14/11/2014 - 09:00

Cần phối hợp nhịp nhàng phòng chống buôn lậu thuốc lá

Thời gian qua các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu diễn biến phức tạp, gây thất thu ngân sách, thiệt hại cho sản xuất thuốc lá trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Để từng bước đẩy lùi tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu… đòi hỏi phải áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ ngăn chặn tình trạng này.

Buôn lậu diễn biến phức tạp

 Các lực lượng chức năng thu gom thuốc lá lậu tịch thu được và vận chuyển về nơi xử lý.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương, các lực lượng chức năng đã tích cực triển khai nhiều đợt ra quân, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nên công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá điếu đã thu được nhiều kết quả, góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy kinh tế nước ta phát triển. Tuy nhiên, nạn buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp trên một số tuyến, địa bàn trọng điểm ven khu vực biên giới. Theo Hiệp Hội Thuốc lá Việt Nam, nếu như trước đây thuốc lá lậu xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh miền Tây thì hiện nay đã xuất hiện thêm và lan tràn ở nhiều tỉnh miền Trung, miền Bắc trên phạm vi toàn quốc và ở đâu cũng có thể mua được thuốc lá lậu. Trước đây thuốc lá lậu chủ yếu là JET và HERO (giá 14.000 đồng/bao) thì mới đây xuất hiện nhiều loại thuốc lá lậu mới với giá rất rẻ như: League, Luxury, Cambo, Ram, Rainson (giá từ 2.700 đồng đến 4.000 đồng/bao), Mine, Gem (4.000 đồng/bao), Golden Deer (9.000 đồng/bao), Pin, Jun, Oris (9.500 đồng/bao)... Hiện thị trường cả nước đã xuất hiện trên 100 loại thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.

Ngày 30-9-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg “Về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá” nhằm từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu. Theo Chỉ thị này, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ buôn bán thuốc lá nhập lậu; địa bàn nào để xảy ra buôn lậu thì chính quyền địa phương nơi đó phải chịu trách nhiệm. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tình trạng buôn lậu thuốc lá tại địa phương. Sau khi Chỉ thị được ban hành các bộ, ngành, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo quyết liệt và vào cuộc đồng bộ trong công tác chống buôn lậu thuốc lá để từng bước ngăn chặn và tiến tới giải quyết có hiệu quả tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu.

Theo Chi cục Quản lý thị trường- Sở Công thương TP Cần Thơ, hiện Chi cục có 9 đội quản lý thị trường với 7 Đội phụ trách địa bàn 9 quận huyện của thành phố cùng Đội cơ động và Đội chống hàng giả. Trong đó, Thốt Nốt được xem là địa bàn phức tạp, đây là đầu mối giao thông giữa An Giang và TP Cần Thơ, còn quận Ninh Kiều chủ yếu là nơi phân phối. Trong 10 tháng đầu năm 2014, các đơn vị trực thuộc Chi cục đã kiểm tra 717 vụ và xử lý 709 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu, phạt hành chính 825,7 triệu đồng, tịch thu 40.324 bao thuốc lá điếu nhập lậu. Trong đó có những vụ kiểm tra và xử lý thuốc lá điếu nhập lậu với số lượng lớn tại Đội Quản lý thị trường số 5 phụ trách địa bàn quận Cái Răng và huyện Phong Điền.

Ông Vũ Văn Khoa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5, cho biết: “Trong 10 tháng đầu năm, đội đã kiểm tra và tịch thu 12.553 gói thuốc lá điếu các loại trong đó 3 vụ với số lượng lớn. Qua công tác nắm địa bàn quản lý, không có đầu nậu lớn, chỉ có các phương tiện buôn lậu vận chuyển qua địa bàn và người đi buôn nhỏ lẻ. Các đối tượng buôn lậu thuốc lá hành vi ngày càng tinh vi, gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng. Vì vậy, ngoài việc nắm chắc địa bàn quản lý, đơn vị còn thường xuyên phối hợp với các đội nghiệp vụ thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang để nắm chắc thông tin, chặn bắt kịp thời các phương tiện và đối tượng buôn lậu thuốc lá. Nhờ nắm chắc thông tin mà đơn vị đã chặn bắt được các vụ vận chuyển qua địa bàn quận Cái Răng để đưa về tiêu thụ ở Cà Mau, Sóc Trăng…”. Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn buôn lậu từ gốc, các ngành chức năng địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời phải có ký kết phối hợp cùng ngành chức năng của các tỉnh lân cận. Có như thế, công tác phòng chống buôn lậu mới đạt hiệu quả thiết thực.

Cần sự phối hợp

Có thể thấy rằng, tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn tồn tại do có nhiều nguyên nhân, như: nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận người dân đối với thuốc lá điếu nhập lậu (chủ yếu thuốc lá Jet, Hero) còn cao, giá thuốc lậu rẻ. Sản xuất thuốc lá trong nước chưa có loại thuốc lá nào thay thế để làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Thêm vào đó, lợi nhuận từ buôn lậu thuốc lá rất lớn. Các đối tượng là đầu nậu, người vận chuyển, người buôn bán được tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn rất tinh vi, hình thành các đường dây từ vận chuyển qua biên giới vào trong nội địa; cất giấu, giao hàng cho người bán trong nội địa được điều hành rất bài bản; dùng lợi ích kinh tế để thu hút và gắn chặt họ vào đường dây buôn bán vận chuyển. Người vận chuyển thuê cũng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, không có thu nhập nên “làm liều” vận chuyển thuê để có thu nhập sinh sống.

Một nguyên nhân chính dẫn đến việc buôn lậu thuốc lá càng chống, càng tăng như hiện nay do chế tài xử lý đối với các đối tượng buôn bán mặt hàng này còn quá nhẹ. Theo ông Nguyễn Văn Sanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, theo Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 7-12-2012 của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu thì hành vi buôn bán, vận chuyển trên 1.500 gói thuốc lá điếu mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, các đối tượng thường “lách” bằng cách chia nhỏ số lượng để vận chuyển, nên không thể truy cứu hình sự khi bắt giữ. Trang bị phương tiện cho các lực lượng chống buôn lậu còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác; biên chế của các lực lượng chức năng mỏng, địa bàn quản lý rộng. Kinh phí chi cho các hoạt động bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá còn thấp. Điều này đã tạo ra nhiều điểm yếu để các đối tượng buôn lậu khai thác.

Do đó, để công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu ngoại nhập lậu đạt kết quả cao hơn các lực lượng chức năng cần đặc biệt nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình thị trường để xây dựng các phương án đấu tranh hiệu quả. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và nâng cao năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ công chức thực thi; xử lý nghiêm cán bộ công chức vi phạm, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại; khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực thi công vụ; chỉ đạo làm tốt công tác thông tin tuyên truyền.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết