13/07/2019 - 13:29

Cảnh báo sốt xuất huyết tăng nhanh 

Bác sĩ Bùi Hùng Việt, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết (SXH), Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không chủ quan vì bệnh SXH đang tăng nhanh…, nhất là từ đầu mùa mưa đến nay.

Bác sĩ khám cho trẻ bị SXH tại Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Số ca SXH tăng nhanh

Ngày 10-7, có mặt tại Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, lượng bệnh nhi nhập viện điều trị rất đông, các bác sĩ, điều dưỡng tất bật làm việc. Theo Khoa SXH, khoa hiện có 60 giường bệnh, thực kê 90 giường nhưng không đủ cho các cháu nằm, cháu bị nhẹ phải nằm ghép vì số ca bệnh tăng nhanh, trong khi giường bệnh có giới hạn. Khoa được trang bị đầy đủ  thuốc, dịch truyền, bơm tiêm tự động, ôxy...  điều trị cho các cháu, kể cả các trường hợp nặng. Nhân sự, nhất là điều dưỡng đang thiếu, Khoa đang đề nghị tăng cường thêm điều dưỡng để tăng cường công tác theo dõi, chăm sóc các cháu.

Theo bác sĩ Bùi Hùng Việt, số ca SXH nhập viện điều trị tăng ngay từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng nay, mưa xuống, số lượng bệnh nhi nhập viện tăng nhiều hơn. Trong đó, lượng bệnh nhi ở TP Cần Thơ chiếm khoảng 40%, còn lại các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Ngày 10-7, khoa có 128 bệnh nhi, trong đó có 85 ca SXH, còn lại đang theo dõi. Bệnh có diễn tiến nặng chiếm 20%. Điều đáng lưu ý, bệnh tập trung nhiều ở trẻ lớn từ 9 đến 15 tuổi.

Cha cháu Võ Quốc Duy, 11 tuổi, ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ,  đang điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, kể: “Cháu ở nhà sốt cao, nhức đầu nên đưa ra trạm y tế. Cán bộ ở trạm nói ở gần khu vực tôi sống đang có ca bệnh SXH nên tôi đưa cháu đến bệnh viện quận điều trị. Nhập viện mấy ngày, thấy cháu bị chảy máu chân răng nên xin chuyển xuống Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Sau 3 ngày điều trị, bữa nay cháu bớt nhiều, tươi tỉnh, ăn ngủ được”. Bà Bùi Thị Luông, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đang nuôi cháu ngoại 9 tuổi bị SXH nằm cạnh giường Quốc Duy cho biết: "Ở nhà, cháu tôi bị sốt cao, đi bác sĩ tư, ra trạm y tế, cho thuốc uống. Mỗi lần uống vô hạ sốt được chút rồi sốt cao trở lại. Tôi lo quá nên đưa cháu ra Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, không ngờ cháu bị SXH, gia đình chỉ nghĩ cháu bị sốt thông thường".

Dễ chẩn đoán nhầm

Theo CDC  Cần Thơ, tính từ đầu năm 2019 đến ngày 10-7-2019, toàn thành phố có 553 ca SXH, tăng 177 ca SXH so với cùng kỳ năm 2018. SXH năm nay tăng từ đầu năm, tuy nhiên từ đầu mùa mưa đến nay tăng nhiều hơn. Trong đó, các quận, huyện có số ca SXH cao: Ninh Kiều (113 ca), Thốt Nốt (75 ca), Cái Răng (71 ca), Phong Điền (70 ca)… Một số xã, phường có số ca mắc SXH cao là: An Hòa, Hưng Lợi (mỗi phường 19 ca), Phú Thứ (20 ca), Tân Lộc, An Khánh (mỗi phường 18 ca)…

Theo Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm 2019 đến ngày 9-7, nhập viện điều trị nội trú tại bệnh viện là 948 ca SXH, tăng 401 ca.

Nằm mê man, đang được truyền dịch ở Phòng Cấp cứu, cháu Nguyễn Ngọc Hân, 9 tuổi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đang được các thầy thuốc theo dõi tích cực bởi Hân bị SXH độ III trên cơ địa thừa cân. Mẹ cháu Hân kể: “Ở nhà cháu bị sốt, mua thuốc uống không bớt, gia đình đưa đi bác sĩ tư. Uống thuốc không bớt, lại đi bác sĩ khác. Người này nói là sốt siêu vi, người khác nói viêm họng, đến bác sĩ thứ ba (cháu sốt 3 ngày) nói cháu nghi bị SXH và kêu gia đình đưa cháu vô bệnh viện xét nghiệm máu ngay. Rốt cuộc bị SXH. Bé sốt cao, nôn ói, tiểu ít, mê man... bác sĩ khám, theo dõi liên tục, bữa nay cháu bớt sốt, ói, ăn được".

Bác sĩ Bùi Hùng Việt cho biết: “Bệnh SXH, nhất là những ngày đầu, biểu hiện thường là sốt, ho, sổ mũi, nôn ói... dễ nhầm lẫn viêm họng, viêm hô hấp, rối loạn tiêu hóa... Trong mùa dịch, phải coi chừng là khởi đầu của bệnh SXH, cần khám kỹ, cho xét nghiệm máu. Cháu sốt cao, nhiều về chiều và đêm, hạ sốt bằng paracetamol mà không bớt (giảm chút rồi sốt lại), da, mắt ửng đỏ... thường là khởi đầu SXH. Xét nghiệm công thức máu ngày sốt thứ 3, còn xét nghiệm NS1 ngày sốt thứ 2 trở đi.

SXH chia làm 3 nhóm: SXH dengue thường, SXH dengue cảnh  báo và SXH dengue nặng. SXH thông thường, các cháu chỉ sốt, thì điều trị tại nhà. Nếu diễn tiến nặng hơn, nhóm cảnh báo với biều hiện sốt cao liên tục, đau bụng, nôn ói, tiểu ít, chảy máu chân răng... bắt buộc điều trị tại bệnh viện. Trường hợp nặng hơn, các cháu mệt mỏi nhiều, mạch nhanh, huyết áp tuột, tay chân lạnh… cần đưa đến cơ sở y tế ngay.

Theo các bác sĩ, tình trạng đưa bệnh nhi đến bệnh viện muộn giảm nhiều do tuyên truyền rộng khắp nhưng vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân do chẩn đoán nhầm hoặc gia đình chủ quan. Khi phát hiện muộn, bệnh diễn tiến phức tạp. Do các cháu được theo dõi, điều trị tích cực, khoa cũng có kinh nghiệm nhiều năm điều trị SXH nên không xảy ra trường hợp đáng tiếc. Tuy nhiên, các thầy thuốc khuyến cáo gia đình không thể chủ quan, cần phát hiện sớm, điều trị sớm, kết quả tốt hơn. Phụ huynh  lưu ý, trẻ sốt cao liên tục, khó hạ sốt, trong mùa dịch SXH, bị đau bụng, nôn ói, tiểu ít... cần đưa đến bệnh viện ngay.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC), phân tích 6 tháng đầu năm 2019, số ổ dịch SXH giảm 42 ổ dịch (66/108); số ca độ C tăng 2 ca (11/09) so với cùng kỳ năm 2018. Các địa phương xử lý 100% các ổ dịch tại các quận, huyện; khử trùng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và phun hóa chất bán kính 200m quanh ổ dịch… Lãnh đạo Sở Y tế cùng CDC Cần Thơ tổ chức nhiều đợt kiểm tra thực địa tại các điểm nóng để chỉ đạo và hỗ trợ cho địa phương dập dịch.

Qua giám sát, các chỉ số  BI (chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng), HI (nhà có lăng quăng, muỗi) luôn cao hơn năm 2018; có sự biến đổi típ vi-rút lưu hành từ DEN-1 sang DEN-2, nhiều khả năng DEN-2 vẫn sẽ tiếp tục lưu hành trong những tháng tiếp theo, số ca mắc SXH độ nặng tăng... Từ những dự báo trên, đồng thời, hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống Sốt xuất huyết 15-6 và Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”, tại Cần Thơ, từ ngày 9-7 đến 11-7, thành phố chọn  9 xã, phường trọng điểm diễn ra hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi tại cộng đồng dân cư. Riêng các địa phương cũng chọn thêm các xã, phường có nguy cơ triển khai thực hiện.

CDC Cần Thơ cũng khuyến cáo, trong thời gian tới, nếu không quyết liệt các ca SXH vẫn có thể tiếp tục tăng ở các tháng tiếp theo. Trong mùa mưa, mùa dịch của SXH, mỗi gia đình cần chú ý diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh trong và ngoài nhà, thu gom rác thải, phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, bôi thuốc diệt muỗi cho con em mình.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết