11/08/2013 - 20:53

Cần giải pháp căn cơ “cứu” ngành chăn nuôi

Sau một thời gian dài ở mức thấp, gần đây giá heo hơi tại TP Cần Thơ có xu hướng tăng trở lại. Song, nhiều người chăn nuôi tiếp tục thua lỗ do giá thức ăn chăn nuôi vẫn đứng ở mức cao. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, "treo" chuồng, các trang trại nuôi heo quy mô lớn cũng ngày càng teo tóp…

Khó khăn chồng chất

Trong 2 năm trở lại đây, người chăn nuôi heo tại TP Cần Thơ nói riêng và các tỉnh ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn do giá heo hơi sụt giảm mạnh. Thời điểm tháng 5-2011, từ mức cao kỷ lục 57.000-60.000 đồng/kg heo hơi sau đó liên tục giảm giá mạnh. Từ giữa năm 2012 đến nay, giá heo hơi tuột xuống mức rất thấp, nhiều lúc chỉ còn 33.000-36.000 đồng/kg, khiến nhiều người nuôi heo bị lỗ 400.000-700.000 đồng khi bán mỗi con heo trọng lượng 100kg. Tết Nguyên đán 2013, nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng, giá heo hơi tăng trở lại nhưng không thể vượt qua mốc 43.000 đồng/kg và đà giảm giá kéo dài đến nay. Để tránh tình trạng lỗ vốn, nhiều người chăn nuôi heo lần lượt "treo" chuồng, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Những người còn duy trì nuôi heo cũng đang giảm số lượng đàn. Hiện tại, giá heo hơi tăng khoảng 4.000-5.000 đồng/kg so với cách nay 1 tháng. Tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ, giá heo hơi loại tốt đang ở mức 39.000-40.000 đồng/kg, loại xấu hơn khoảng 38.000 đồng/kg. Theo tính toán của nhiều hộ chăn nuôi heo, giá này chỉ vừa đủ trang trải tiền con giống, thức ăn và thuốc thú y; còn tiền điện nước, công chăm sóc và chi phí đầu tư chuồng trại, người nuôi phải bỏ tiền túi bù đắp!

Nuôi heo theo mô hình trang trại lớn ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ở ấp Nhơn Ái, thị trấn Phong Điền, đang nuôi khoảng 20 con heo. Ông Hùng cho biết: "Con giống do gia đình tôi sản xuất nhưng nếu bán heo hơi giá 38.000 đồng/kg, tính ra tôi vẫn chưa có lời. Gần đây, dù giá thức ăn chăn nuôi không tăng thêm, nhưng chi phí khác như: điện, nước, thuốc thú y… tăng hoặc ở mức cao". Theo Bà Huỳnh Thị Thủy, ngụ ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, những năm trước, gia đình bà nuôi đàn heo cả trăm con, trong đó khoảng 20 con heo nái. Giá heo hơi sụt giảm liên tục, thua lỗ kéo dài nên hiện bà Thủy chỉ nuôi khoảng 5 con heo để tận dụng các phụ phẩm cám gạo và thức ăn thừa trong nhà. Bà Thủy cho biết: "Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở đây đều đã nghỉ nuôi, còn những hộ chăn nuôi lớn cũng giảm mạnh đàn hoặc chỉ còn nuôi cầm chừng vì đã đuối sức, kiệt quệ nguồn vốn! Giá heo hơi phải từ 45.000 đồng/kg trở lên mới đảm bảo người nuôi có lời". Ông Dương Hoàng Dũng, chủ một trại chăn nuôi heo có qui mô hàng trăm con ở xã Định Môn, huyện Thới Lai cũng cho biết đã giảm số lượng đàn heo khoảng 50% so với năm trước, chỉ duy trì nuôi 22 con heo nái và 230 con heo thịt.

Giá heo giảm liên tục, trong khi chi phí đầu vào tăng lũy tiến, người nuôi heo lâm vào bế tắc và đang cần được giải cứu. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài hỗ trợ vốn vay ưu đãi để tái đàn thì cần quy hoạch ngành chế biến thức ăn phù hợp với thực tế ngành chăn nuôi, dự báo cung- cầu thị trường chính xác…

Cần giải pháp căn cơ

Theo ông Dương Hoàng Dũng, chủ trại chăn nuôi heo ở huyện Thới Lai, nuôi heo quy trình khép kín với số lượng lớn, tự sản xuất con giống, mua thức ăn chăn nuôi trực tiếp từ nhà máy với giá sỉ… ông giảm được chi phí rất nhiều. Tuy nhiên, giá heo hơi giảm mạnh nên ông liên tục bị lỗ. Hiện tại, ông chuyển từ cho heo ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp sang tự chế biến một số loại thức ăn (từ tấm, cám, bắp, mì…) với giá thành chỉ ở mức 7.800-8.000 đồng/kg. Song, ông Dũng vẫn rất lo vì không dự đoán được giá heo hơi thời gian tới.

Nhiều người nuôi heo thua lỗ không phải do trình độ chăn nuôi kém, nuôi không đạt về số lượng, chất lượng mà chủ yếu do chí phí sản xuất quá cao, trong khi đầu ra sản phẩm luôn bấp bênh. Do giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp và các chi phí chăn nuôi đầu vào ở nước ta cao, giá thành chăn nuôi heo của ta cao hơn so với nhiều nước trên thế giới. Người nuôi heo còn phải chịu sự cạnh tranh của thịt heo nhập ngoại giá rẻ nên đành bán sản phẩm với giá thấp hơn giá thành sản xuất. Mặt khác, lợi nhuận trong chuỗi giá trị con heo đang rơi vào tay doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh thịt heo, doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi. Để cứu ngành chăn nuôi, giúp người nuôi heo có thu nhập ổn định thì việc tổ chức lại sản xuất, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi heo và hài hòa lợi ích các bên trong chuỗi giá trị sản phẩm là yêu cầu cấp thiết. Bởi phát triển chăn nuôi heo không chỉ tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho nông hộ mà còn góp phần đảm bảo nguồn cung thịt heo, ổn định giá cả thị trường trong nước.

Người chăn nuôi tiết kiệm các chi phí sản xuất đầu vào, nhưng nếu thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước thì khó tạo đột phá. Ngành chăn nuôi trong nước đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn thức ăn công nghiệp của các nhà máy FDI, nếu các doanh nghiệp này "bắt tay làm giá" thì người chăn nuôi khó mà chống đỡ, ngành chăn nuôi sẽ teo tóp dần. Trong khi thịt heo ngoại nhập vào nước ta với giá rẻ và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chuyên môn làm thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi trong nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, các ngành chức năng cần làm tốt công tác thông tin, dự báo thị trường và định hướng chăn nuôi cho người dân theo từng thời điểm. Có biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết