06/12/2009 - 21:00

An toàn vệ sinh thực phẩm

Càng kiểm tra... càng lo!

Trong tháng 11-2009, Đoàn liên ngành thanh, kiểm tra An toàn vệ sinh, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP Cần Thơ đã kiểm tra các loại thực phẩm chế biến có nguồn gốc nguyên liệu từ cá nóc, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), vệ sinh môi trường trong các cơ sở giết mổ, chế biến, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng phủ tạng, mỡ, bì... gia súc, gia cầm. Thực tế kiểm tra cho thấy, không ít cơ sở vi phạm và càng đi kiểm tra càng lo lắng trước những nguy cơ về chất lượng ATVSTP.

* Nhiều vi phạm

Qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở, nhiều công ty kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP dù đã kinh doanh mặt hàng này từ lâu. Công ty TNHH TM-DV T.L, đường Trần Phú, quận Ninh Kiều, mở cơ sở kinh doanh thực phẩm từ năm 2003. Năm 2005, cơ sở này nâng thành công ty chuyên kinh doanh thực phẩm nhưng đến nay vẫn chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Công ty TNHH L.T, địa chỉ trên đường Trần Phú kinh doanh thực phẩm từ năm 2003, cũng vi phạm tương tự. Chủ doanh nghiệp phân trần: “Doanh nghiệp chỉ lấy hàng từ các công ty rồi phân phối lại cho các đại lý, không sản xuất thực phẩm nên không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Tôi hoàn toàn không biết Nhà nước có qui định này”. Theo qui định, bất cứ doanh nghiệp nào sản xuất và kinh doanh thực phẩm (loại hàng hóa có nguy cơ cao) bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Ngoài ra, công ty cũng không xuất trình được giấy tập huấn kiến thức ATVSTP, công nhân cũng không được khám sức khỏe theo quy định. Trong kho chứa hàng, công ty cũng vi phạm để hàng hóa thực phẩm lẫn lộn với mặt hàng nhang trừ muỗi, nước rửa bồn cầu.

Đoàn liên ngành thanh, kiểm tra An toàn vệ sinh, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP Cần Thơ kiểm tra một cơ sở sản xuất nước mắm tại huyện Phong Điền. 

“Tuy nhiên, những vi phạm về thủ tục, giấy tờ có thể bổ sung, hướng dẫn làm lại, đây không phải là những vi phạm lớn. Với những cơ sở này, chúng tôi có thể nhắc nhở, hướng dẫn họ làm thủ tục. Với mặt hàng thực phẩm, nghiêm trọng nhất là những vi phạm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây là những vi phạm phải xử phạt để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và răn đe các cơ sở tái phạm”- bác sĩ Trần Thị Kim Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Phó trưởng đoàn kiểm tra, cho biết. Thực tế, trong đợt kiểm tra này, những vi phạm về chất lượng không phải là ít. Shop N.T, đường 3 tháng 2, quận Ninh Kiều, kinh doanh mua bán thực phẩm từ năm 2004 nhưng chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, giấy khám sức khỏe và tập huấn kiến thức ATVSTP. Thêm vào đó, đoàn kiểm tra phát hiện 36 hộp nước màu không nhãn hàng hóa, 5 chai Downy đậm đặc loại 200 ml hết hạn sử dụng, 1 hộp tương hột nhãn không đúng qui định, 1 hộp tương ớt sa tế hết hạn sử dụng, đoàn kiểm tra niêm phong hàng tại cơ sở chờ tiêu hủy. Tại cơ sở S.m, khu vực Thới Bình, phường Phước Thới, quận Ô Môn, chuyên kinh doanh thịt bò có rất nhiều vi phạm như: Khu bảo quản thịt tươi sống chưa đúng qui định; sản phẩm chả bò không có nhãn hàng hóa; cửa hàng ăn uống chưa thực hiện thủ tục ATVSTP và có nhiều ruồi; giết mổ bò trực tiếp trên sàn nhà, khu pha lóc chế biến thịt chiều cao chưa đạt; chất thải sau khi giết mổ chưa được vệ sinh dọn dẹp; khu xử lý sau khi giết mổ không đạt theo qui định, hiện trạng môi trường có dấu hiệu ô nhiễm... Đoàn kiểm tra yêu cầu tiêu hủy tại chỗ 8 kg mỡ phụ phẩm, niêm phong kho bảo quản chứa hàng phụ phẩm khoảng 1 tấn.

Ngoài những vi phạm ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm có thể phát hiện được ngay, thực tế vẫn còn có những vấn đề về thực phẩm chưa quản lý được. Chẳng hạn, qua đợt kiểm tra hai cơ sở nước mắm (nước mắm cá cơm H.Đ ở đường Tầm Vu, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều và nước mắm T ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), cả hai cơ sở đều thừa nhận có bỏ bột ngọt vào nước mắm. Mặc dù trong thành phần ghi trên nhãn không hề ghi có bột ngọt. Ngoài ra, nước mắm T mua cá tại tàu đánh bắt trên biển, nơi bán cá không có hóa đơn. Doanh nghiệp này cũng thừa nhận nếu nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm có “vấn đề” thì đành chịu vì không có cách mua nguyên liệu nào khác.

* Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát...

Trên địa bàn TP Cần Thơ có 5.211 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và các dịch vụ ăn uống thuộc diện được quản lý. Trong đó, có 516 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 1.135 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 3.560 cơ sở dịch vụ ăn uống. TP Cần Thơ là một địa bàn rộng, sinh hoạt đa dạng, dân số đông nên việc đảm bảo ATVSTP là một thách thức lớn. Hiện nay, mỗi năm ngành y tế chỉ triển khai được vài đợt thanh, kiểm tra về ATVSTP. Số cơ sở được kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn chiếm số lượng rất ít. Hầu hết ngành y tế chỉ tiến hành thanh, kiểm tra trong Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... và theo một số vụ việc được báo chí phát hiện. Vì thế có tình trạng nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh thực phẩm cả chục năm nay nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Nhiều cơ sở, như chủ cửa hàng N.T thừa nhận kinh doanh nhiều năm nhưng mới lần đầu được kiểm tra, hướng dẫn làm thủ tục về ATVSTP. Chi cục ATVSTP, trực thuộc Sở Y tế TP Cần Thơ được thành lập và đi vào hoạt động từ vào tháng 7-2009. Như vậy, ngành y tế đã có một cơ quan chuyên biệt có nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát, quản lý... về ATVSTP. Bác sĩ Trần Thị Kim Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, cho biết: “Càng đi kiểm tra, chúng tôi càng lo lắng về chất lượng của thực phẩm. Chi cục mới thành lập, nhân sự ít nên chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thực phẩm. Hiện nay, chúng tôi đang đề xuất bổ sung biên chế để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Trong tháng 11-2009, Đoàn liên ngành thanh, kiểm tra An toàn vệ sinh, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP Cần Thơ đã kiểm tra 30 cơ sở, phát hiện 19 cơ sở vi phạm. Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ đã nhắc nhở 5 cơ sở, cảnh cáo 1 cơ sở, phạt tiền 13 cơ sở với tổng số tiền trên 21 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động 2 cơ sở.

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Tuyến, qua đợt kiểm tra này, Chi cục ATSVTP chia đối tượng kinh doanh thực phẩm làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là những người buôn bán nhỏ, tự phát kinh doanh, chưa hiểu những qui định về kinh doanh, sản xuất thực phẩm. Với đối tượng này, Chi cục có kế hoạch hướng dẫn, tập huấn. Nhóm thứ hai là những người đã được tập huấn về ATVSTP nhưng chưa thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ đúng qui định ATVSTP, nhóm này sẽ được tăng cường tuyên truyền giáo dục. Nhóm thứ ba là những người vì hám lợi mà phớt lờ sức khỏe của người tiêu dùng. Đây chỉ là số cơ sở nhỏ nhưng việc không tuân thủ các qui định ATVSTP của các cơ sở này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng nên phải kiên quyết xử phạt, răn đe. Sau đợt kiểm tra, bộ phận chuyên môn của Chi cục ATVSTP sẽ tiến hành biên soạn giáo trình phù hợp với từng nhóm đối tượng kinh doanh, trên cơ sở thực hành, sát với thực tế sản xuất, kinh doanh tại cơ sở. Sau đó sẽ mời các cơ sở lên tập huấn. Sau khi đã được tập huấn, Chi cục ATVSTP sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát để xem cơ sở áp dụng những kiến thức đã được tập huấn ra sao.

Người Việt Nam có tập quán buôn bán, kinh doanh, sản xuất thực phẩm qui mô hộ gia đình, nhỏ, lẻ (qua kiểm tra, phần lớn các cơ sở vi phạm là những cơ sở nhỏ). Từ đó đặt ra vai trò giám sát, kiểm tra công tác ATVSTP ở các xã, phường, thị trấn. Hiện nay, Chi cục ATVSTP cũng phân cấp quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm cho tuyến quận, huyện và các xã, phường, thị trấn. Nhưng với lực lượng nhân sự quá mỏng, lại kiêm nhiệm nhiều việc nên khó đảm đương được công việc. Vì thế, hệ thống quản lý ATVSTP rất cần được tăng cường biên chế. Ngoài hệ thống giám sát từ phía các cơ quan nhà nước, báo chí, ngành y tế thành phố cũng nên xem xét thiết lập đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận mà làm ăn gian dối, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết