22/02/2016 - 21:34

Căng thẳng điều trị bệnh sốt xuất huyết

Hiện nay, tuy mùa nắng nhưng bệnh sốt xuất huyết (SXH) lại tăng. Xung quanh vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa II Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết:

- Tình hình điều trị bệnh SXH đang rất căng thẳng, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc chuyên tiếp nhận các ca SXH độ nặng, khác với những năm trước, từ đầu năm 2016 đến nay, ngày nào khoa cũng tiếp nhận bệnh nhi bị SXH nặng. Trong khi cùng kỳ năm 2015, lượng bệnh nhi bị SXH nặng ít hơn.

Diễn biến bệnh SXH năm nay cũng đáng lo hơn các năm trước. Thời điểm này đang mùa xuân, trời nắng nhưng lại tăng lượng bệnh nhi bị SXH. Đáng lo nhất là nhiều ca diễn tiến nặng như: tái sốc nhiều lần, nhiều biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, đi tiêu phân đen... Tuổi bệnh nhi nhập viện cũng thay đổi, trẻ lớn (tuổi) bị SXH nhiều hơn các năm trước (trước đây, trẻ nhỏ bị SXH nhiều hơn). Thêm vào đó, trẻ bị thừa cân, béo phì nên việc điều trị càng thêm khó khăn.

* Tại sao trẻ lớn, trẻ thừa cân, béo phì, việc điều trị SXH khó khăn hơn?

- Ở trẻ lớn, hệ thống miễn dịch của cơ thể phát triển gần như hoàn chỉnh, từ đó phản ứng với virus, kháng nguyên, kháng thể càng mạnh, dẫn đến quá trình sốc sẽ nặng hơn. Trẻ bị SXH vào sốc thì phải truyền dịch để bù dịch. Trẻ càng nặng cân, lượng dịch đưa vào càng nhiều, nguy cơ bị phù phổi, tổn thương thận, tim, suy đa cơ quan... tăng lên. Vì thế, khi trẻ thừa cân, béo phì bị SXH, cần nhập viện theo dõi. Ngoài ra, các trẻ bệnh mãn tính, thêm bị SXH cũng cần nhập viện theo dõi điều trị.

* Thưa bác sĩ, có phải trẻ nào bị SXH cũng cần nhập viện điều trị, trường hợp nào có thể điều trị tại nhà ?

 Bác sĩ Hà Anh Tuấn đang khám bệnh cho trẻ bị SXH. Ảnh: H.HOA

- Đối với bệnh SXH, ước tính có 25-30% trẻ bị biến chứng, gây choáng. Khi trẻ chỉ bị sốt, mệt mỏi, có thể điều trị tại nhà. Trong trường hợp này, ngoài dùng thuốc hạ sốt, gia đình phải thường xuyên lau ấm (khăn nhúng vào nước ấm) để giúp trẻ hạ sốt. Cho trẻ uống nhiều nước (lọc, cam, dừa...), ăn thức ăn dễ tiêu, không cần kiêng cử. Tuy nhiên, tránh cho trẻ dùng thức ăn có màu đỏ, nâu, đen vì khi đó sẽ khó phân biệt do thức ăn, nước uống hay trẻ bị xuất huyết tiêu hóa (nôn ói ra máu). Nếu trẻ sốt trên 2 ngày, lừ đừ, bỏ ăn, bỏ bú, ói nhiều, đau hạ sườn phải, chảy máu cam, chân răng, nổi nhiều chấm xuất huyết dưới da, tiểu ít..., cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa nhi ngay vì đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng.

* Gia đình nên lưu ý gì khi chăm sóc trẻ bị SXH, thưa bác sĩ ?

- Khi trẻ bị SXH, gia đình nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, càng nhiều càng tốt, việc này sẽ chống lại việc giảm thể tích máu, tránh cho trẻ bị sốc. Đây là giải pháp hữu hiệu trong điều trị bệnh SXH và nên để trẻ bị SXH nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, tránh chạy, nhảy, la, hét vì có thể làm thay đổi thể tích máu, gây choáng.

* Thưa bác sĩ, đối với trẻ bị SXH nặng, đã qua cơn nguy kịch, khỏi bệnh, có để lại di chứng gì không?

- Phần lớn các ca SXH nặng (trừ SXH não) khi hết bệnh, xuất viện, trẻ bình phục hoàn toàn, không để lại di chứng gì. Gia đình có thể hoàn toàn yên tâm.

* Sốt là triệu chứng ban đầu của SXH, vậy SXH và sốt thông thường (sốt siêu vi) khác nhau thế nào?

- SXH thường sốt cao hai ngày đầu, khi uống thuốc vào thì hạ sốt, hết thuốc thì sốt cao trở lại. Sốt trong bệnh SXH thường đi kèm nôn ói, đau bụng. Trong khi sốt siêu vi thì sốt, kèm theo ho, sổ mũi. SXH thường kéo dài từ 2-7 ngày. Thường ngày thứ năm, trẻ bị SXH sẽ hạ sốt. Tuy nhiên, gia đình không nên chủ quan vì khi hạ sốt, có thể là dấu hiệu của biến chứng nặng, vào choáng. Nếu trẻ hạ sốt, gia đình cần kiểm tra da ấm hay lạnh, có vã mồ hôi, da nổi bông tím... hay không. Ngoài ra, khi trẻ bị sốt, gia đình không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống. Thuốc hạ sốt tốt nhất nên dùng là paracetamol, không gây biến chứng. Tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt ibuprofen, aspirin vì có thể gây biến chứng nặng, xuất huyết nhiều hơn. Ngoài việc dùng thuốc hạ sốt, gia đình cần chú trọng việc lau ấm cho trẻ, không nên chỉ lệ thuộc vào thuốc hạ sốt.

* Bác sĩ vui lòng cho biết, biện pháp hữu hiệu phòng, chống bệnh SXH?

- Hiện nay, bệnh này chưa có vắc-xin phòng bệnh nên giải pháp ít tốn kém, hữu hiệu nhất là diệt lăng quăng, muỗi, phòng muỗi cắn, cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày. Trong mùa dịch SXH, khi trẻ bị sốt, gia đình và các bác sĩ cần lưu tâm căn bệnh này vì phát hiện sớm, việc điều trị đơn giản hơn rất nhiều. Nếu trẻ phát hiện bệnh muộn, tái sốc nhiều lần, việc điều trị rất khó khăn, trẻ có thể nguy hiểm tính mạng.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

HUỆ HOA (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết