14/10/2021 - 09:10

Cần đảm bảo nguồn vaccine để giảm tỷ lệ người tử vong do bệnh dại 

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong các quốc gia đang có bệnh dại lưu hành ở nhóm nguy cơ cao nhất thế giới, có nguy cơ cao lây truyền bệnh dại từ động vật sang người. Trung bình mỗi năm (từ năm 2017 đến nay), cả nước có khoảng 510.000 người điều trị dự phòng dại, do bị chó cắn. 

Tiêm vaccine điều trị dự phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ.

100% tử vong do không tiêm vaccine

Theo Cục Y tế dự phòng, ở Việt Nam, chó và mèo là nguồn lây truyền bệnh dại chủ yếu. Thời gian ủ bệnh ở người có thể từ vài ngày đến vài tháng tùy thuộc vào vị trí của vết cắn, thông thường là từ 1-3 tháng, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh dưới 9 ngày hoặc kéo dài tới vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng và độc lực của virus, tình trạng của vết thương, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Thống kê của Cục Thú y, giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 8-2021, cả nước có trên 2,5 triệu người điều trị dự phòng dại, tăng 28% so với giai đoạn 2012-2016. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết:  Số động vật cắn có triệu chứng bất thường (ốm, chạy rông, lên cơn dại, chết, mất tích) chiếm tới gần 30%. Ðây là một trong những mối nguy cơ gây bệnh dại rất lớn trong cộng đồng và nếu không được tiêm vaccine điều trị dự phòng bệnh dại đầy đủ cho người thì ước tính số lượng nạn nhân tử vong do bệnh dại có thể lên tới hàng ngàn trường hợp mỗi năm.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, trong giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 8-2021, thành phố có 51.519 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Trung bình hằng năm có trên 10.000 người phải điều trị dự phòng. 

Theo Cục Y tế dự phòng, số ca tử vong do bệnh dại trung bình 70 ca/năm. Với số ca này, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc tử vong rất cao, chỉ đứng sau bệnh sởi (2014) và COVID-19. Tỷ lệ tiêm phòng vaccine cho đàn chó trên toàn quốc rất thấp (chỉ trên 49%), trong khi để khống chế bệnh dại, tỷ lệ này phải đạt tối thiểu là 70%. Qua thống kê của Cục Y tế dự phòng, 100% ca tử vong đều do người bị cắn không điều trị dự phòng bằng tiêm vaccine. Trong đó, gần 44% số ca tử vong do chủ quan chó nhà nuôi cắn, chó bình thường sau khi cắn; 16,4% sử dụng thuốc nam; 5% trẻ nhỏ bị cắn không nói với gia đình, 8% người dân không có tiền tiêm vaccine... Tuy nhiên, phần lớn các tỉnh chưa có quỹ vaccine cho nhóm người yếu thế này.

Cần cơ chế vaccine

Hiện nay, chi phí tiêm vaccine dại cho chó chỉ tiêu tốn 22.000 đồng/con. Trong khi nếu người bị chó, mèo cắn, chi phí tiêm vaccine sau khi bị cắn cao hơn 100 lần. Số liệu của Cục Thú y, chi phí cho tiêm vaccine điều trị dự phòng cho người sau khi bị động vật cắn của cả nước khoảng 800 tỉ đồng/năm. Riêng tại TP Cần Thơ, chi phí tiêm vaccine cho người sau khi bị động vật cắn trung bình khoảng 22 tỉ đồng/năm.

Một số địa phương công tác đấu thầu vaccine dại gặp nhiều khó khăn do đây là loại sinh phẩm đặc thù và số lượng các loại vaccine dại rất ít, chỉ 2-3 loại. Việc điều trị dự phòng bệnh dại liên quan đến tính mạng của bệnh nhân, bắt buộc phải tiêm vaccine càng sớm càng tốt, trong khi việc đấu thầu vaccine là không phù hợp dẫn đến một số trung tâm y tế dự phòng không mua được vaccine, làm giảm điểm tiêm. Theo Cục Y tế dự phòng, số điểm tiêm công lập giảm 200 điểm. Các điểm tiêm công lập chi phí rẻ hơn tư nhân, nên việc giảm điểm tiêm này cũng làm giảm khả năng tiếp cận vaccine của người dân.

Tiêm vaccine điều trị bệnh dại là tiêm chủng dịch vụ. Mỗi năm, ước tính sử dụng hơn 2 triệu liều vaccine điều trị dự phòng dại và khoảng 1 triệu liều huyết thanh kháng dại; phí tổn người dân chi trả ước tính hơn 3.800 tỉ đồng. Vaccine phòng bệnh dại cho người phải nhập từ nước ngoài, chưa sản xuất được ở trong nước, nên giá thành tương đối cao. Vaccine do các công ty vaccine tư nhân/cổ phần tiến hành nhập, lệ thuộc tư nhân dẫn đến có thời điểm thiếu hụt nghiêm trọng vaccine.

Theo một chuyên gia ở Cục Y tế dự phòng, các loại vaccine khác tiêm khi chưa mắc bệnh. Còn vaccine dại tiêm khi có khả năng mắc bệnh (đã bị động vật cắn), tiêm phòng để thoát khỏi nguy cơ tử vong. Việc thiếu hụt có thể gây ra tình trạng tử vong cho người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn. Cục Y tế dự phòng kiến nghị Chính phủ cần có những cam kết với nhà sản xuất vaccine tại nước ngoài để chủ động nguồn cung ứng.

Bài, ảnh: H.HOA    

Chia sẻ bài viết