21/10/2009 - 06:26

Đồng bằng sông Cửu Long

Cần hợp lực giải quyết nạn ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp

Nạn ô nhiễm môi trường từ các KCN ở ĐBSCL đang trở thành lực cản cho sự phát triển của vùng. (Trong ảnh: Một góc KCN Mỹ Tho, Tiền Giang). Ảnh: THU HÀ

Hiện nay, tại các khu- cụm công nghiệp (K-CCN) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ngày càng nhanh và nguy cơ vượt quá tầm kiểm soát. Theo thống kê của ngành môi trường, ở ĐBSCL có tổng lượng chất thải rắn công nghiệp 222.032 tấn/năm (riêng chất thải rắn công nghiệp nguy hại 2.000 tấn/năm), nước thải công nghiệp 47,2 triệu m3/năm... mà hầu hết chưa được xử lý triệt để khiến ÔNMT trong sản xuất công nghiệp ở các K-CCN đang trở thành áp lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trong khu vực.

Phát triển ồ ạt... khó kiểm soát môi trường

Cuối năm 2008, ĐBSCL có 151 K-CCN sản xuất tập trung; trong đó, 26 KCN được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập. Đầu năm 2009, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực trên 1,02 tỉ USD, vốn đầu tư trong nước khoảng 15.820 tỉ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 60.000 lao động. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm 2009, ĐBSCL thu hút được 22 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với vốn đầu tư 40,48 triệu USD; bình quân 1 dự án FDI vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,84 triệu USD và 8 dự án FDI đăng ký tăng vốn 23,3 triệu USD. Trong đó, Long An là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI với 12 dự án FDI mới (vốn hơn 12 triệu USD) và 6 dự án FDI tăng vốn (19,3 triệu USD); kế đến là TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh....

Định hướng đến năm 2010, toàn vùng sẽ có 31.500 ha và năm 2020 là 50.000 ha diện tích đất dành cho phát triển K-CCN. Tuy nhiên, đánh giá của các ngành chức năng cùng chuyên gia, việc qui hoạch, phát triển K-CCN của khu vực chưa gắn qui hoạch với sự phát triển kinh tế- xã hội từng địa phương và kết nối toàn vùng, nên hiệu quả đầu tư vào các K-CCN không cao. Hiện một số K-CCN hoạt động tương đối tốt trong thu hút đầu tư như: Trà Nóc (TP Cần Thơ), Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Thuận Đạo (tỉnh Long An), Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp)... Còn lại các K-CCN khác sức thu hút đầu tư chậm, nên tỷ lệ đất công nghiệp cho thuê lại mới đạt khoảng 36-40% diện tích đất, thậm chí có nơi chỉ 5% diện tích. Trong khi đó, đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho phát triển K-CCN đa phần là đất nông nghiệp trồng lúa và cây ăn trái...

Trong khu vực ĐBSCL, Long An là địa phương có nhiều K-CCN nhất và kết quả thu hút đầu tư cũng cao nhất. Tổng diện tích đất phát triển công nghiệp theo qui hoạch được duyệt của tỉnh Long An khoảng 14.333 ha. Hiện Long An có 20 KCN (diện tích 7.643 ha), trong đó, 12 KCN (4.544 ha) được Thủ tướng chính phủ ra Quyết định thành lập (11 khu đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp với diện tích 3.083 ha; 2 KCN đã lấp đầy diện tích giai đoạn I (KCN Thuận Đạo và KCN Đức Hòa 1). Bên cạnh đó, tỉnh có 44 CCN, diện tích hơn 5.701 ha. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 388 dự án được cấp quyết định phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường và phiếu xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Trong đó, 13 dự án do Bộ cấp quyết định phê chuẩn, 165 dự án do UBND tỉnh Long An phê duyệt và 210 dự án do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phiếu xác nhận.

Bà Huỳnh Thị Phép, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, cho biết: “20 KCN và 44 CCN của tỉnh có tổng diện tích 13.344 ha; trong đó 12.802 ha đang triển khai xây dựng. Song mới 11 KCN và 18 CCN thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường cho toàn khu, cụm và chỉ 14 K-CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, 1 CCN đang hoạt động nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung”. Theo bà Phép, đa số K-CCN thực hiện tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp song song với giai đoạn xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong khi tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung triển khai chậm so với thời gian đi vào hoạt động của nhà đầu tư thứ cấp. Như KCN Đức Hòa 1, hệ thống xử lý nước thải hoạt động với công suất 2.000 m3/ngày đêm, nhưng hiện chỉ tiếp nhận lượng nước thải trung bình khoảng 600 m3/ngày đêm; KCN Xuyên Á hệ thống xử lý nước thải giai đoạn 1 với công suất 3.000 m3/ngày đêm và Cục Thẩm định- đánh giá tác động môi trường đang kiểm tra, xác nhận để KCN đi vào hoạt động chính thức, riêng hệ thống xử lý nước thải cho giai đoạn 2 (công suất 10.000 m3/ngày đêm) đã đầu tư hoàn tất các bể công trình, đang lắp đặt thiết bị vận hành... Một số CCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải và đang vận hành như: CCN Hải Sơn, Thịnh Phát, Vĩnh Phong. Còn lại K-CCN như: Thái Hòa, Cầu Tràm, Tân Đức, Nhựt Chánh, Tân Kim, Minh Ngân, Hoàng Long,... đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung song song với việc đầu tư hạ tầng.

Ông Phạm Đình Đôn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ, cho biết: “Bên cạnh sự phát triển của K-CCN, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở ĐBSCL cũng có bước phát triển rất nhanh. Các nguồn chất thải công nghiệp thải ra môi trường ngày càng nhiều hơn. Riêng chất thải rắn công nghiệp nguy hại ra môi trường đã 2.000 tấn/năm, nước thải công nghiệp 47,2 triệu m3/năm... Tình trạng suy thoái môi trường đang diễn ra do hầu hết các chất thải ra môi trường chưa được xử lý triệt để”. Theo ông Đôn, việc bảo vệ môi trường (BVMT) trong sản xuất công nghiệp khu vực ĐBSCL đã ở mức độ cấp bách. Tình trạng ÔNMT trong sản xuất công nghiệp ở các K-CCN đang trở thành áp lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội và môi trường của ĐBSCL.

Cần sự hợp sức của cộng đồng

Theo qui hoạch phát triển K-CCN, các nhà đầu tư hạ tầng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, khi được cơ quan thẩm quyền thông qua mới tiến hành xây dựng và kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, rất nhiều chủ đầu tư còn xem nhẹ công tác BVMT, nên khi cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra phát hiện ÔNMT thì chuyện đã rồi! Mặt khác, công tác qui hoạch về môi trường trên các lĩnh vực chưa được thực hiện đồng bộ. Do chưa có qui chế BVMT đối với các CCN, nên công tác quản lý nhà nước về vấn đề này còn nhiều bất cập. Phó Ban quản lý các KCN Long An Đặng Văn Tuyển cho biết: “Hiện chưa có biện pháp chế tài nghiêm đủ sức răn đe các vi phạm trong BVMT. Ban quản lý KCN chưa có thẩm quyền xử phạt các vi phạm về BVMT đối với nhà đầu tư thứ cấp trong KCN, mà chỉ có nhiệm vụ phát hiện và kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý, trong khi lực lượng này rất thiếu”. Ông Tuyển cho rằng, cần qui định chặt chẽ trong công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận để thực thi việc BVMT có hiệu quả.

Ông Bùi Cách Tuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhận xét: “Tại hầu hết các KCN, tình trạng khói, bụi và nước thải chưa qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường ngày càng trầm trọng. Đặc biệt, theo thông tin từ Thanh tra Tổng cục Môi trường, khoảng 60% DN được kiểm tra lén xả chất thải lỏng chưa qua xử lý vào hệ thống thoát nước mưa. Công tác BVMT chưa thực hiện đồng bộ tại các K-CCN”. Theo ông Tuyến, sự mâu thuẫn lợi ích- chi phí xây dựng hệ thống xử lý chất thải cùng với việc chưa có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng từ phía Nhà nước đã khiến cho nhà đầu tư chậm triển khai việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải tập trung tại KCN.

Giữa tháng 10-2009, tại Long An, Tổng cục Môi trường, Trung tâm Giáo dục và Truyền thông môi trường phối hợp cùng các ngành chức năng, Ban quản lý KCN, DN trong KCN... tổ chức hội thảo “Cộng đồng tham gia vào quyết định BVMT ở KCN”, các đại biểu tham dự đều cùng quan điểm: BVMT cần sự hợp sức của cộng đồng. Do vậy, việc kiểm soát môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế, môi trường sống trong khu vực đang đặt ra rất cấp thiết cho cả cộng đồng. Tại TP Cần Thơ, việc triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở KCN rất chậm. Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp (KCX-CN) Cần Thơ, hiện Ban quản lý đã có văn bản chỉ đạo 4 DN kinh doanh hạ tầng KCN lập thủ tục xây dựng cơ bản và đầu năm 2010 phải thi công 4 nhà máy xử lý nước thải ở KCN Thốt Nốt, Hưng Phú I và Hưng Phú 2a, 2b... Ngoài ra, một số địa phương có KCN đang khẩn trương mời gọi đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung trong KCN, đồng thời “lựa chọn” nhà đầu tư thứ cấp.

Theo bà Huỳnh Thị Phép, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, cần kiểm soát chặt chẽ ngành, nghề đầu tư vào K-CCN, không tiếp nhận các dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ cao đối với môi trường, ngành nghề ô nhiễm nặng, dự án công nghệ lạc hậu... Kiên quyết không cho đi vào hoạt động đối với những K-CCN và DN thứ cấp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc chưa đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung. Còn ông Phạm Đình Đôn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ cho rằng, việc qui hoạch K-CCN toàn vùng ĐBSCL cần nâng cao chất lượng qui hoạch vừa gắn phát triển kinh tế- xã hội địa phương vừa gắn các khu chức năng xử lý môi trường. Mặt khác, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và nhận thức, trách nhiệm BVMT cho các địa phương, chủ đầu tư dự án. Phối hợp chặt chẽ các nguồn lực để tập trung ngăn ngừa, xử lý ÔNMT đối với các K-CCN đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế và BVMT trong khu vực.

GIA BẢO

Nạn ô nhiễm môi trường từ các KCN ở ĐBSCL đang trở thành lực cản cho sự phát triển của vùng. (Trong ảnh: Mộ

Chia sẻ bài viết