21/02/2013 - 20:59

Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

Cần quan tâm đến tiêu chuẩn ASC

Nuôi cá tra xuất khẩu ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Vừa qua, tại TP Cần Thơ đã diễn ra hội thảo kỹ thuật với chủ đề “7 vấn đề chính của tiêu chuẩn ASC/PAD” do Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas Certification Việt Nam chủ trì, với sự tham dự của đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản ở ĐBSCL. Tại hội thảo này, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng tiêu chuẩn ASC trong nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL, nhất là cho con cá tra, đang rất cấp thiết nhằm hướng đến phát triển bền vững và nâng cao vị thế, uy tín hình ảnh con cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế…

* ASC –Khẳng định trách nhiệm với môi trường và xã hội

Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas Certification là đơn vị được công nhận bởi Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản cho việc đánh giá Chứng nhận ASC. Theo Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas Certification Việt Nam, ASC là tiêu chuẩn tự nguyên áp dụng đối với nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản, việc chứng nhận nhà sản xuất đạt theo tiêu chuẩn này có thể đảm bảo với nhà bán lẻ, nhà hàng, công ty dịch vụ thực phẩm, người mua rằng nguồn gốc sản phẩm là từ nhà sản xuất có trách nhiệm.

ASC là viết tắt của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản được thành lập vào năm 2009 bởi Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH) để quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm, được xây dựng qua các Đối thoại nuôi cá tra/ ba sa (PAD) do WWF khởi xướng và điều phối. ASC làm việc với các nhà nuôi trồng thủy sản, nhà chế biến thủy sản, các công ty bán lẻ và dịch vụ thực phẩm, các nhà khoa học, các nhóm bảo tồn và công chúng trên phạm vi toàn thế giới để khuyến khích sự lựa chọn thủy sản tốt nhất về môi trường và xã hội. Tiêu chuẩn ASC/PAD chính là sản phẩm của khoảng 638 người tham dự PAD từ tháng 9-2007 đến tháng 8-2010 gồm nhà sản xuất, tổ chức phi chính phủ về môi trường và xã hội, nhà bán lẻ, hiệp hội nuôi trồng thủy sản, nhà nghiên cứu… Chương trình chứng nhận nuôi trồng thủy sản và dán nhãn thủy sản của ASC sẽ công nhận và tán thưởng việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm.

Tiêu chuẩn ASC/PAD dựa trên 7 yêu cầu chính, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của trại nuôi cá đối với môi trường và xã hội.  Đó là các yêu cầu  về: tuân thủ pháp lý; thiết kế xây dựng, quản lý trang trại tránh tác động tiêu cực đến môi trường và người sử dụng khác; giảm tác động tiêu cực đến đất và nước; giảm thiểu tác động lên tính nguyên vẹn về di truyền của quần thể cá tra nội địa. Đồng thời, ASC cũng đặt ra yêu cầu về  việc sử dụng và quản lý thức ăn cho cá; kiểm soát sức khỏe, thuốc thú y và hóa chất nhằm giảm thiểu tác động lên hệ sinh thái và sức khỏe con người trong khi vẫn tối đa sức khỏe, an sinh cá, an toàn vệ sinh thực phẩm và cuối cùng là  vấn đề giải quyết xung đột giữa những người sử dụng-trách nhiệm xã hội.

Theo ông Nguyễn Huy, Giám đốc sản phẩm ASC, BRC/IFS-Bureau Veritas Certification Việt Nam, ASC đã đặt ra nhiều yêu cầu rất cụ thể liên quan đến trách nhiệm xã hội mà lâu nay nhiều chủ trại nuôi cá tra còn chưa mấy để ý đến hoặc chưa quan tâm thực hiện đầy đủ. Chẳng hạn như, đối với thực hiện các quy định của luật lao động, hiện nhiều trại nuôi cá còn “vướng” khi muốn thực hiện theo tiêu chuẩn ASC do chưa nhận diện và cung cấp đúng đầy đủ các chế độ phúc lợi đối với người lao động. Tình trạng thường gặp phải tại nhiều trại nuôi cá là chủ trại không lưu giữ Chứng minh nhân dân để xác định chính xác tuổi của người lao động; không chứng minh được việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn cho người lao động theo luật; không thanh toán tiền lương theo quy định của luật về làm thêm giờ, trực đêm và làm việc vào ngày lễ; không có chính sách bảo vệ phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ…

* Vì sao phải thực hiện ASC?

Tại hội thảo này, nhiều đại biểu cho rằng, áp dụng tiêu chuẩn ASC không chỉ góp phần quan trọng cho việc phát triển con cá tra một cách bền vững mà còn là vấn đề liên quan đến sự sống còn của các doanh nghiệp và người nuôi cá tra. Thực hiện ASC cũng là việc làm cần thiết nhằm nâng cao vị thế, uy tín hình ảnh con cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong vòng 20 năm qua, sản lượng xuất khẩu cá tra của nước ta đã tăng gấp 50 lần và việc sản xuất cá tra đã phát triển với một tốc độ chưa từng có ở bất kỳ  mùa vụ thực phẩm nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển theo cấp số nhân đã dấy lên vấn đề về trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến môi trường, xã hội và an toàn thực phẩm. Chứng nhận ASC được xem là một trong  những lời giải cho bài toán trên. Theo ông Huỳnh Quốc Tịnh - Điều phối viên Chương trình nuôi trồng thủy sản của WWF-Việt Nam ở TP Cần Thơ, Nhà nước đã có các quy định pháp lý về trách nhiệm của người nuôi cá tra đối với môi trường và xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện và giám sát thực hiện các quy định này trong thực tế còn có những hạn chế. ASC được xem là một công cụ kinh tế hữu hiệu  giúp hỗ trợ việc tăng cường thực thi các quy định của pháp lý, thúc đẩy người ta làm tốt các quy định pháp lý và có trách nhiệm đối với môi trường và xã hội  khi muốn sản phẩm của mình được chứng nhận ASC để có thể tiêu thụ tốt trên thị trường…

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn nhận: “Ngành nuôi trồng và chế biến cá tra Việt Nam đã qua rồi thời kỳ phát triển bùng nổ và đang gặp nhiều khó khăn, để khôi phục phát triển ngành chúng ta phải tìm hướng đi mới, trong đó trước mắt cần chú ý giảm sản lượng nuôi và thực hiện các biện pháp nhằm  tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm”. Theo ông Dũng, sau khi VASEP đề xuất giảm sản lượng cá tra từ mức 1,3 triệu tấn trong năm 2012 xuống còn 800.000 tấn trong năm 2013, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có ý kiến về việc khống chế sản lượng cá tra ở mức tối đa 1 triệu tấn trong năm nay. Hiện VASEP cũng đã đề xuất với các ngành chức năng về việc siết chặt quản lý mặt hàng cá tra phi lê ngậm nước, yêu cầu doanh nghiệp phải kê rõ phần cá và lượng nước trên nhãn mác sản phẩm.

Năm 2010 con cá tra Việt Nam đã bị WWF ở một số nước châu Âu đưa vào danh sách đỏ và khuyến cáo người tiêu dùng chuyển sang sử dụng loại cá khác đã  đe dọa gây ảnh hưởng cho ngành nuôi trồng  chế biến cá tra xuất khẩu ở nước ta. Với sự vào cuộc tích cực của các cơ chức năng trong nước, nhất là Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam,  phía WWF đã phải rút cá tra ra khỏi danh sách đỏ. Tuy nhiên, để hướng đến việc phát triển nuôi cá tra trong nước một cách bền vững, đảm bảo tốt các vấn đề về trách nhiệm với môi trường và xã hội, VASEP đã thỏa thuận với WWF Việt Nam và một số bên có liên quan về một lộ trình thực hiện ASC. Theo đó, nước ta  sẽ có 50% sản lượng cá tra xuất khẩu đạt được chứng nhận ASC vào năm 2015. Chính  vì vậy, dù muốn hay không, nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp và  người nuôi cá tra cần phải quan tâm đến tiêu chuẩn này.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết