Trung tâm CSSKSS thành phố, cho biết: Theo quy định, chương trình CSSKSS chỉ thực hiện trong hệ thống y tế công lập. Ở hệ thống bệnh viện tư nhân, trung tâm thu thập số liệu nhằm phục vụ cho mục tiêu dự báo.

Bệnh viện tư nhân không nằm trong đơn vị sản khoa được Bộ Y tế quy định phải thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho sản phụ yên tâm chọn phương pháp sinh thường, trường hợp sinh thường không đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ và thai nhi mới được sinh mổ. Do vậy, những sản phụ quyết định chọn phương pháp sinh mổ từ quá trình mang thai, hầu hết đều sinh ở bệnh viện tư. Dẫn đầu số ca sinh mổ trong 6 tháng đầu năm 2014 ở hệ thống bệnh viện tư nhân tại TP Cần Thơ là Bệnh viện Quốc tế Phương Châu (trước đây là Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Phương Châu): có 687 ca sinh mổ, chiếm tỷ lệ 80,3% trên tổng số sản phụ sinh tại bệnh viện (855 người). Như vậy, cứ 10 sản phụ vào đây thì có đến 8 người chọn mổ bắt con. Có nhiều lý do để sản phụ chọn phương pháp sinh mổ, như: sợ phải trải qua cơn đau đẻ, sợ sinh thường làm rách tầng sinh môn (may lại sẽ đau đớn, ảnh hưởng quan hệ vợ chồng); hoặc nhiều người cần mổ bắt con vào ngày cuối tuần để chồng có mặt ở bệnh viện, không ảnh hưởng đến công việc làm ăn. Ngoài ra, lý do phổ biến nhất là tâm lý mê tín, muốn con ra đời vào ngày tốt, giờ tốt (hoàng đạo). Chị Nguyễn Thị Mỹ L. công tác tại một ngân hàng thương mại ở Sóc Trăng chọn ngày 19-1-2014 (nhằm 19-12 âl năm Quý Tỵ) để phẫu thuật bắt ra cậu quý tử nặng 3,2 ký. Chị Nguyễn Thị Mỹ L. cho biết: Còn một tuần nữa mới đủ ngày để tôi hạ sinh em bé, nhưng trong khoảng thời gian đó không có ngày hoàng đạo, gia đình tôi thống nhất cho tôi được mổ bắt con. Hy vọng sau này cuộc đời của con trai tôi sẽ tốt đẹp. Trước khi mổ, bác sĩ siêu âm cho biết thai nhi đã nặng trên 3 ký nên tôi rất yên tâm.

* Hệ lụy sau sinh mổ

Trao đổi với các sản phụ chủ động chọn biện pháp sinh mổ, do sợ cơn đau đẻ và muốn con mình được ra đời vào ngày hoàng đạo, hầu như không chị nào biết được những điểm bất lợi cho sức khỏe của sản phụ và em bé sinh mổ mà Chương trình CSSKSS quốc gia đã đúc kết. Đó là: sản phụ sinh mổ phải dùng thuốc trụ sinh để chống nhiễm trùng, có khi đến vài ba ngày sau mới có sữa, em bé không được bú nguồn sữa non như trẻ sinh thường nên dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Bà mẹ sinh mổ cũng ít sữa hơn sinh thường, em bé không đủ nguồn sữa mẹ dễ bị suy dinh dưỡng. Nếu sinh thường đứa trẻ được ra đời theo ngã tự nhiên (đường âm đạo), những cơn co tử cung của sản phụ giúp kích thích hệ hô hấp của thai nhi, em bé vừa lọt lòng mẹ đã khóc ngay là hiện tượng bé há mồm hớp không khí. Trẻ sinh mổ không được hưởng cơ chế này. Do bào thai được bao bọc bằng lớp nước ối, khi bác sĩ lấy thai, sẽ làm em bé “giật mình” dễ bị hít phải nước ối, dẫn đến bệnh về đường hô hấp hoặc tình trạng bị thở khò khè trong nhiều tháng sau sinh.

Đối với bà mẹ sinh mổ, dễ bị các tai biến như: lệch nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột, tắc ống dẫn trứng gây vô sinh thứ phát hoặc bị mang thai sớm vì vỡ kế hoạch. Bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm, Giám đốc Trung tâm CSSKSS thành phố, cho biết: Nhiều chị em mới mổ bắt con chưa đầy năm, đến trung tâm khám phát hiện đã mang thai vài tháng. Do sinh mổ làm tử cung bị lệch, tuột vòng tránh thai. Các trường hợp này, vết mổ tử cung không cho phép mang thai, phải xử lý thai dễ dẫn đến vô sinh thứ phát.

* Tầm quan trọng của biểu đồ chuyển dạ

Biểu đồ chuyển dạ là cơ sở khoa học để bác sĩ quyết định cho sản phụ sinh thường hay phải mổ bắt con. Biểu đồ chuyển dạ được y, bác sĩ tại cơ sở sản khoa thực hiện cho từng sản phụ ngay khi nhập viện. Nội dung của biểu đồ chuyển dạ, gồm: các chỉ số mạch, huyết áp, cơn co tử cung, độ mở tử cung của sản phụ theo từng mốc thời gian nhất định được đánh dấu theo dạng đồ thị. Trên thực tế, biểu đồ chuyển dạ là bệnh án đặc biệt dành cho sản phụ, căn cứ vào biểu đồ chuyển dạ bác sĩ khoa sản sẽ kịp thời ra y lệnh xử lý phẫu thuật mổ bắt con nếu sản phụ không có khả năng sinh thường.

Theo chỉ đạo của TP Cần Thơ, Trung tâm CSSKSS thành phố đã ký kết hợp đồng trách nhiệm với BVĐK thành phố để phối hợp thực hiện chương trình CSSKSS cho bà mẹ và trẻ sơ sinh cho ngành y tế thành phố. Trong đó, có công tác hỗ trợ tư vấn cho sản phụ chọn phương pháp sinh thường. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2014 số sản phụ sinh mổ tại bệnh viện này cũng ở mức trên 45% (1.378 ca mổ bắt con trên tổng số 3.042 sản phụ). Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Dự, Phó Giám đốc BVĐK TP Cần Thơ, bức xúc cho biết: “Để sản phụ chịu sinh thường, bệnh viện đặc biệt coi trọng công tác tư vấn để sản phụ và thân nhân tin tưởng vào biểu đồ chuyển dạ. Tuy nhiên, với những sản phụ không chịu được cơn đau đẻ, nằng nặc đòi mổ bắt con thì bệnh viện cũng phải phục vụ”. Ở tuyến cơ sở, tất cả các cơ sở y tế có khoa sản đều được thành phố hướng dẫn quy định thực hiện biểu đồ chuyển dạ. Tuy nhiên, do hạn chế về nhân sự nên việc thực hiện lại không nghiêm ngặt. Bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm, Giám đốc Trung tâm CSSKSS thành phố, cho biết: Trong các đợt kiểm tra do Trung tâm CSSKSS thành phố thực hiện tại các cơ sở sản khoa, trong biểu đồ chuyển dạ, nhân viên khoa sản không đánh dấu theo đồ thị (theo dõi cơn co tử cung qua từng mốc thời gian), mà ghi rất chung chung là “tử cung mở trọn”, nếu tử cung mở trọn mà cho sản phụ sinh mổ là sai quy định. Đối với các trường hợp này, đoàn kiểm tra của thành phố luôn nghiêm túc phê bình đơn vị phải rút kinh nghiệm.

Nước ta đang ở vào thời điểm dân số vàng. Nhà nước đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ sức khỏe giống nòi, trong đó có việc hạn chế sinh mổ. Tuy nhiên, tâm lý “ít con, nhiều của” trong bộ phận xã hội đã và đang làm cản ngại chương trình CSSKSS và lãng phí kinh tế gia đình một cách không đáng có.

Bài, ảnh: Đình Khôi

Chia sẻ bài viết