02/01/2021 - 08:11

Cần hiểu rõ về loại pháo hoa được phép sử dụng 

Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (Nghị định 137) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11-1-2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15-4-2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Người dân cần hiểu đúng về quy định được nêu trong Nghị định 137 để tránh vi phạm pháp luật.

Người đủ năng lực hành vi dân sự thì mới được sử dụng pháo hoa (không gây ra tiếng nổ). Trong ảnh người dân đi xem bắn pháo hoa trong đêm giao thừa năm 2020. Ảnh: S.H

Người đủ năng lực hành vi dân sự thì mới được sử dụng pháo hoa (không gây ra tiếng nổ). Trong ảnh người dân đi xem bắn pháo hoa trong đêm giao thừa năm 2020. Ảnh: S.H

Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới, hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Người dân rất hoan hỉ trước những thông tin này vì cho rằng đây là nhu cầu thiết thực, cũng như gìn giữ truyền thống văn hóa... Bên cạnh đó, cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất an toàn phòng, chống cháy nổ; gây ô nhiễm môi trường; gây mất an ninh, trật tự… Đáng lo ngại là một bộ phận người dân hiểu nhầm, xem khái niệm “được phép đốt pháo” đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa. Sự nhầm lẫn này có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề, nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao.

Cần phân biệt được khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ. Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị định 137 thì pháo hoa “không gây ra tiếng nổ”. Đây là loại pháo hoa an toàn cho người sử dụng và thực tế đã được dùng trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị… Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có “năng lực hành vi dân sự đầy đủ” - tức là người từ đủ 18 tuổi trở lên và đủ năng lực hành vi dân sự - thì mới được sử dụng pháo hoa. Còn loại pháo nổ thì “gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian”. Pháo nổ này gồm 2 loại: pháo nổ và pháo hoa nổ. Đây là loại nghiêm cấm người dân sử dụng. Khi người dân sử dụng các loại pháo trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính (Quy định tại Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP; Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015). Bên cạnh đó, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

Trên thực tế, so với quy định trước đây tại Nghị định 36/2009/NĐ-CP thì Nghị định 137 vẫn giữ nguyên quy định và không cho phép cá nhân sử dụng pháo hoa nổ vào các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi… Nghị định 137 quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trình tự thủ tục của việc sử dụng pháo hoa nổ vào các ngày lễ, Tết, các sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao của dân tộc. Đối với loại pháo hoa thông thường vẫn được người dân sử dụng vào các dịp đám cưới, sinh nhật… chính thức được định nghĩa cụ thể và đưa vào Nghị định để Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn. Đối với pháo hoa nổ, Nghị định 137 cũng quy định rõ ràng đối với cá nhân, tổ chức được sử dụng và thời gian sử dụng cụ thể (Điều 11).

Nghị định số 137 có hiệu lực vào thời điểm gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép. Công an TP Cần Thơ đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định 137 để người dân hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề về quản lý, sử dụng pháo. Đồng thời, có giải pháp siết chặt thị trường, kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức không được cấp phép kinh doanh nhưng cố tình vi phạm, lợi dụng việc cho phép sử dụng pháo hoa để buôn bán các loại pháo nổ khác; kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm pháo hoa bán ra thị trường, bảo đảm đến tay người tiêu dùng là pháo hoa rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn khi sử dụng. Tổ chức, cá nhân cũng cần chủ động tìm hiểu, nhận thức rõ thế nào là pháo hoa có tiếng nổ và không có tiếng nổ, loại pháo hoa được sử dụng và loại pháo hoa bị cấm; bảo đảm an toàn khi sử dụng loại pháo hoa được cho phép...

THANH TÂM

Chia sẻ bài viết