21/10/2021 - 17:17

Cần Thơ sẽ duy trì các chương trình can thiệp, đặc biệt là tự xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng 

(CT) - Chiều 21-10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cùng đại diện Sở Ngoại vụ, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật dự "Hội nghị vệ tinh các thành phố ASEAN 3 không" về phòng, chống HIV/AIDS. Đây là hoạt động trong khuôn khổ hội nghị các thành phố về xét nghiệm nhanh HIV năm 2021. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND  TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: H.HOA

Phó Chủ tịch Thường trực UBND  TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: H.HOA

Tại hội nghị, ông Dương Tấn Hiển phát biểu về vai trò của cộng đồng trong chiến lược xét nghiệm nhanh, góp phần tiến tới mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.  

Theo thống kê, đến 30-9-2021, Cần Thơ phát hiện được là 6.803 người nhiễm HIV. Trong đó, có 2.547 người còn sống. Cần Thơ triển khai hoạt động xét nghiệm nhanh HIV dựa vào cộng đồng từ tháng 2-2017 ở 3 nhóm: nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới). Thành phố đã đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ xét nghiệm không chuyên - nhân viên tiếp cận cộng đồng và các tổ chức cộng đồng. Xây dựng quy trình triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh HIV. Truyền thông quảng bá dịch vụ xét nghiệm nhanh qua nhiều hình thức, nhất là qua mạng xã hội... Xuất phát từ nhu cầu cộng đồng, tháng 11-2020, Cần Thơ thí điểm triển khai phân phối bộ dụng cụ tự xét nghiệm nhanh HIV bằng nước bọt (Ora-Quick) miễn phí thông qua trang web tự xét nghiệm. Đây là kênh xét nghiệm cộng đồng tiện lợi, nhất là trong giai đoạn COVID-19 bùng phát.

Hội nghị tổ chức trực tuyến. Ảnh: H.HOA

Với hiệu quả chương trình xét nghiệm nhanh tại cộng đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cam kết Cần Thơ sẽ tiếp tục duy trì triển khai các chương trình can thiệp, đặc biệt là tự xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; tiếp tục phấn đấu để đạt được các mục tiêu lớn của chương trình phòng, chống HIV/AIDS như duy trì "3 không" về HIV/AIDS; chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Tại ASEAN, có 10 thành phố tham gia “Thành phố hướng tới mục tiêu 3 không về HIV/AIDS”: không còn người nhiễm mới HIV; không còn người tử vong do AIDS; không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS. Tại Việt Nam có 2 thành phố (Cần Thơ và Đà Nẵng) tham gia thực hiện chương trình này.

Tin, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết