 |
Hồ Xáng Thổi góp phần điểm tô cho sắc vóc đô thị của thành phố. |
Sau 35 năm tập trung xây dựng và phát triển thành phố, bên cạnh các thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... diện mạo của TP Cần Thơ thay đổi từng ngày. Những con đường mới mở, khu đô thị mới với những căn nhà cao tầng đang mọc lên, những khu đô thị cũ được cải tạo khang trang... càng tô điểm cho thành phố “cửa ngõ sông Mê Công” thêm sáng đẹp, trẻ trung...
Những ngày tháng Tư lịch sử, thành phố Cần Thơ tưng bừng, nhộn nhịp với các sự kiện kinh tế- xã hội, văn hóa, thể thao,... sôi nổi. Dòng người từ khắp nơi náo nức đến với thành phố để ngắm cầu Cần Thơ - cây cầu dài nhất Đông Nam Á và sự đổi thay mới mẻ từng ngày của thành phố ven bờ sông Hậu. Nguyễn Văn Quý, bạn tôi, đang công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hà Tiên cũng có mặt tại thành phố Cần Thơ trong dịp này. Trò chuyện với chúng tôi, Quý cho biết: “Cách nay hai năm, tôi đã có dịp đến Cần Thơ, lúc đó đã thấy thấp thoáng diện mạo của một đô thị trẻ đầy sức sống. Bây giờ, quay lại với Cần Thơ, tôi thật không ngờ bộ mặt thành phố thay đổi, phát triển đến ngỡ ngàng. Những con đường như được “thay áo mới”, lòng đường sạch sẽ, vỉa hè thông thoáng. Ban đêm đại lộ Hòa Bình và các con đường ở khu vực trung tâm thành phố sáng rực đèn hoa. Những căn nhà cao tầng, như siêu thị sách, cao ốc văn phòng trên Đại lộ Hòa Bình, tòa nhà của Ngân hàng Eximbank ở đường Phan Đình Phùng, cao ốc trên đường Trần Hưng Đạo và nhiều công trình khác... góp phần làm cho thành phố trông hiện đại hơn”.
Qua hết cây cầu mới - cầu Hưng Lợi - bắc qua sông Cần Thơ, nối đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận Ninh Kiều) với khu đô thị mới Nam Cần Thơ (quận Cái Răng), chưa hết ngỡ ngàng với dáng vẻ đẹp hoành tráng, lộng lẫy và thơ mộng của cầu Cần Thơ, anh bạn tôi lại “giật mình” trước những khu đô thị mới ở Nam Cần Thơ. Nơi đây, bên cạnh tòa nhà Tây Nguyên Plaza cao nhất thành phố là những khu phố hiện đại, tiếp nối nhau chạy dài theo đại lộ Quang Trung. Quý còn nhớ cách nay chưa đầy 10 năm, khi còn là sinh viên đại học Cần Thơ, nơi này còn là những thửa ruộng, rẫy hoa màu, vườn cây ăn trái um tùm với những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, đi lại khó khăn. Vậy mà hôm nay...
Chiều tối, tôi và Quý đến công viên Sông Hậu ngắm cầu Cần Thơ lung linh, huyền ảo trên dòng Hậu Giang. Khi nghe nói ngoài tuyến kè bảo vệ cồn Cái Khế và công viên Sông Hậu này, thành phố đã và đang tiếp tục triển khai xây dựng các tuyến kè như kè rạch Khai Luông, kè rạch Cái Khế, kè Xóm Chài... và đang lập thủ tục để triển khai dự án kè sông Cần Thơ với chiều dài hơn chục km, Quý tỏ vẻ háo hức chờ đến ngày được đi dạo trên những bờ kè khang trang đó.
Chỉ tiếc rằng, Quý không lưu lại Cần Thơ đủ lâu để tôi có thể giúp anh tận mắt nhìn thấy thật đầy đủ về sự “thay da đổi thịt” của thành phố thân yêu. Bên cạnh những công trình mới mở, nhiều khu đô thị cũ cũng đã được đầu tư nâng cấp, phải kể đến niềm hân hoan của nhiều người dân ở hai phường An Cư và An Hội (quận Ninh Kiều) khi hơn 50 tuyến hẻm trên địa bàn đã được nâng cấp khang trang bằng nguồn vốn của dự án Nâng cấp đô thị thành phố Cần Thơ, do Ngân hàng thế giới tài trợ. Nhìn con hẻm 20 (đường Mạc Đĩnh Chi phường An Cư) rộng rãi, khang trang, đèn đường sáng choang, ông Trần Văn Nam, người nhiều năm cư ngụ tại khu vực này cho biết: “Trước đây, ra vô con hẻm nầy ai cũng ngao ngán cái cảnh phải lội nước bì bõm vào mùa mưa, dơ dấy không chịu nổi. Cũng nhờ Đảng, chính quyền quan tâm đầu tư và nhân dân đồng lòng thực hiện”. Trông ra công viên Hồ Xáng Thổi khang trang, nườm nượp người, xe cộ qua lại dạo phố, hóng mát hoặc ghé vào những quán xá mọc lên san sát, ông Nam bảo hễ gặp bạn bè, bà con ai cũng trầm trồ trước sự đổi thay đến “chóng mặt” ở khu vực này trong vài năm trở lại đây. Khách ở xa đến, khó ai tưởng tượng khu vực này trước đây là cái hồ rau muống cạn, chen chúc những dãy nhà lụp xụp, đầy rác rến, nhiều lúc nước ô nhiễm đen ngòm, bốc mùi không chịu nổi. Khi đường sá, công viên bờ hồ được xây dựng khang trang, nhiều gia đình nghèo khó trước đây đã thật sự đổi đời. Ông Nam phấn khởi cho biết: “Từ khi công trình cải tạo kênh và hồ Xáng Thổi hoàn thành, ngày nào tôi và mấy anh bạn già cũng lội bộ từ nhà ra đây tập thể dục. Nhìn thành phố mỗi ngày thêm đổi mới mà thấy “sướng” trong lòng”. Không dừng lại ở đó, tới đây sẽ có thêm 118 tuyến hẻm ở hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy nằm trong dự án nâng cấp đô thị Cần Thơ được triển khai xây dựng và nhiều con rạch trong thành phố, như rạch Tham Tướng, rạch Chùa, rạch Cái Khế... cũng sẽ được cải tạo, với tổng kinh phí giai đoạn 2 của dự án lên tới 40 triệu USD.
Những công trình mới cũng đua nhau hình thành ở các huyện ngoại thành, như tuyến đường Bốn Tổng Một Ngàn nối trung tâm huyện Vĩnh Thạnh với trung tâm huyện Cờ Đỏ và các vùng khác của thành phố, dự án đường tỉnh 921 cũng đang trong giai đoạn hoàn thành; trung tâm thương mại huyện Phong Điền, trung tâm hành chính, thương mại huyện Vĩnh Thạnh cũng đang trong giai đoạn chạy nước rút... Tất cả đều vì mục tiêu xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị văn minh, hiện đại.
Trong những năm gần đây, hầu như năm nào thành phố Cần Thơ cũng có những sự kiện có tác động lớn đối với sự phát triển của thành phố. Năm 2009 là sự kiện đưa sân bay Cần Thơ vào hoạt động, tạo điều kiện để Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL rút ngắn khoảng cách với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế hay sự kiện thành phố được công nhận là đô thị loại 1. Gần đây nhất, trong tháng Tư lịch sử này, là sự kiện khánh thành cầu Cần Thơ - Công trình không chỉ có ý nghĩa to lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội và an ninh, quốc phòng đối với Cần Thơ, các tỉnh ĐBSCL, cả nước. Ông Nguyễn Văn Xuân, một người dân cố cựu ở quận Ninh Kiều, nói: “35 năm, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, thành phố đã có những bước tiến vững chắc, đời sống của người dân được cải thiện rất nhiều. Nhưng theo tôi, trong những năm gần đây, nhất là từ khi Cần Thơ được chia tách, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì có sự thay đổi thật lớn lao, với nhiều công trình tầm cỡ quốc gia”.
Cùng với cầu Cần Thơ, Sân bay Quốc tế Cần Thơ, cảng Quốc tế Cái Cui đã đưa vào sử dụng, Quốc lộ Nam sông Hậu đã thông tuyến... và nhiều công trình trọng điểm khác trên địa bàn đang được khẩn trương xây dựng, như: Khu hậu cần logistic, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, đường Cần Thơ- Vị Thanh, Bệnh viện Đa khoa thành phố..., sẽ giúp Cần Thơ tự tin đón đầu làn sóng đầu tư trong mọi ngành, mọi lĩnh vực kinh tế. Đây cũng sẽ là động lực mới cho thành phố phát triển nhanh, xứng tầm với vị trí của một đô thị trung tâm của toàn vùng.
Sau 35 năm xây dựng và phát triển, TP Cần Thơ đã mang một diện mạo, tầm vóc, thế đứng mới trong sự phát triển chung của toàn vùng ĐBSCL và cả nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đang không ngừng nỗ lực để sớm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ thời kỳ CNH, HĐH đất nước là “phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học- công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trong điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và của cả nước”. Mới đây, tại buổi mít tinh kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng thành phố, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra thời cơ, thuận lợi về cơ sở hạ tầng đối với thành phố và yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và quân dân thành phố đoàn kết chung sức, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khắc phục những yếu kém, tồn tại quyết tâm xây dựng thành phố trở thành một đô thị kiểu mẫu, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của toàn vùng. Trong niềm vui, tự hào trước những thành tựu của thành phố trong 35 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, nhân dân TP Cần Thơ và ĐBSCL luôn mong đợi định hướng đó sớm trở thành hiện thực.
Bài, ảnh: THỤY KHUÊ