19/08/2011 - 08:49

Cảnh báo nguy cơ lây lan của bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng (TCM) là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu do vi-rút đường ruột (Human Entero virus Species A) gây ra, đặc biệt là Coxsackie A16, Enterovirus E71 (viết tắt là EV71). Trong đó, EV71 nguy hiểm hơn, thường gây các biến chứng thần kinh nặng và có thể tử vong.

Trên thế giới, nhiều vụ dịch có liên quan đến EV71 được ghi nhận từ những năm 1970. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em, với các triệu chứng chính là sốt, nổi bóng nước ở các vị trí đặc biệt như: niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Năm 1974, bệnh nhiễm EV71 được Schmidt và cộng sự mô tả từ 1969 - 1972 có 20 ca TCM có triệu trứng thần kinh trung ương, trong đó có 1 ca tử vong tại California (Mỹ); sau đó nhiều vụ dịch TCM có biến chứng thần kinh trung ương và tử vong được báo cáo ở Mỹ, Úc, Thụy Điển, Nhật, Pháp, Malaysia, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc...

Bác sĩ đang khám cho trẻ mắc bệnh TCM tại Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ. Ảnh: HỒNG VÂN 

Ở Việt Nam, dịch viêm não cấp có liên quan đến TCM được ghi nhận vào năm 2003, năm 2005. Theo báo cáo tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM vào năm 2005, có 764 ca TCM, với 96,2% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh. Trong đó, EV phân lập được ở 411 bệnh nhân (42,1% EV71, 52,1% CA 16). Thống kê tình hình bệnh TCM tại khu vực phía Nam từ năm 2005 đến nay cho thấy bệnh ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2005 có 441 ca (chết 13 ca) thì trong 3 năm (2008 - 2010) bệnh dao động từ 10.128 ca đến 10.958 ca. Đặc biệt sang năm 2011, chỉ tính từ đầu năm đến ngày 15-8-2011, có đến 26.157 ca mắc TCM (74 trường hợp tử vong). Như vậy, trong hơn 7 tháng đầu năm 2011, bệnh tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2010, số ca chết tăng rất cao, vượt qua cả số ca chết do mắc sốt xuất huyết (27 ca). Bệnh xảy ra ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp... Tại Cần Thơ, nếu như năm 2006 chỉ có 19 ca TCM, đến năm 2010 có 152 ca, thì chỉ tính trong hơn 7 tháng đầu năm nay (tính đến ngày 15-8-2011) có 295 ca TCM, tăng hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương có nhiều ca bệnh là: Ninh Kiều (97), Bình Thủy (60), Phong Điền (33), Cái Răng (26), Ô Môn (26), Thới Lai (24),... Độ tuổi mắc bệnh tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi (280 ca), chiếm 94,92 %. Trong tháng 7 bệnh tăng rất cao (124 ca) bằng 6 tháng đầu năm cộng lại.

Phương thức lây truyền

EV71 nhân lên trong đường tiêu hóa và thải ra ngoài theo phân trong khoảng từ 2 đến 6 tuần, đôi khi kéo dài đến 12 tuần sau khi nhiễm vi-rút. EV71 cũng nhân lên tại đường hô hấp trên và được tìm thấy trong phết cổ họng kéo dài đến 2 tuần sau nhiễm. Vi-rút theo phân hoặc đường hô hấp ra ngoài, chúng có thể tồn tại trên các đồ vật như: sàn nhà, mặt bàn, mặt ghế, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, đồ chơi, dụng cụ học tập... Do đó, nếu trẻ ăn, uống phải thức ăn, đồ uống có nhiễm vi-rút là có thể mắc bệnh. Trẻ thường bị nhiễm bệnh qua con đường tay - miệng (khi trẻ cầm nắm, sờ vào những đồ vật bị nhiễm rồi đưa lên miệng); bệnh cũng có thể lây theo lan qua đường hô hấp do trẻ hít phải những giọt nước bọt li ti bị nhiễm vi-rút do người bệnh ho, hắt hơi bắn ra...

Biện pháp xử lý
ổ dịch TCM

Ổ dịch bệnh TCM được xác định khi có 2 ca lâm sàng trong 7 ngày xảy ra tại cùng một nơi (tổ dân phố, trường học hoặc khi có 1 ca tử vong hoặc khi có ca xét nghiệm kết quả (+) EV hoặc EV71. Khi xác định có ổ dịch, cần thực hiện các biện pháp sau:- Tại nhà trẻ, mẫu giáo: Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, thì cho cả lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền. Thầy, cô giáo hoặc người hướng dẫn tại nhà trẻ phải theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có các triệu chứng sốt, loét miệng, phỏng nước cần thông báo ngay cho gia đình, y tế xử lý kịp thời.

Bảo đảm tất cả trẻ em, người lớn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như: vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch và thường xuyên trước, sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là mỗi lần thay tã cho trẻ. Thực hiện một số biện pháp hạn chế lây truyền theo đường “phân-miệng” khác như ăn chín, uống sôi.

Làm sạch các dụng cụ, vật dụng thường xuyên sờ mó của trẻ, nhà vệ sinh bằng nước và xà phòng, sau đó lau bằng chloramin B 2% hàng ngày; làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bị nhiễm dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng và lau bằng chloramin B 2%; để xa khỏi tầm tay trẻ em. Dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc: ngâm, tráng nước sôi trước khi ăn, sử dụng. Thường xuyên làm thông gió lớp học.- Tại gia đình bệnh nhân: Bệnh nhân phải được cách ly. Khi có các biểu hiện biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà ngủ gật, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao (>=39,50C), thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Bệnh nhân đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác; che miệng khi ho, hắt hơi và giữ khoảng cách khi nói chuyện (ít nhất 1 mét), không để vi-rút lây lan sang người khác. Phân và các chất thải của bệnh nhân phải được khử trùng bằng chloramin B. Quần áo, mùng mền, dụng cụ của bệnh nhân phải được khử trùng bằng cách đun sôi, ngâm dung dịch chloramin B 2%;

Đối với người chăm sóc bệnh nhân: hướng dẫn thực hành vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay ngay khi thay tã cho trẻ; thường xuyên vệ sinh răng miệng. Những người trong gia đình, người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân cần hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh. Khi trẻ còn triệu chứng bệnh TCM, không cho phép tham gia các hoạt động, gặp gỡ ở những nơi có đông trẻ em khác như đến lớp, đi bơi,...

Theo dõi các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để có thông báo cho cơ quan y tế xử lý, điều trị kịp thời.

Bác sĩ CKII NGUYỄN TRUNG NGHĨA
(Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết