08/07/2020 - 06:01

Căn cứ quan trọng bậc nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương 

Dựa trên biến động chính trị gần đây, các nhà phân tích cho rằng đảo Wake nằm sâu trong Thái Bình Dương có thể giữ vị thế chủ chốt trong chiến lược phòng thủ của Mỹ một khi xảy ra xung đột với Trung Quốc hay CHDCND Triều Tiên.

Các mũi tên chỉ vị trí công trình được nâng cấp hoặc xây mới trên đảo Wake. Ảnh: Planet Labs

Tiền đồn chiến lược trong quá khứ và hiện tại

Được Mỹ sáp nhập năm 1899, đảo Wake là rạn san hô vòng nằm cách đảo Guam 2.416km về phía Đông và thủ đô Tokyo (Nhật Bản) 3.204km về phía Đông Nam. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, vùng đảo hẻo lánh với diện tích 6,5km2 này có vai trò lịch sử quan trọng khi chứng kiến một trong những cuộc tham chiến đầu tiên của Mỹ thông qua chiến dịch phản kích trước lính Nhật vài ngày sau vụ Trân Châu Cảng bị đánh bom năm 1941. Sau hơn nửa thế kỷ, tiền đồn xa xôi này tiếp tục khẳng định giá trị khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dịch chuyển mối quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một trong những lợi thế quan trọng là đảo Wake cơ bản nằm ngoài phạm vi tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên hay Trung Quốc. Theo các chuyên gia quân sự, căn cứ khác của Mỹ trên đảo Guam hay tại Okinawa (Nhật Bản) đều có nguy cơ bị áp đảo nếu chiến tranh nổ ra ở Thái Bình Dương. Nguyên nhân là dù được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, nhưng vị trí gần hoặc ở châu Á chính là “điểm yếu” khiến hai cơ sở trên khó trụ vững trước hỏa lực dồn dập của đối thủ.

Trong khi đó, đảo Wake lại nằm tách biệt ở Tây Thái Bình Dương và được bảo vệ tốt hơn khi nằm dưới “ô bảo vệ” của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mặt đất (GBMD). Nếu Patriot hay hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được thiết kế để tiêu diệt tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung ở độ cao lớn khi chúng vào giai đoạn chuẩn bị lao xuống mặt đất, GBMD hiện triển khai ở Alaska và California có thể tấn công và tiêu diệt các tên lửa đạn đạo trước khi chúng bay tới lục địa Mỹ hay Canada.

Triều Tiên “không có ý định” đàm phán với Mỹ
Quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 7-7 tuyên bố nước này “không có ý định” ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với Mỹ, đồng thời hối thúc Hàn Quốc “chấm dứt can thiệp” vào các vấn đề của Bình Nhưỡng. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun chuẩn bị đến Hàn Quốc để thảo luận việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có 3 lần gặp thượng đỉnh trong các năm 2018 và 2019, song đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đình trệ kể từ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hồi tháng 2-2019 không đạt thỏa thuận.

Tăng cường năng lực hậu cứ

Điều kiện trên đảm bảo vai trò sân bay dự bị của đảo Wake, phục vụ các trận không chiến hướng về phía Tây, tiếp cận khu vực của Nga và đặc biệt đối phó lực lượng ven biển của Trung Quốc trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập. Đảo Wake thậm chí có thể được coi là tiền đồn cuối cùng nếu không quân Mỹ phải lùi xa về Tây Thái Bình Dương trong xung đột. Năm ngoái, máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit lần đầu tiên sử dụng hòn đảo này thay vì Guam làm điểm tiếp liệu và vũ khí sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Hickam ở Hawaii. Đây là phương án dự phòng một khi căn cứ của Mỹ ở Guam bị đe dọa hoặc phá hủy.

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ đã cho xây dựng đường băng dài 3.000m trên đảo Wake, có thể chứa toàn bộ máy bay đang trong biên chế của Lầu Năm Góc. Khu vực này cùng cơ sở hạ tầng xung quanh chủ yếu được sử dụng làm nơi tiếp nhiên liệu dừng và hạ cánh khẩn cấp cho máy bay quân sự ở giữa Thái Bình Dương. Ngoài ra, phía Nam đường băng cũng là nơi thử tên lửa Reagan. Trên đảo hiện có khoảng 94 nhân viên quân sự lẫn dân sự đồn trú và việc tiếp cận bị hạn chế.

Theo các nguồn tin, Lầu Năm Góc những năm gần đây đã rót hàng trăm triệu USD cho thành trì chiến lược này. Hình ảnh vệ tinh hồi cuối tháng 6 cho thấy Washington đang nâng cấp căn cứ trên đảo Wake trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Theo đó, phần đường băng đã được xây dựng lại toàn bộ và thêm một trang trại điện năng lượng Mặt trời lớn ở khu vực phía Tây hòn đảo. Hoạt động mở rộng sân bay được cho là bắt đầu từ đầu năm và tiếp tục duy trì với bãi đỗ máy bay chính ở phía Đông cùng bãi đỗ phụ nằm xa hơn về phía Tây được mở rộng đáng kể.

MAI QUYÊN (Theo National Interest, The Drive)

Chia sẻ bài viết