28/02/2013 - 14:18

Cần giao lại chức năng Kiểm sát chung cho ngành Kiểm sát

Nguyễn Thống Nhất
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ

Ông Nguyễn Thống Nhất, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân nhân TP Cần Thơ phát biểu ý kiến tại Hội nghị đóng góp DTSĐHP do Viện Kiểm sát nhân dân thành phố tổ chức. Ảnh: L.P 

Hiến pháp là đạo luật gốc, quy định về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quyền con người, quốc phòng, an ninh, chức năng nhiệm vụ của Chủ tịch nước, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp... Việc xây dựng pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật đều phải tuân theo các quy định của Hiến pháp. Qua 21 năm trải nghiệm thực tiễn Hiến pháp năm 1992, đã thấy được những vấn đề bất cập, cần sửa đổi bổ sung. Vì thế, Đảng, Quốc hội đã quyết định đưa ra lấy ý kiến đóng góp rộng rãi đối với mọi tầng lớp trong xã hội và kiều bào. Điều đó cho thấy thể hiện tính dân chủ rất cao. Với tinh thần trách nhiệm của người làm công tác thực thi pháp luật, tôi xin có một vài ý kiến đóng góp cho một số điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (DTSĐHP).

Khoản 2, Điều 17 DTSĐHP quy định: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Việc quy định “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị” thì các ngành quan trọng như Công an... sẽ được xem xét lý lịch thế nào nếu như cha ông của họ có nợ máu với cách mạng mà bản thân họ xin vào làm việc ngành Công an? Do đó tôi đề nghị bỏ hai từ “chính trị”. Đối với khoản 2, Điều 18 DTSĐHP “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho Nhà nước khác”, quy định như vậy theo tôi là chưa đủ. Giả sử người Việt Nam ra nước ngoài phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, sau đó trở về Việt Nam, cơ quan điều tra nước ngoài chứng minh được hành vi phạm tội của người đó thì chắc chắn họ sẽ yêu cầu Việt Nam giao nộp người phạm tội để họ xử lý nếu như nước đó có ký kết điều ước tương trợ về hợp tác quốc tế. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “trừ pháp luật có quy định khác” ở cuối khoản 2. DTSĐHP quy định “Mọi người có quyền sống” tại Điều 21 là điều mới, nhưng theo tôi nếu bỏ  án tử hình thì mới phù hợp, còn không thì đề nghị bổ sung thêm cụm từ “trừ pháp luật có quy định khác”.

Tại khoản 2, Điều 32 DTSĐHP quy định “Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm”. Cụm từ “một tội phạm” là chỉ một con người, chứ không phải một hành vi. Nếu một người phạm nhiều tội thì cũng phải xử lý nhiều lần. Do đó, đề nghị sửa lại “không ai bị kết án hai lần về một hành vi phạm tội”. Đối với Điều 50 “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế”, vậy người có thu nhập thấp chưa đến mức phải nộp thuế, có người còn phải được trợ cấp thì làm sao có nghĩa vụ nộp thuế. DTSĐHP quy định như vậy là chưa phù hợp. Đề nghị bổ sung “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Ngoài ra, Điều 71 và 72 DTSĐHP sử dụng cụm từ “Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng” và “Công an nhân dân Việt Nam cách mạng”, theo tôi cách mạng có nghĩa là cuộc biến đổi lớn trong xã hội, lật đổ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới tiến bộ hơn. Quân đội và Công an luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc, đã làm xong cuộc cách mạng, chiến thắng quân xâm lược và chế độ tay sai. Mấy chục năm qua vẫn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, giữ vững quốc phòng, an ninh thì không nên dùng cụm từ “cách mạng” nữa. Đề nghị bỏ hai từ “cách mạng” sau Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam.

Đối với khoản 1, Điều 112 quy định “Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Trong khi đó, các cơ quan khác đều có định nghĩa, như: “Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất...”; “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử....”. Thế nhưng Viện Kiểm sát nhân dân  không ghi cụm từ “là cơ quan” mà ghi “VKSND thực hành… .”. Đề nghị bổ sung từ “là cơ quan”.    Thời gian qua, sau khi giao chức năng kiểm sát lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (gọi tắt là kiểm sát chung) cho Thanh tra thì hiệu quả thấp. Nhiều vụ tham nhũng, thất thoát hàng ngàn tỉ đồng nhưng không phát hiện, nhiều văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp còn diễn ra. Trong khi đó, ngành Kiểm sát trước đây làm rất tốt việc này. Thời gian qua nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt vấn đề giao lại chức năng kiểm sát chung cho ngành Kiểm sát. Tôi thấy việc đề nghị giao lại chức năng Kiểm sát chung cho ngành Kiểm sát là phù hợp.

Hy vọng rằng, với những ý kiến đóng góp nêu trên sẽ được Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đọc, thực sự ghi nhận và báo cáo Quốc hội xem xét.

Chia sẻ bài viết