27/12/2010 - 08:54

Căng thẳng giữa Đông và Tây trong EU

Tổng thống Roumanie Traian Basescu chỉ trích Pháp và Đức “phân biệt đối xử”. Ảnh: euronews

Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với viễn cảnh gia tăng căng thẳng giữa các nước thành viên cũ và mới sau khi Tổng thống Roumanie Traian Basescu chỉ trích Pháp và Đức có “hành động phân biệt đối xử”, ngăn cản nước này gia nhập khu vực tự do đi lại “Schengen” của châu Âu. Tổng thống Basescu cho rằng Roumanie đã đáp ứng tất cả các điều kiện kỹ thuật để gia nhập Schengen và việc Pháp - Đức đưa ra các điều kiện cản trở sẽ phá vỡ luật châu Âu và “tạo tiền lệ không thể chấp nhận được”.

Sự tức giận của Roumanie bộc phát sau khi các bộ trưởng nội vụ của Pháp và Đức viết một lá thư gởi cho các quan chức EU nói rằng do sự tiến bộ chậm chạp trong cải cách tư pháp, chống tham nhũng và trừng trị tội phạm có tổ chức của Roumanie và Bulgarie, khiến họ không thể ủng hộ hai nước này trở thành thành viên của Schengen, vốn dự kiến sẽ được bỏ phiếu thông qua vào tháng 3-2011. Theo các quan chức EU, lá thư của Pháp và Đức được đệ trình sau khi Tổng thống Basescu có kiến nghị cá nhân với các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels hồi tuần rồi về việc gia nhập Schengen, mặc dù vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự.

Theo các nhà ngoại giao EU, Berlin và Paris phản đối Roumanie và Bulgarie gia nhập khu vực miễn giấy thông hành, thực chất là vì lo ngại tình trạng nhập cư ồ ạt. Cả Pháp và Đức đều đang vấp phải những khó khăn về mặt chính trị nội bộ, xung quanh vấn đề người nhập cư từ Bulgarie và Roumanie. Quan hệ giữa Pháp và Roumanie càng hục hặc sau khi Paris mạnh tay trục xuất người Gypsie, trong đó có nhiều người gốc Roumanie. Trong khi đó, chính phủ Đức, nhiều dự báo sẽ đối mặt với các cuộc bầu cử địa phương khó khăn vào tháng 3-2011, đang tìm cách xoa dịu sự lo ngại của dân Đức về tình trạng nhập cư ồ ạt từ các nước nghèo vùng Balkan. Vì thế, lá thư của Pháp - Đức càng làm tăng thêm căng thẳng giữa các nước thành viên ở phía Đông và Tây của EU, sau khi Paris và Berlin cùng với Luân Đôn hồi tuần trước, đã phản đối việc tăng ngân sách cho EU trong thập niên tới. Động thái này gần như tác động ngay lập tức tới các nước Đông Âu, vốn tiếp nhận nguồn quỹ phát triển lớn nhất từ EU.

Vùng tự do đi lại Schengen, được đặt tên theo một thị trấn ở Luxembourg, có hiệu lực từ năm 1995 và hiện bao gồm 25 nước châu Âu, đa phần trong số đó thuộc EU, gồm: Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Ý, Hy Lạp và Síp.

Bên cạnh đó, những động thái trên diễn ra khi Hungary sắp tiếp nhận ghế chủ tịch luân phiên EU vào tháng 1-2011. Nước này từng kỳ vọng sẽ điều chỉnh lại mối quan hệ gay gắt giữa các nước thành viên cũ và mới trong EU. Các quan chức Hungary cho rằng tư cách thành viên Schengen của Bulgarie và Roumanie là một trong những ưu tiên hàng đầu của Budapest trong thời gian 6 tháng làm chủ tịch EU. Một nhà ngoại giao Hungary khẳng định Budapest sẽ tiếp tục thúc đẩy việc kết nạp Bulgarie và Roumanie vào Schengen, bất chấp sự phản đối của Pháp và Đức. Một ưu tiên khác của Hungary là việc Croatia gia nhập EU, dù rằng cuộc tranh cãi hiện nay giữa Đông và Tây trong khối này có thể cũng ảnh hưởng tới nỗ lực của Croatia.

N. MINH
(Theo FT, Telegraph, Reuters)

Tổng thống Roumanie Traian Basescu chỉ trích Pháp và Đức “phân biệt đối xử”. Ảnh: euronews

Chia sẻ bài viết