01/04/2017 - 16:05

Cần những sáng kiến phát triển đô thị bền vững

UBND TP Cần Thơ vừa phối hợp với Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Trung tâm giáo dục đô thị quốc tế (IUTC) tổ chức hội thảo đào tạo "Sự tham gia, sáng kiến của cộng đồng xanh - sạch - đẹp và du lịch văn hóa - sinh thái gắn với phương pháp tiếp cận về sự thịnh vượng của thành phố nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho TP Cần Thơ". Đây là hoạt động rất quan trọng nhằm thúc đẩy cộng đồng tham gia đóng góp các ý tưởng, sáng kiến phát triển đô thị xanh-sạch-đẹp và bền vững.

Yêu cầu thiết thực

Thời gian qua, tại TP Cần Thơ đã có một số ý tưởng rất hay được triển khai thực hiện. Đáng chú ý công trình Cầu đi bộ Ninh Kiều được xây dựng tại Bến Ninh Kiều. Công trình đã góp phần tôn lên vẻ đẹp sông nước của Cần Thơ, tạo không gian đầy thơ mộng và sáng tạo, hấp dẫn khách du lịch gần xa.

Cầu đi bộ Ninh Kiều đang thu hút du khách đến TP Cần Thơ tham quan, du lịch. Ảnh: ANH KHOA

Theo giáo sư Kim Kwi- Gon, Chủ tịch Trung tâm giáo dục đô thị quốc tế (IUTC), chúng ta đang sống trong thời điểm diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 và các tác động từ biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Bối cảnh này đòi hỏi cần có các giải pháp phát triển đô thị thông minh, an toàn hơn, đáng sống hơn nhằm không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân tại đô thị mà còn tạo điều kiện thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế-xã hội. Để TP Cần Thơ trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch quốc tế, rất cần phải nghiên cứu, phát triển những sáng kiến, ý tưởng khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương theo hướng bền vững. Giáo sư Kim Kwi- Gon chỉ ra: "Cần Thơ là một thành phố của các dòng sông và cần phát triển đô thị theo định hướng sông nước. Sông ngòi và vẻ đẹp của sông ngòi là tài sản rất quan trọng cần được quản lý, bảo vệ tốt và có sự phối hợp nhiều ngành để tận dụng được nguồn tài nguyên này cho phát triển thành phố".

Theo bà Phạm Thị Ngọc Bích, Điều phối viên UN-Habitat tại Việt Nam, sự phát triển và thành bại của một quốc gia sẽ được quyết định ở khu vực đô thị, vì năng suất ở khu vực đô thị rất cao và nơi đây cũng sử dụng nhiều tài nguyên. Trong bối cảnh của quá trình toàn cầu hóa, đối mặt biến đổi khí hậu, chúng ta cần sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên và tăng cường khả năng chống chịu và tính cạnh tranh cho các thành phố. Chúng ta cần thúc đẩy sự sáng tạo, các cách làm mới hiệu quả và cần có quy hoạch chiến lược gắn sự tham gia của các ban ngành, cộng đồng và khu vực tư nhân.

Kỳ vọng sớm có nhiều sáng kiến

Hội thảo đào tạo "Sự tham gia, sáng kiến của cộng đồng xanh - sạch - đẹp và du lịch văn hóa – sinh thái gắn với phương pháp tiếp cận về sự thịnh vượng của thành phố nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho TP Cần Thơ" diễn ra trong 3 ngày tại TP Cần Thơ. Bên cạnh học tập về lý thuyết, các học viên còn tham gia thảo luận và đi khảo sát thực tế.

Gần 60 học viên là cán bộ của các sở ngành, địa phương và đại diện doanh nghiệp đã được các chuyên gia của UN-Habitat, IUTC và các viện, trường hướng dẫn về cách nhận diện, khai thác và phát huy các nguồn tài nguyên về sông nước, công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử trong phát triển du lịch, kinh tế-xã hội và phát triển thành phố nói chung. Cách tạo ra lợi ích kinh tế - xã hội từ các hoạt động cải tạo và nâng cấp đô thị, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng sống. Cách xây dựng cẩm nang du lịch, xây dựng các chương trình, chiến lược phát triển đô thị thịnh vượng gắn với sự tham gia của cộng đồng. Các phương hướng nhằm xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan và tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng trong phát triển đô thị, phát triển du lịch sinh thái miền sông nước…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh, cùng với nhiều công trình, dự án đầu tư xây dựng đã và đang được triển khai tại thành phố, chương trình tập huấn này là rất cần thiết nhằm "ươm mầm" cho các ý tưởng, sáng kiến giúp thúc đẩy phát triển đô thị thịnh vượng và bền vững. Qua hội thảo đào tạo này, thành phố mong các học viên sẽ tiếp thu tốt thông tin, kinh nghiệm và cách tư duy mới được các chuyên gia chia sẻ để có nhiều ý tưởng, sáng kiến được áp dụng triển khai ngay vào thực tế. Hiện nay, thành phố đang triển khai Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL-Tiểu dự án TP Cần Thơ, trong đó có gói kinh phí hỗ trợ thực hiện sáng kiến cộng đồng xanh-sạch-đẹp, với tổng giá trị hơn 10 tỉ đồng. Mọi tổ chức, cá nhân trong cộng đồng đều có thể đề xuất các sáng kiến. Trên cơ sở các đề xuất, thành phố xem xét những sáng kiến nào thực sự hữu ích, mang lại hiệu quả lâu dài gắn sinh hoạt cộng đồng, có hiệu quả xã hội và sự phát triển để đưa vào thực tế.

Với kỳ vọng huy động được các nguồn lực xã hội, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào các chương trình phát triển đô thị để hướng đến phát triển một đô thị bền vững, Hội thảo đào tạo này là hoạt động thiết thực nhằm tìm kiếm những sáng kiến của cộng đồng. Đồng thời, cũng giúp cán bộ tại cơ quan quản lý nhà nước nâng cao kiến thức và năng lực quản lý cũng như nhận diện được những giá trị thực sự và biết xem xét, đề xuất các sáng kiến xanh-sạch-đẹp để lựa chọn, lồng ghép vào quá trình đầu tư các công trình xây dựng. Trên cơ sở đó, sẽ mang lại giá trị văn hóa, nguồn tài nguyên mới.

Khánh Trung

Chia sẻ bài viết