17/03/2010 - 21:08

XÂY DỰNG CƠ QUAN ĐIỆN TỬ

Cần nhiều nỗ lực

Cán bộ, công chức Phòng Tài nguyên Môi trường quận Ninh Kiều ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc hành chính tại cơ quan. Ảnh: ANH DŨNG

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để chuyển dần thói quen làm việc trên công văn, tài liệu giấy sang cách làm việc dựa trên công văn, tài liệu điện tử trong môi trường mạng nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng các cơ quan điện tử - nền tảng cho việc xây dựng chính phủ điện tử - phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, là một trong những mục tiêu quan trọng của công cuộc cải cách hành chính của Chính phủ. Mục tiêu này cũng đã và đang được lãnh đạo TP Cần Thơ khẩn trương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực sử dụng... còn hạn chế, nên trong quá trình thực hiện, đòi hỏi các địa phương, đơn vị cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa và phải có những bước đi đồng bộ.

NỀN TẢNG THẤP

Trong quá trình triển khai, ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tiến tới xây dựng chính phủ điện tử, trang thông tin điện tử hay cổng thông tin điện tử (CTTĐT) của các cơ quan nhà nước là một yếu tố quan trọng xác định mức độ sẵn sàng và mức độ xây dựng chính phủ điện tử. Đây là một công cụ hữu hiệu để các tổ chức, cá nhân giao tiếp với các cơ quan nhà nước thông qua môi trường điện tử một cách thuận lợi và minh bạch.

CTTĐT của TP Cần Thơ với địa chỉ www.cantho.gov.vn được xây dựng không lâu sau ngày Cần Thơ được công nhận là thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài các chức năng cơ bản, như: thông tin giới thiệu chung về thành phố, các quận huyện, sở, ban, ngành; về tiềm năng phát triển kinh tế- xã hội... CTTĐT còn cung cấp thông tin về thủ tục hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp; trong đó chủ yếu là hướng dẫn các thủ tục và cấp các mẫu đơn trực tuyến (với 1.665 dịch vụ công), cho phép người truy cập có thể tải về và in ra. Trên cơ sở CTTĐT của thành phố, đến nay có 14/31 sở, ngành, quận huyện cũng đã xây dựng các CTTĐT của đơn vị mình. Tuy nhiên, truy cập vào nhiều chuyên mục trong CTTĐT của các sở, ban. Ngành, UBND các quận, huyện người xem sẽ dễ dàng nhận ra dòng thông tin “ thông tin đang cập nhật” hoặc nhiều thông tin cũ từ 2-3 năm trước... Tất nhiên, các CTTĐT này chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và chưa đáp ứng được các quy định của pháp luật (cụ thể là tại điều 28 của Luật Công nghệ thông tin). Anh La Thành Phước, ngụ ở khu vực 2, phường An Phú, quận Ninh Kiều, cho biết: “ Tôi được biết UBND thành phố và UBND quận Ninh Kiều có CTTĐT nên muốn tìm hiểu để cập nhật thông tin, nhưng thật thất vọng khi có quá ít thông tin mới về thành phố và quận”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Xuân, ở khu vực 1, phường An Hòa, kể: “ Trước khi tiến hành thủ tục về đất đai, tôi có truy cập vào CTTĐT của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ nhưng không tìm thấy văn bản pháp quy nào mới, trong khi thực tế có nhiều văn bản người dân có nhu cầu tìm hiểu để thực hiện cho đúng”.

Kết quả khảo sát, đánh giá các trang thông tin điện tử và CTTĐT cấp tỉnh của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2009, Cần Thơ xếp hạng thứ 19 trên tổng số 60 CTTĐT cấp tỉnh về tổng thể trang tin điện tử và cung cấp dịch vụ trực tuyến; hạng 27 về mức độ cung cấp thông tin trên CTTĐT. Trong khi đó, xét về tiêu chí xếp hạng dựa theo mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, website Cần Thơ xếp hạng 19. Xét về theo tiêu chí số lượng dịch vụ công trực tuyến các mức độ được cung cấp, Cần Thơ đứng thứ 8 toàn quốc. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, xét về số lần truy cập chia cho số dân, Cần Thơ xếp hạng 19, giảm 11 bậc so với năm 2008... Về vấn đề này, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cũng thừa nhận: “Mặc dù thành phố quyết tâm chỉ đạo, nhưng kết quả triển khai, ứng dụng CNTT của thành phố nói chung, và trong các cơ quan nhà nước thuộc UBND thành phố nói riêng còn hạn chế, đang tụt hậu so với mặt bằng chung của cả nước”.

Trong khi các CTTĐT hoạt động cầm chừng, theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, việc ứng dụng CNTT nói chung trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn cũng còn những hạn chế nhất định. Tỷ lệ cán bộ công chức hành chính ứng dụng CNTT vào hoạt động chưa nhiều. Việc ứng dụng hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành gặp khó khăn, do phần mềm của Đề án 112 trước đây thường xuyên gặp sự cố. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ việc ứng dụng CNTT của thành phố hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, do hệ thống máy móc, thiết bị trang bị nhiều năm trước đã xuống cấp, cấu hình yếu, phần lớn sử dụng các hệ điều hành không có bản quyền, phần mềm diệt vi rút miễn phí... nên tính ổn định và độ an toàn thông tin còn nhiều hạn chế.

CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM

Nâng cấp CTTĐT thành phố và các CTTĐT của các sở, ban, ngành, quận, huyện cũng như hoàn thiện các cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách có liên quan là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, tiến tới xây dựng các cơ quan điện tử. Nhiệm vụ này đã được UBND thành phố giao cho các sở, ngành có liên quan khẩn trương thực hiện. Theo chỉ đạo của UBND thành phố (tại Công văn số 4842 /UBND-TTTH về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước), CTTĐT thành phố sẽ được nâng cấp theo hướng cung cấp các biểu mẫu điện tử thay thế các biểu mẫu giấy; tích hợp các thông tin từ đề án 30 để đơn giản thủ tục hành chính; thiết lập cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để công bố trên CTTĐT. Đồng thời, trên CTTĐT sẽ hình thành kênh tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp; cung cấp các dịch vụ hành chính mức độ 2 và ít nhất 7 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, bao gồm: giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy phép xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở; giấy phép thành lập cơ quan đại diện báo chí và giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh. UBND thành phố cũng giao các sở, ngành có liên quan phối hợp với các cơ quan trung ương hoàn tất mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, nhà nước trên địa bàn thành phố, cũng như việc xây dựng, nâng cấp các mạng nội bộ của các cơ quan nhà nước và xây dựng đề án cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Bên cạnh đó, UBND Thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực quản lý, điều hành... tiến tới hoàn thiện nền tảng phục vụ chính phủ điện tử. Đối với việc nâng cấp CTTĐT, triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến, ông Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Sở thông tin và Truyền thông khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn, các sở, ngành có liên quan hoàn chỉnh dự án trình UBND thành phố xem xét phê duyệt trong quý 2-2010. Lãnh đạo UBND thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn xây dựng khung pháp lý, đầu tư, nâng cấp hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố...

Thực hiện kế hoạch này, hiện nay, nhiều sở, ngành đã có bước chuẩn bị tích cực. Ông Phạm Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Nguồn nhân lực về CNTT của Sở hiện đã đáp ứng nhu cầu phát triển của đơn vị, Ban Giám đốc Sở cũng đã phân công một Phó Giám đốc phụ trách phát triển CNTT của Sở, đồng thời, sắp xếp lại nguồn nhân lực cho hợp lý nhằm phát huy khả năng của từng người. Chúng tôi tin rằng, thời gian tới việc ứng dụng CNTT nói chung, nội dung của CTTĐT của ngành nói riêng, sẽ có chuyển biến tích cực hơn”.

Vai trò của CNTT ngày càng được khẳng định trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Vì thế, quyết tâm và nỗ lực đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT sẽ tạo thêm tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết