19/04/2011 - 08:26

ÔNG NGUYỄN QUÍ ĐÔN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP CẦN THƠ:

Cần tập trung ôn tập, chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Năm 2011, cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT không có nhiều thay đổi so với năm 2010. Tuy nhiên, không ít phụ huynh, học sinh tỏ ra lo lắng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố tiếp tục thi môn Địa lý (3 năm liên tục). Để phụ huynh và học sinh có đủ thông tin, chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ.

* Thưa ông, đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2010-2011 tại thành phố Cần Thơ được Sở GD&ĐT và các trường THPT trên địa bàn triển khai thực hiện ra sao?

- Không phải đến thời điểm này ngành giáo dục mới chỉ đạo các trường tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục thành phố đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc chương trình năm học do Bộ GD&ĐT qui định, với phương châm: dạy đúng, dạy đủ và dạy kỹ chương trình. Bởi vì khi học sinh được dạy đúng, đủ và kỹ thì mới ôn tập hiệu quả được. Nếu nơi nào nhà trường, giáo viên còn lơ là thì đến thời điểm này sẽ khó lòng tổ chức ôn tập kịp, bởi các em đã hỏng kiến thức nền do tình trạng học qua loa, đại khái trong năm học. Nhiều trường có điều kiện đã tổ chức ôn tập các môn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh từ đầu tháng 3-2010. Tuy nhiên, ngành cũng yêu cầu chỉ những trường đã hoàn thành đúng và đủ chương trình của Bộ GD&ĐT qui định đối với các môn thi tốt nghiệp mới được tổ chức ôn tập. Đối với các môn còn lại, các trường THPT cũng phải đảm bảo hoàn thành hết chương trình, không được cắt xén chương trình. Trước khi các trường tổ chức ôn tập, ngành giáo dục cũng đã tổ chức họp giáo viên dạy lớp 12 để triển khai kế hoạch ôn tập trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT rồi triển khai thực hiện tại các trường.

Thí sinh trao đổi bài sau buổi thi tốt nghiệp THPT năm học 2009 - 2010 tại Hội đồng thi Trường THPT Châu Văn Liêm. Ảnh: L.G

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2010-2011, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thực hiện thi theo cụm và chấm chéo. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ vừa xây dựng phương án thi để trình Bộ GD&ĐT xem xét. Dự kiến, năm nay TP Cần Thơ sẽ có khoảng 10.000 thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT và bổ túc trung học tại 18 hội đồng thi THPT và 4 hội đồng thi bổ túc trung học. Nhìn chung, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã và đang được ngành giáo dục thành phố chuẩn bị tích cực. Ngay khi bắt đầu học kỳ 2 năm học 2010 - 2011, Sở GD&ĐT đã thành lập đoàn đến các trường THPT để tìm hiểu tình hình ôn tập của học sinh. Nhiệm vụ chủ yếu của đoàn là hỗ trợ kịp thời những khó khăn của giáo viên, học sinh trong quá trình ôn tập...

* Dư luận cho rằng một số giáo viên và học sinh đã chủ quan khi nhận định môn Địa lý đã được chọn thi hai năm liên tục (năm 2009 và 2010) nên năm nay sẽ không được chọn nữa. Như vậy, liệu các học sinh có thể ôn tập kịp không, thưa ông?

- Chuyện đoán thi môn này bỏ môn kia là căn bệnh trầm kha của không ít giáo viên và học sinh, cho dù ngay từ đầu năm học ngành giáo dục đã chỉ đạo các trường phải dạy đều và dạy đủ tất cả các môn. Việc suy đoán không có căn cứ như vậy vô cùng tai hại, bởi do đoán môn mình dạy không thi nên trong năm học giáo viên dạy qua loa, đến khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi, giáo viên phải “nhồi nhét” kiến thức cho học sinh. Ở những trường tổ chức dạy như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc ôn tập. Bởi vì ôn tập chính là hệ thống hóa lại kiến thức, nếu không dạy đúng, đủ chương trình thì làm sao ôn tập được. Thực tế, một số học sinh đã không tập trung thực sự cho môn Địa lý nên khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi đã hoang mang lo lắng. Đối với những học sinh chưa tập trung học tốt môn Địa lý nói riêng và các môn thi khác, ngành cũng yêu cầu các trường có kế hoạch ôn tập cụ thể hơn. Trong đó, chú ý phân nhóm những học sinh có học lực khác nhau để có cách ôn tập phù hợp... Thế nhưng, không thể chỉ tập trung cho môn Địa lý hoặc một môn nào đó mà “quên” đi các môn học khác. Bởi các môn đều có tầm quan trọng như nhau trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tập trung cho môn này, bỏ môn kia là một quan niệm không đúng. Thời gian ôn tập còn khá dài vì vậy các trường cần hướng dẫn giáo viên bộ môn cùng nhau hệ thống lại kiến thức và có cách ôn tập phù hợp. Môn nào học sinh còn yếu nhiều thì dành thời gian ôn tập môn đó nhiều hơn và chú ý có cách ôn tập, hướng dẫn riêng đối với những học sinh còn yếu, chưa nắm vững bài...

* Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đạt kết quả tốt, ông có lời khuyên gì đối với các phụ huynh và học sinh?

- Trước hết, phụ huynh nên quan tâm chăm sóc cho con, em mình có sức khỏe tốt, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường để giúp các em ôn tập tốt, có kiến thức vững vàng trước khi bước vào kỳ thi. Thực tế các kỳ thi tốt nghiệp những năm qua cho thấy, hầu hết các đề thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT ra đều ở mức độ trung bình, không quá khó đối với học sinh. Những học sinh nào học đều, học đủ chương trình và đạt yêu cầu là có khả năng thi đậu. Vì vậy, học sinh cần cố gắng nhiều hơn nữa trong ôn tập để đảm bảo có kết quả thi tốt. Tuy nhiên, cho dù đề thi được ra theo mức độ trung bình nhưng học sinh cũng không nên tự mãn mà lơ là việc ôn tập.

* Xin cảm ơn ông!

LY GIANG (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết