20/12/2007 - 16:42

Hiện đại hóa nền hành chính TP Cần Thơ

Cần sớm tháo gỡ những cản ngại

Mục tiêu Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn II (2006-2010) trên địa bàn thành phố Cần Thơ là phấn đấu đến 2010 xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, thành phố phải đạt được “3 chuẩn”: chuẩn về cơ sở vật chất, chuẩn về cán bộ, công chức và chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đã gần kết thúc “chặng đường phấn đấu” nhưng các chuẩn này vẫn chưa làm được. Đây đang là thách thức lớn đòi hỏi sự nỗ lực đối với các ngành, các cấp và mỗi cán bộ, công chức.

* Chuyển biến bước đầu

Từ năm 2006, khi trụ sở UBND quận Ninh Kiều đưa vào sử dụng, việc bố trí nơi làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của quận đã tươm tất hơn trước. Phòng ngồi chờ giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp được lắp máy lạnh, có bàn ghế, viết để ghi hồ sơ. Quy trình hồ sơ thủ tục được niêm yết công khai ngay trước cửa phòng, thuận tiện để người dân tìm hiểu, thực hiện. Đội ngũ cán bộ phục vụ tại bộ phận này cũng được các phòng ban và UBND quận chọn lựa đủ chuẩn, có kỹ năng giao tiếp tốt, vững chuyên môn... Nói chung, mỗi cán bộ, công chức làm việc tại đây đều ý thức trách nhiệm về thực hiện văn minh, văn hóa công sở, góp phần tạo sự chuyên nghiệp, hiện đại trong bộ máy hành chính quận.

Tại bộ phận “một cửa” quận Ninh Kiều bố trí đầy đủ chỗ ngồi chờ giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân đến liên hệ. 

Ngồi tại hàng ghế trong phòng chờ dành cho người dân, anh Nguyễn Minh Hùng, ở tại khu vực 5, phường An Khánh, đang chờ nhận kết quả hồ sơ chứng thực, trầm trồ: “Cán bộ làm việc ở đây rất chuyên nghiệp, người nào việc nấy; mỗi hồ sơ đều được vào sổ, nếu hồ sơ nào cần hẹn, cán bộ ra phiếu biên nhận, trả kết quả. Với tôi, có chỗ ngồi mát mẻ, không khí hòa nhã, chờ lâu một chút cũng dễ chịu!”.

Hiện nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả quận Ninh Kiều được đánh giá là tiện nghi, đúng chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ về triển khai cơ chế “một cửa”. Với diện tích khoảng 100 mét vuông, với hơn 70 ghế ngồi chờ, bố trí bàn, viết sẵn để bà con tiện việc kê khai, bổ sung giấy tờ vào hồ sơ; có thùng thư góp ý về tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ. Riêng về công tác hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn, từ tháng 6-2006, UBND quận đã tổ chức ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000 đối với 7 lĩnh vực. Trong đó, có nhiều lĩnh vực bức xúc như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng nhà ở, giải quyết hộ tịch... Trong năm 2007, UBND quận Ninh Kiều đã triển khai ứng dụng ISO trong quản lý điều hành dịch vụ hành chính công tại 10 phường trên địa bàn (trừ phường An Khánh do mới chia tách). Hiện nay, các phường này đã hoàn tất thủ tục, chờ Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá cấp chứng chỉ công nhận.

Cùng với quận Ninh Kiều, năm 2007, thành phố cũng đã chi hơn 10 tỉ đồng để xây dựng trụ sở một số phường, xã, thị trấn; tổ chức áp dụng ISO trong quản lý dịch vụ hành chính công cho 9 sở, ngành quan trọng của thành phố, như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo... Theo kết quả đánh giá ban đầu, các đơn vị này đều đủ tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ công nhận. Năm qua, UBND thành phố còn chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tin học hóa trong quản lý hành chính nhà nước tại cơ quan hành chính các cấp. Đến nay, 100% cơ quan hành chính 3 cấp của thành phố đã được trang bị máy vi tính, cài đặt và đưa vào vận hành các phần mềm chuyên dụng, tạo phương pháp làm việc khoa học, chính xác cho bộ máy hành chính. Trong đổi mới phương thức điều hành hoạt động hành chính, thành phố đã ban hành quy chế phối hợp giữa 21 sở, ngành trong giải quyết 50 loại hồ sơ công việc. Nhờ đó, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian chờ đợi, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp đã giảm đáng kể.

* Những cản ngại

Theo số liệu thống kê của UBND TP Cần Thơ, hiện nay thành phố có khoảng 30% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa đạt yêu cầu, chật hẹp, không đảm bảo điều kiện làm việc và giải quyết công việc của người dân, của chính quyền. Thậm chí, có 11 xã, phường và 1 quận hiện vẫn chưa có trụ sở, phải sử dụng nhờ cơ sở vật chất của những cơ quan khác. Đây là cản ngại lớn nhất của thành phố trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính. Để “dỡ bỏ” cản ngại này, theo đồng chí Phạm Phước Như, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, từ nay đến 2010, thành phố cần tới 574 tỉ đồng để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở cơ quan hành chính các cấp theo đúng quy định. Trước mắt, năm 2008, thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng trụ sở cho các xã, phường mới chia tách. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí Trung ương cấp và cân đối ngân sách địa phương.

Trong phần đánh giá công tác cải cách hành chính năm 2007, mặt yếu kém nhất được UBND thành phố “ghi nhận” là còn nhiều cán bộ, công chức thiếu, yếu chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác hiện đại hóa nền hành chính, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện cải cách hành chính. Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, hiện có khoảng 50% cán bộ xã, phường và 30% cán bộ quận, huyện chưa đủ chuẩn về chuyên môn. Trong số cán bộ đủ chuẩn thì nhiều cán bộ tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, kỹ năng hành chính chưa đáp ứng yêu cầu của nền hành chính hiện đại. Chính vì thiếu kỹ năng, chưa thành thạo về nghiệp vụ nên hướng dẫn người dân lập hồ sơ lòng vòng, gây nhiều phiền toái. Một số lĩnh vực phức tạp, như cải chính hộ tịch, văn bằng chứng chỉ, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... có trường hợp người dân tới lui cả năm trời mà hồ sơ chưa giải quyết xong.

Năm 2007, Thành ủy đã chỉ đạo UBND thành phố tổ chức kiểm tra cải cách hành chính tại một số sở, ngành, địa phương, để phát hiện yếu kém, tìm giải pháp chấn chỉnh, khắc phục. Qua kiểm tra 8 sở, ngành, kết quả làm được và yếu kém trên 6 nội dung cải cách hành chính đã được chỉ ra. Trong đó, nổi lên là công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính còn chậm, do thiếu sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo đơn vị. Một số website của sở, ngành mặc dù được thiết lập nhưng nội dung thông tin không được cập nhật, nên không phát huy tác dụng. Số lượng máy tính tại đơn vị thì nhiều nhưng bộ phận “một cửa” không được trang bị. Do đó, việc theo dõi, lập phiếu hướng dẫn vẫn phải thao tác thủ công, mất nhiều thời gian. Một số bộ phận “một cửa” được trang bị máy nhưng máy rất cũ, cấu hình yếu, không thể nối mạng và kết nối Internet. Trong sử dụng phần mềm chuyên dụng cho công tác quản lý hành chính cũng mới chỉ có 30% cán bộ sử dụng được!

***

Thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính thành phố, phục vụ tốt hơn nhu cầu hồ sơ hành chính của nhân dân, là công việc lâu dài, đòi hỏi thành phố phải có giải pháp đồng bộ, đúng tầm. Ba cản ngại lớn hiện nay về cơ sở vật chất, con người và ứng dụng công nghệ thông tin, nếu không sớm tháo gỡ nhanh thì mục tiêu này khó có thể đạt được theo lộ trình đề ra.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết