22/04/2020 - 20:03

Cần Thơ nới lỏng giãn cách xã hội nhưng không chủ quan, lơ là 

Sáng 22-4, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 với các sở, ngành và 9 quận, huyện. Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận những biện pháp chống dịch sau ngày 22-4 và đề xuất chuyển TP Cần Thơ sang nhóm địa phương nguy cơ thấp.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh chủ trì cuộc họp.

►Đề xuất chuyển từ nhóm nguy cơ sang nhóm nguy cơ thấp

Ông Cao Minh Chu, Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho biết: Tại TP Cần Thơ chưa phát hiện lây nhiễm chéo trong cách ly, điều trị và lây nhiễm ngoài trong cộng đồng. TP Cần Thơ đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia chuyển địa phương từ nhóm nguy cơ sang nhóm nguy cơ thấp. Tuy nhiên, qua thống kê của các điểm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19, số lượng người di chuyển đến TP Cần Thơ rất đông, khoảng 15.000 lượt/ngày. Vì thế, sau ngày 22-4, thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội nhưng không chủ quan mà phải kiên định với chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; tiếp tục đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng. Ban Chỉ đạo triển khai quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn trên cơ sở sử dụng dữ liệu dân cư. UBND quận, huyện thành lập tổ công tác, Sở Y tế sẽ tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai nội dung này. Ngoài ra, thay đổi chốt kiểm soát cố định hiện nay bằng kiểm soát lưu động.

Đại tá Lương Văn Bền, Phó Giám đốc Công an thành phố, đề xuất giảm từ 9 trạm kiểm soát phòng, chống dịch xuống còn 2 điểm ở Big C (quận Cái Răng) và quận Thốt Nốt. Đồng thời, đề nghị quận, huyện quan tâm theo dõi số người về từ vùng dịch, cách ly ở các nơi trở về địa phương vì nguy cơ tái nhiễm bệnh. Khi thành phố được Thủ tướng chấp thuận chuyển sang nhóm nguy cơ thấp, cần có văn bản cụ thể để người dân, địa phương nắm bắt, thống nhất thực hiện.

Đồng tình với các ý kiến trên, Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Mạnh cho rằng, thời gian qua, 9 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 hoạt động tốt. Sự vào cuộc rất quyết liệt, thu thập thông tin, lọc các nguồn nguy cơ, nếu có biểu hiện nghi ngờ, đưa đi cách ly, xét nghiệm... đã mang lại những hiệu quả tích cực. Thời gian tới, cuộc chiến phòng, chống COVID-19 chuyển trạng thái sang sống chung an toàn với dịch bệnh. Vì thế, công tác phòng, chống COVID-19 cũng sẽ chuyển sang nắm bắt tại cộng đồng. Khi có người ở tỉnh khác đến cư trú, cần đăng ký cho chính quyền địa phương để giám sát, theo dõi. Công an thành phố xây dựng phương án kiểm soát mới, kiểm soát lưu động, trọng điểm.  

Với hoạt động giao thông vận tải, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết: Nếu thành phố được chuyển sang nhóm nguy cơ thấp thì hoạt động vận tải nới lỏng theo. Sở đang chờ chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải để tổ chức lại hoạt động. Dự kiến, đối với hoạt động giao thông thủy, giữ nguyên như biện pháp áp dụng từ ngày 16-22/4, vì đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thiết yếu của người dân. Đối với giao thông đường bộ, hiện có 38 tuyến cố định đi qua 38 tỉnh, thành; dự kiến sẽ cho 11 tuyến hoạt động trở lại. Cho xe hợp đồng, xe du lịch hoạt động lại; cho taxi, xe buýt hoạt động nội tỉnh.

Cần Thơ tổ chức tốt việc cách ly tập trung cho hàng trăm trường hợp người Việt Nam từ nước ngoài trở về và người nước ngoài. Trong ảnh: Người hoàn thành cách ly vẫy cờ chào tạm biệt.

►Tập trung hỗ trợ  người dân

Tại cuộc họp, đại biểu cũng đề nghị các sở, ngành chức năng nhanh chóng rà soát, lập danh sách, chi trả cho các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Sở đã phối hợp các quận, huyện rà soát 7 nhóm đối tượng theo Nghị quyết 42; thường xuyên cập nhật số liệu lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn để triển khai thực hiện hỗ trợ ngay sau khi có hướng dẫn của Trung ương. Về các đối tượng có thể thực hiện hỗ trợ ngay, hiện tại các quận, huyện có đầy đủ danh sách người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hộ nghèo, cận nghèo tính đến ngày 31-12-2019. Trong tuần này, Sở phối hợp các quận, huyện phê duyệt danh sách và sang tuần, phối hợp quận, huyện, Bưu điện chi trả. Riêng các nhóm đối tượng 1-2-3-4, chờ hướng dẫn cụ thể của Trung ương. 

Theo lãnh đạo Sở Tài chính, quận, huyện chịu trách nhiệm chính trong việc lập danh sách theo Nghị quyết 42; cần chủ động, khẩn trương có danh sách, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, chi trả trước cho đối tượng 5-6-7. Về kinh phí chi trả, trước mắt, địa phương chủ động sử dụng 50% kinh phí dự phòng và nguồn cải cách tăng lương để chi. Sau đó, báo cáo Sở Tài chính cấp chi trả cho các địa phương. Sở Tài chính tổng hợp, xin ý kiến Bộ Tài chính hỗ trợ theo quy định.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành và địa phương cần tập trung chi trả cho những đối tượng có thể chi trả ngay; với những đối tượng còn lại, cần rà soát, đảm bảo đúng đối tượng.

Cần Thơ đã điều trị thành công cho 2 bệnh nhân mắc COVID-19. Trong ảnh: Bệnh nhân số 145 tặng hoa ê-kíp điều trị.

►Luôn nâng cao cảnh giác 

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết: Tới đây, thành phố sẽ nới lỏng dần để thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Chúng ta cần xác định chuyển trạng thái xã hội từ giãn cách xã hội như tại Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ sang sống chung tương đối lâu dài với dịch bệnh. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất, tuyệt đối đảm bảo các biện pháp phòng tránh lây nhiễm từ người sang người; khuyến cáo mọi người dân tiếp tục ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết; mọi người ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, rửa tay, không tụ tập đông người. Thứ hai là cho phép mở cửa hoạt động trở lại các loại hình kinh doanh dịch vụ, trừ các lĩnh vực không thiết yếu như các hoạt động văn hóa và vui chơi giải trí, du lịch... Thứ ba là thúc đẩy các điều chỉnh tích cực trong xã hội, như: tăng cường ứng dụng, phát triển các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin; đề cao cách ứng xử văn minh nơi công cộng (hạn chế tụ tập đông người không cần thiết; giãn cách, xếp hàng trật tự, ngăn nắp không chen lấn xô đẩy; không hiếu, hỉ đông người…).

Lãnh đạo thành phố cũng lưu ý ngành y tế khẩn trương chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động khám chữa bệnh, bảo đảm an toàn đối với cán bộ y tế và người dân; xây dựng bộ quy chuẩn, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải...

“Trong giai đoạn chống dịch mới, không để người dân có cảm giác đã hết cách ly, giãn cách xã hội rồi tranh thủ “bù đắp” lại các tuần vừa qua, ồ ạt ra đường, đi chơi, đi du lịch… Đó sẽ là nguy cơ lây lan dịch bệnh, rất đáng tiếc cho những nỗ lực thời gian qua. Chúng ta khôi phục hoạt động thiết yếu, nhỏ, lẻ nhưng không quên cảnh giác dịch bệnh, tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế” - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết