11/12/2008 - 20:28

Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

Cần năng động để vuợt qua khó khăn

Tại Hội thảo “Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2008 và dự báo 2009, những trao đổi với doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức vào ngày 10-12-2008, các chuyên gia kinh tế nhận định: Những biến động của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2008 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Các doanh nghiệp (DN) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần phải năng động, sáng tạo, tận dụng tốt thời cơ để vượt qua khó khăn và thách thức…

* THÁCH THỨC TỪ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH KHÔNG THUẬN LỢI

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) – nguyên chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuộc khủng hoảng tài chính đã tác động đến kinh tế toàn cầu. Đối với từng quốc gia, mức tác động có thể nhiều hoặc ít, sớm hay muộn, nhưng các nền kinh tế mới nổi là dễ bị tổn thương nhất. Những khó khăn này sẽ còn kéo dài sang năm 2009. Đối với Việt Nam, hệ thống tài chính không bị thiệt hại trực tiếp từ các vụ đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới, song, lại chịu tác động qua tỷ giá, giá cả hàng hóa, xuất khẩu, giải ngân vốn FDI và ODA, kiều hối, du lịch... Năm 2008, môi trường kinh doanh của DN cũng không thuận lợi, nhất là DN nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do các DN không xoay xở kịp trước các biện pháp thắt chặt thị trường tiền tệ để kiềm chế lạm phát, dẫn đến hoạt động bị hạn chế đột ngột cộng với thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng...

Theo kết quả khảo sát sơ bộ về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ĐBSCL năm 2008 của VCCI Cần Thơ, doanh thu của DN trong vùng có sự chênh lệch không nhiều so với năm 2007. Trong đó, số DN đạt doanh thu từ 5-50 tỉ đồng chiếm 42,22% trên tổng số DN toàn vùng, doanh thu trên 100 tỉ đồng chiếm 20%, trên 500 tỉ đồng chiếm 13,33%. Tuy nhiên, mức độ lợi nhuận và tăng trưởng lợi nhuận của DN ĐBSCL trong năm 2008 ở mức trung bình thấp. Trong đó, DN có mức tăng trưởng doanh thu âm chiếm đến 15,6% số DN toàn vùng; DN có mức tăng trưởng doanh thu từ 10-25% chiếm 29%, DN có mức tăng trưởng doanh thu từ 25-50% chiếm 17,8%; DN có mức tăng trưởng doanh thu trên 75% chiếm 11,1%. Còn theo một kết quả điều tra vào thời điểm giữa năm 2008, số DN có mức tăng trưởng doanh thu trên 50% chiếm đến 72,4% số DN toàn vùng.

 Lô sản phẩm nước mắm bổ sung chất sắt đầu tiên của DNTN Hải Hương (Kiên Giang) đã ra mắt khách hàng vào ngày 4-12-2008. Ảnh: THÀNH NHÂN

Theo VCCI Cần Thơ, việc mất giá của đồng USD, thị trường chứng khoán suy giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, lãi suất ngân hàng biến động liên tục, hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu... đã ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN ĐBSCL. Về môi trường kinh doanh, ngoài các khó khăn chung của nền kinh tế năm 2008, DN cho rằng cơ sở hạ tầng kém đã ảnh hưởng đáng kể đến năng lực cạnh tranh của DN, gia tăng chi phí sản xuất, chậm trễ tiến độ giao hàng... DN ĐBSCL đã áp dụng nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn trong 2008 như: cắt giảm tối đa các chi phí, giảm lao động theo hướng tăng hiệu suất lao động, cắt giảm các dự án đầu tư không hiệu quả, điều chỉnh phương án kinh doanh phù hợp, tái cấu trúc DN...

* PHÁT HUY NỘI LỰC, VƯỢT QUA KHÓ KHĂN

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng: “Ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế thế giới đối với mỗi nước có mức độ khác nhau, có thể gây ra khó khăn cho nước này lớn nhưng cũng là cơ hội cho nước khác, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, các DN Việt Nam phải năng động, sáng tạo, tận dụng tốt thời cơ như: giá cả nguyên vật liệu giảm, thu hút nhân tài...) để vượt qua khó khăn và thách thức. Quan trọng là DN phải nhận thức rõ khó khăn, đánh giá đúng những mặt mạnh và yếu của mình để tìm ra hướng phát triển kinh doanh thích hợp; xem khó khăn là cơ hội để cải cách và đổi mới DN. Nếu thị trường không cho phép, nên thu hẹp sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; tìm kiếm thị trường mới, cách kinh doanh mới, bạn hàng mới...”.

Ông Trần Thanh Hoài, Giám đốc một doanh nghiệp thực phẩm xuất khẩu ở Cà Mau, cho biết: “Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa. Gần đây, lãi suất cơ bản liên tục được cắt giảm dẫn đến lãi suất ngân hàng giảm sâu, giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay. Nhưng nhìn chung, DN nhỏ và vừa chưa được hỗ trợ nhiều và thiết thực. Hiện nay, các DN đang xuất khẩu gặp khó khăn một phần cũng do đồng Việt Nam tăng giá so với USD. Do đó, Nhà nước nên có chính sách giảm và ổn định tỷ giá đồng Việt Nam so với USD để khuyến khích xuất khẩu...”.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: “VCCI Cần Thơ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế để giúp các DN ĐBSCL tiếp cận các nguồn thông tin quý giá. Các DN đã gia nhập sân chơi toàn cầu, thách thức ngày càng rõ nét nên mức độ quan tâm của DN đối với thông tin bên ngoài ngày càng tăng so với trước đây. Ngoài ra, ngày càng xuất hiện thêm nhiều nhà lãnh đạo DN có tuổi đời trẻ, họ không những có những kiến thức căn bản mà còn có những chiến lược hoạch định kinh doanh bài bản nên rất cần những thông tin từ xa. Trước đây, các lớp doanh nhân cũ chỉ quan tâm nhiều đến thông tin nội vùng, ít quan tâm đến thông tin bên ngoài nhưng họ vẫn làm ăn được. Ngày nay thì khác, không có những thông tin bên ngoài là không được. Kinh doanh cần phải biết bối cảnh vĩ mô của nền kinh tế quốc gia, xu thế phát triển của quốc tế, đặc biệt là trong tình hình kinh tế thế giới cực kỳ khó khăn như hiện nay”.

Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, VCCI Cần Thơ thường xuyên làm việc với các DN để nắm bắt những khó khăn nội tại của DN. Với những khó khăn nội tại do thể chế, cách thức điều hành của chính quyền địa phương, VCCI Cần Thơ sẽ phản ánh với chính quyền địa phương. Nhưng DN cũng cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn, cần tập hợp ý kiến trong từng vấn đề phát sinh cụ thể để có ý kiến với chính quyền địa phương, thậm chí kiến nghị Chính phủ, nếu cần. Có như vậy, mới góp phần cải thiện được môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chỉ có bằng chính sách và cải thiện môi trường kinh doanh mới tháo gỡ được khó khăn cho nhiều DN, chứ không chỉ là vấn đề vốn đầu tư...

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết