16/07/2021 - 15:47

Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản 

Nuôi trồng, khai thác thủy sản là một trong những thế mạnh của TP Cần Thơ, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu thập, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là mặt hàng chế biến cá tra xuất khẩu. Gần đây, giá cá tra nguyên liệu ở TP Cần Thơ cũng như khu vực ÐBSCL có dấu hiệu tăng so với năm 2020, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nuôi, cơ sở chế biến xuất khẩu. Ðể ngành hàng này phát triển ổn định thời gian tới rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng trong tìm kiếm, khai thác thị trường xuất khẩu…

Thu hoạch cá tra tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Phục hồi nhưng thiếu ổn định

Tại TP Cần Thơ, vùng nuôi cá tra ven sông Hậu hồi phục khi xuất khẩu thủy sản đang tăng trở lại. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại TP Cần Thơ, cho biết: Tình hình xuất khẩu cá tra từ đầu năm đến nay tăng đều ở các thị trường xuất khẩu chính, như: Mỹ, Trung Quốc và EU. Các hoạt động thả nuôi, thu mua chế biến và xuất khẩu cá tra đang phục hồi. Hiện tại vùng nuôi giá bán cá tra nguyên liệu dao động mức 22.000-22.500 đồng/kg (cỡ 700-800 gram/con), tăng 4.500-5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020. So với giá thành nuôi cá tra bình quân ở mức 22.000-23.000 đồng/kg thì mức giá cá tra nguyên liệu này tính ra người nuôi cá không lời, chỉ hạn chế tình trạng thua lỗ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, đến ngày 22-6-2021, diện tích thả nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố là 3.276ha, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 40% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó, diện tích thu hoạch là 1.338ha với sản lượng đạt 85.141 tấn, vượt 12% so với cùng kỳ 2020 và đạt 43% so với kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng cá tra thu hoạch chiếm đa số, với 72.252 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thủy sản xuất khẩu trong quý II-2021 đạt 61.000 tấn (chủ yếu là cá tra), bằng 91% so với cùng kỳ và đạt 42% so kế hoạch năm (760.000 tấn), với kim ngạch xuất khẩu đạt 198 triệu USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 41% so với kế hoạch năm 2021. Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhận định: “Xuất khẩu cá tra từ đầu năm đến nay tăng đều ở thị trường Mỹ, Trung quốc và EU. Tình hình tiêu thụ cá tra thương phẩm hiện nay đa số các hộ nuôi đều có liên kết tiêu thụ nên không có tình trạng tồn đọng cá tra nguyên liệu. Bên cạnh đó các mặt hàng thủy sản khác cũng đảm bảo nguồn cung nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên giá cả cũng giảm nhẹ...”.

Thốt Nốt có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất TP Cần Thơ. Tổng diện tích nuôi thủy sản (chủ yếu là cá tra) của quận từ đầu năm 2021 đến nay là 395,53ha, cao hơn cùng kỳ 21,75ha, đạt 96,47% so với kế hoạch. Tổng sản lượng nuôi thu hoạch được 35.390 tấn, cao hơn cùng kỳ 2020 là 1.438 tấn. Tổng diện tích nuôi thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuẩn VietGAP, BAP, ASC và an toàn vệ sinh thực phẩm là 163,67ha (72 cơ sở nuôi cá tra). Ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: “Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến nuôi trồng, phát triển thủy sản, đặc biệt là giá mặt hàng thủy sản giảm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận, làm cho người nuôi bị thua lỗ nhiều. Hiện nay, giá thành cá tra 23.000-24.000 đồng/kg, giá cá tra nguyên liệu dao động từ 22.000-22.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ từ 1.000-2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, so với trước đây thì tình trạng thua lỗ đã giảm, người nuôi vẫn tiếp tục duy trì ao nuôi, tiếp tục cung cấp sản phẩm cho thị trường xuất khẩu và chờ giá tăng trở lại, bù đắp tình trạng thua lỗ trước đây”.

Hiện nay, quận Thốt Nốt có 6 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu với tổng sản lượng cá nguyên liệu chế biến 6 tháng đầu năm đạt 95.400 tấn, tăng 4,5% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá tra phi-lê xuất khẩu được 35.000 tấn, đạt kim ngạch 113,1 triệu USD, giảm 3,5% so cùng kỳ. Công ty CP Thủy sản NTSF tại quận Thốt Nốt trong 6 tháng đầu năm có sản lượng xuất khẩu tăng 20% so cùng kỳ 2020 và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 30 triệu USD.

Tháo gỡ khó khăn

Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến kéo dài, phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt cũng như trên địa bàn TP Cần Thơ. Ðặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng lớn do một số thị trường xuất khẩu vẫn đang trong trạng thái cách ly phòng, chống dịch bệnh, làm ảnh hưởng lớn trong giao thương hàng hóa; nhu cầu nhập khẩu của các nước trong giai đoạn này cũng giảm mạnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu có số lượng lao động lớn phải thực hiện giãn ca, giảm ca, giảm tiến độ sản xuất để phòng, chống dịch bệnh và thích nghi với trạng thái mới. Bên cạnh đó, một số yếu tố ảnh hưởng khác như: thiếu container, cước phí vận chuyển tăng cao từ 30-40%, một số thị trường xuất khẩu tăng cường việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… khiến việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Ông Trương Tiến Lực nhận định: “Trước tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của quận Thốt Nốt trong 6 tháng cuối năm 2021. Trong đó, một số ngành chủ lực của quận như chế biến thủy sản dự báo sẽ bị tác động lớn do các nước tạm thời đóng cửa thị trường. Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt đã có văn bản tuyên truyền, nhắc nhở đến doanh nghiệp tăng cường thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo mục tiêu kép về chống dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế”.

Những tháng cuối năm 2021, quận Thốt Nốt, các ngành chức năng TP Cần Thơ kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố đến các cơ sở, doanh nghiệp; nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhằm kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, phát triển kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến và nông nghiệp chất lượng cao; triển khai các chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường theo các chính sách hỗ trợ của thành phố. Triển khai kế hoạch kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn, các chương trình hỗ trợ chứng nhận VietGAP, khuyến ngư, thu mẫu kiểm soát dư lượng kháng sinh các đối tượng thủy sản nuôi, tiếp tục hướng dẫn hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng, bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực như cá tra theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm…

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Những tháng cuối năm 2021, thành phố đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giữa các tỉnh, thành trong cả nước; thực hiện các chương trình tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường. Trong đó, đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn và tổ chức khai thác, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực để phát triển thị trường mới, kịp thời thông tin các cảnh báo, tháo gỡ rào cản đối với các mặt hàng xuất khẩu…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết