26/07/2010 - 21:02

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở TP Cần Thơ

Cần đầu tư có chiến lược

Trong phát triển NNCNC, thành phố Cần Thơ chọn sản xuất giống lúa là một trong những lĩnh vực đột phá. Ảnh: THU HÀ

Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản của TP Cần Thơ đạt 725 tỉ đồng, giảm 3,41% và hiện chiếm 10,97% trong GDP của thành phố. Theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp- thủy sản sẽ giảm dần, nhưng phải đảm bảo sản lượng. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp cần có giải pháp đồng bộ, đổi mới toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là giải pháp trong thời kỳ mới, nhưng hai năm qua, chương trình này vẫn chưa đi vào thực tiễn sản xuất.

Nhiều bất cập

Chương trình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được UBND TP Cần Thơ phê duyệt tại Quyết định số 1294/QĐ-UBND (ngày 2/6/2008) về xây dựng và phát triển chương trình NNCNC đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Đây là chương trình nằm trong Kế hoạch 10-KH/TU (10 chương trình, 4 đề án) của Ban Thường vụ Thành ủy để triển khai thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là “qui hoạch nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, hướng vào xuất khẩu và cung cấp dịch vụ NNCNC, coi trọng phát triển công nghệ sinh học và tạo giống mới; xây dựng nhiều thương hiệu đặc sản...”. Theo định hướng phát triển NNCNC đến 2010 và tầm nhìn 2020, tổng mức đầu tư trên 3.138 tỉ đồng (vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 666 tỉ đồng, ngân sách địa phương trên 285 tỉ đồng), phần còn lại huy động từ xã hội, doanh nghiệp... Tuy nhiên, hai năm qua, việc xúc tiến thực hiện chương trình chưa đạt kết quả như mong đợi, dự án vẫn còn trên giấy!

Năm 2010, UBND thành phố có Quyết định số 3762/QĐ-UBND (ngày 21-12-2009) về việc giao chỉ tiêu vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc các nguồn vốn ngân sách năm 2010 và giao cho Sở NN&PTNT thành phố lập 6 dự án thuộc chương trình NNCNC. Trên cơ sở này, ngành nông nghiệp thành phố đã mời các viện, trường, trung tâm tham gia lập dự án. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ khoa học nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ thực hiện 3 dự án về ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất rau màu, cây con. Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện 1 dự án về tăng cường cơ giới hóa trong khâu sản xuất của nền NNCNC. Phân viện Quy hoạch- Thiết kế nông nghiệp (miền Nam) thực hiện 2 dự án khu NNCNC (tại Nông trường Sông Hậu và Trung tâm Giống nông nghiệp). Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh cho biết: “Khâu lập hồ sơ, thủ tục quy hoạch đất các khu NNCNC mất nhiều thời gian. Các viện, trường tham gia làm dự án phải bổ sung hồ sơ năng lực theo qui định. Thêm vào đó, đây là lĩnh vực mới, các viện, trường phải nghiên cứu, tổng hợp tài liệu để xây dựng đề cương chi tiết phù hợp với thực tế của thành phố, nên nhiều dự án chậm tiến độ”. Còn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, do các dự án NNCNC đang ở giai đoạn lập dự án đầu tư nên chưa phân bổ nguồn vốn thực hiện.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp thành phố, riêng diện tích đất gieo trồng từ năm 2004 đến nay đã giảm 4.265 ha. Dự kiến đến 2015, diện tích đất nông nghiệp thành phố giảm xuống còn 111.650 ha, đến 2020 còn 107.000 ha. Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Do vậy, việc phát triển NNCNC là rất cần thiết, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa phục vụ mục tiêu hiện đại hóa nền nông nghiệp. Các nhà khoa học cho rằng, với vai trò là trung tâm của vùng ĐBSCL, đòi hỏi ngành nông nghiệp thành phố phải có sự phát triển vượt trội, đi đầu trong một số lĩnh vực mà các tỉnh khác chưa làm được. Trong đó, chọn sản xuất giống lúa và thủy sản (cá tra, tôm càng xanh) làm khâu đột phá để phát triển. TP Cần Thơ có nhiều viện, trường đóng trên địa bàn, đội ngũ đông đảo các nhà khoa học với những thành tựu nghiên cứu khoa học nổi bật để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Rõ ràng đây là những lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có, nhưng chưa được tận dụng và phát huy. Một phần do cơ chế, một phần do tập quán sản xuất manh mún của nông dân. Hiệu quả của mô hình liên kết “4 nhà” chưa thực sự thuyết phục các bên tham gia.

Một nền nông nghiệp hiện đại cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ và liên kết trên qui mô lớn. Hiện nay, thành phố có 3.237 tổ hợp tác, 72 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Năm 2009 có 54 HTX được phân loại, chỉ 6 HTX tốt, 14 HTX loại khá, 10 HTX trung bình và 24 HTX yếu, 11 HTX xin giải thể và 7 không xếp loại. Diện tích canh tác của HTX nông nghiệp chiếm 2,6% diện tích đất nông nghiệp toàn thành phố (hơn 2.967 ha). Ngoài ra, thành phố còn 111 câu lạc bộ (CLB) sản xuất giống cây con và 1.330 hộ dân đạt tiêu chí trang trại (diện tích 2.937 ha, sử dụng 8.240 lao động). Những mô hình HTX, CLB, trang trại là “hạt nhân” để xây dựng nền NNCNC. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, kinh tế tập thể còn thiếu động lực và môi trường phát triển chưa đồng bộ, trình độ quản lý của cán bộ HTX còn hạn chế, chưa an tâm công tác... HTX chưa thực sự đóng vai trò hỗ trợ hoạt động sản xuất nông hộ, một số nơi còn mang tính hình thức. Do vậy, cần được đánh giá đúng để có định hướng phát triển lâu dài hơn.

Quy hoạch phải gắn với thực tiễn

Những năm qua, từ nguồn kinh phí được HĐND quyết định hỗ trợ giống cây con cho nông dân khoảng 1 tỉ đồng/năm; trong đó, 500-600 triệu đồng được dùng cho việc cải thiện chất lượng giống lúa. Chương trình này được gắn với mục tiêu xây dựng hệ thống giống 3 cấp của thành phố. Trong đó, tập trung hỗ trợ giá giống lúa siêu nguyên chủng cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ nhân giống... để các đơn vị này nhân giống cho cộng đồng. Năm 2009, có gần 2.923 ha đất sản xuất lúa giống, trong đó, giống siêu nguyên chủng chiếm 0,88%, giống nguyên chủng 10,44%, giống xác nhận trên 88,6%. Còn vụ đông xuân 2009-2010, thành phố có trên 1.400 hộ nông dân tham gia nhân giống lúa (2.048 ha), tăng 400 hộ so với cùng kỳ. Ngành nông nghiệp còn giao trách nhiệm cho Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản xây dựng đề án, tổ chức hoạt động hoàn thiện hệ thống giống lúa 3 cấp cho toàn thành phố, tiến tới xây dựng vùng sản xuất giống với thương hiệu cụ thể. Sở NN&PTNT thành phố đã đặt hàng với Viện Lúa ĐBSCL (từ 2008-2010) sẽ nghiên cứu 1-2 giống làm thương hiệu cho lúa gạo Cần Thơ, hiện kết quả đạt khá tốt, nhưng chưa thể công bố vì phải thực hiện đúng quy trình quy định về giống quốc gia.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Để tiến tới nền NNCNC cần 4 chiến lược mục tiêu. Đó là: đào tạo (từ cán bộ đến nông dân), chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho những sản phẩm mục tiêu, huy động nguồn nhân lực đầu tư xã hội trong và ngoài nước, cuối cùng là thị trường tiêu thụ. Với điều kiện kinh phí và nhân lực hiện nay, ngành nông nghiệp đã tổ chức huấn luyện, hỗ trợ nông dân sản xuất giống với chất lượng tốt, đảm bảo cho sản xuất đại trà. Hiện nay, nguồn giống sản xuất đáp ứng trên 50% nhu cầu về giống lúa xác nhận cấp 1, phần còn lại nông dân tự sản xuất và trao đổi”. Theo ông Quỳnh, trung bình hằng năm, diện tích gieo sạ vụ đông xuân khoảng 90.000 ha, vụ hè thu khoảng 85.000 ha thì nhu cầu giống xác nhận khoảng 13.500 tấn/vụ (mật độ sạ 150 kg/ha).

Hiện nay, ngành nông nghiệp đã triển khai được các nhóm liên kết sản xuất (24 nhóm trên diện tích 319 ha) để xây dựng cánh đồng một giống, mỗi nhóm sản xuất 30-50 ha gắn liền với liên kết “4 nhà”. Hoạt động này đã tạo được vùng nguyên liệu được doanh nghiệp ký kết tiêu thụ trong vụ đông xuân 2009-2010, khoảng 7.990 ha tại huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ. Ngoài ra, còn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo hướng GAP, vụ hè thu 2010 đã xây dựng 5 nhóm thực hiện (mỗi nhóm 25-30 nông dân ở các huyện trọng điểm lúa của thành phố. Thêm vào đó, diện tích của Nông trường Sông Hậu và Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ là vùng nguyên liệu sản xuất lúa rộng lớn, nông dân giàu kinh nghiệm; đây là khu vực khá lý tưởng để phát triển NNCNC cho thành phố trong tương lai. Nếu làm được điều này, TP Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ nông nghiệp, giống cây trồng vật nuôi cho toàn vùng.

Hải Đăng

Trong phát triển NNCNC, thành phố Cần Thơ chọn sản xuất giống lúa là một trong những lĩnh vực đột phá. Ảnh: THU H

Chia sẻ bài viết