23/02/2013 - 23:41

Phát triển bền vững nông nghiệp ĐBSCL

Cần cú hích nguồn cung tín dụng từ ngân hàng

Hiện ÐBSCL chiếm gần 100% lượng gạo xuất khẩu cả nước (thu mua lúa gạo tại chi nhánh của Công ty Lương thực Sông Hậu ở
TP Cần Thơ). Ảnh: V.Công

Trong điều kiện khó khăn hiện nay, tín dụng được xem là giải pháp quan trọng thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp của vùng ÐBSCL. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các chủ trương, chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đều được các tổ chức tín dụng (TCTD) quan tâm giải ngân cho vùng ÐBSCL. Bởi đây là vùng trọng điểm sản xuất lương thực cả nước và theo dự kiến năm 2013, tín dụng sẽ được mở rộng với nhiều đối tượng, khơi thông dòng vốn cho sản xuất kinh doanh.

Vốn cho các lĩnh vực ưu tiên tăng, nhưng…

Năm 2012, theo báo cáo của NHNN, tổng huy động vốn của các TCTD đóng tại ĐBSCL đạt 217.000 tỉ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2011; tổng dư nợ cho vay đạt 275.000 tỉ đồng, tăng 9,2% so cuối năm 2011 (tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước), chiếm 9% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế cả nước. Các địa phương có dư nợ cho vay tăng gồm: Đồng Tháp, Sóc Trăng và Hậu Giang. Đến cuối năm 2012, nợ xấu toàn vùng chỉ khoảng 10.000 tỉ đồng, chiếm 3,5% trong tổng dư nợ cho vay. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn toàn vùng đạt 111.000 tỉ đồng, tăng 8,3% so cuối năm 2011, nợ xấu trên lĩnh vực này chỉ khoảng 2.000 tỉ đồng (chiếm 1,87% tổng dư nợ cho vay), có một số tỉnh giảm, nhưng về cơ bản đa số các tỉnh đều tăng Đồng Tháp tăng 33%, Bến Tre tăng 29%, Kiên Giang tăng 4%, Hậu Giang tăng 12%, Bạc Liêu tăng 13,5%, Trà Vinh tăng 27%. Dư nợ cho vay mua- xuất khẩu gạo đến cuối tháng 12-2012 đạt 17.000 tỉ đồng, tăng 4,56% so cuối năm 2011. Doanh số cho vay nuôi trồng, chế biến thủy sản khoảng 80.000 tỉ đồng; trong đó dư nợ cho vay thủy sản là 35.000 tỉ đồng, tăng gần 16% so với cuối năm 2011; đến cuối năm 2012, dư nợ được gia hạn đối với con cá tra tại các ngân hàng thương mại nhà nước là 1.220 tỉ đồng. Dư nợ cho vay chăn nuôi gia cầm, chế biến cá tra xuất khẩu khoảng 37.000 tỉ đồng…

Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình cho biết: "Lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn luôn được các TCTD ưu tiên vốn. Nhìn chung năm qua, vốn đáp ứng tương đối đầy đủ yêu cầu vay phát triển sản xuất, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của vùng. Nguồn vốn tín dụng tăng mạnh ở lĩnh vực lương thực, chế biến thủy sản. Tuy nhiên, tiềm năng và lợi thế so sánh của các sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL chưa phát triển tương xứng, chi phí đầu vào tăng, sản xuất của nông dân nhỏ lẻ, qui mô DN hạn chế, nên khả năng cạnh tranh sản phẩm chưa cao. Điều này ít nhiều hạn chế khả năng tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng của người dân và DN". Theo phản ánh của các địa phương trong vùng thì sản xuất nông nghiệp rất rủi ro, nông dân trồng lúa, nuôi cá tra, tôm vốn sản xuất chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng bằng việc thế chấp bất động sản, nhưng nếu thất mùa thì ngân hàng không cho vay tiếp và nếu có vay thì vốn cũng không đáp ứng đủ yêu cầu đầu tư.

Theo báo cáo của NHNN, Chi nhánh TP Cần Thơ, thực hiện Công văn 1149 của Thủ tướng Chính phủ, các TCTD đã thống kê các khoản nợ vay cũ của khách hàng đến ngày 15-8-2012 là 3.296 tỉ đồng (riêng dư nợ cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến cá tra xuất khẩu là 2.993 tỉ đồng). Dư nợ được gia hạn đối với các khoản nợ cũ đến ngày 31-12-2012 là 223 tỉ đồng; các khoản nợ vay của khách hàng sau ngày 15-8-2012, dư nợ cho vay trên lĩnh vực nuôi trồng, thu mua, chế biến cá tra xuất khẩu tính đến cuối tháng 12-2012 đạt 3.165 tỉ đồng, trong đó nợ xấu chỉ 88 tỉ đồng. Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cho rằng, việc triển khai thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động nuôi trồng, chế biến cá tra, giảm bớt áp lực về nợ vay, lãi vay, nhất là trong bối cảnh các chi phí khác không ngừng tăng lên, thị trường thiêu thụ sản phẩm giảm sút, nhưng vốn tiếp cận không nhiều. Các ngân hàng chỉ tăng hạn mức cho vay dựa trên hiệu quả phát triển của DN, nhưng hiện nay, hoạt động kinh doanh của các DN thủy sản tăng trưởng thấp, nên hạn mức cho vay khó có thể tăng thêm. Còn hộ dân nuôi cá tra, nhu cầu đầu tư cao (từ 6- 8 tỉ đồng/ha) mà không có tài sản thế chấp, hoặc đã thế chấp tại ngân hàng, nên không đủ điều kiện vay vốn. Do vậy, số hộ được vay vốn mới với lãi suất thấp dưới 11%/năm không nhiều, dù nhu cầu vay vốn của người dân để duy trì và phát triển sản xuất khá lớn.

Cần cơ chế hỗ trợ cụ thể

Năm qua, ngành nông nghiệp gặp rất nhiều rủi ro trong sản xuất, xuất khẩu; thị trường xuất khẩu thấp điểm, doanh nghiệp (DN) vướng hàng tồn kho, lãi suất cho vay ở mức cao, thắt chặt tín dụng khiến người dân và DN khó tiếp cận. Đặc biệt là ngành cá tra, tôm, chăn nuôi gia súc, gia cầm đối mặt với rất nhiều thách thức. Người nuôi tôm đứng trước nguy cơ phá sản vì dịch bệnh trên tôm tăng đột biến, trong khi giá tôm nguyên liệu có lúc xuống dưới giá thành sản xuất vì "đụng" với mùa thu hoạch tôm của một số quốc gia ở Đông Nam Á và thị trường xuất khẩu sụt giảm, thị trường chính của con tôm là Nhật Bản đã dựng lên hàng rào kỹ thuật, thương mại rất khắt khe, nguy cơ đứng trước vụ kiện chống bán phá giá, nguy cơ bị trả hàng do Nhật tăng kiểm soát dư lượng Ethoxyquin trên tôm Việt Nam. Người nuôi cá tra phải "treo ao" vì thiếu vốn tái đầu tư, giá cá nguyên liệu không ổn định, DN ngành cá tra chỉ hoạt động khoảng 50% công suất chế biến. Người nuôi gia cầm đối mặt với giá thức ăn tăng lũy tiến… Trong khi đó, các chính sách cho chăn nuôi, thủy sản triển khai đến người dân chưa kịp thời, chưa sát với thực tiễn.

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vùng ĐBSCL chiếm đến 73,52% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước và giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành gạo thì ĐBSCL chiếm gần 100%. Song nguồn lực đầu tư cho vùng chưa tương xứng với tiềm năng, nông dân vẫn tự bơi trong sản xuất, ngân hàng chỉ cho vay một phần trên giá trị tài sản thế chấp. Trong khi đó, thống kê của NHNN thì tỷ lệ nợ xấu tại ĐBSCL rất thấp so con số cả nước, kể cả khối DN và người dân; tỷ lệ nợ xấu trên lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn lại càng thấp. Theo kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trình Thủ tướng Chính phủ, năm 2013 kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng tăng hạn mức vay, thời hạn vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể như: cho vay lãi suất 0,65%/tháng đối với các hộ đang nuôi cá tra, tôm thương phẩm chưa đến kỳ thu hoạch, thời hạn vay là 6 tháng, mức vay tối đa 60% chi phí tính từ thời điểm vay nuôi đến kỳ thu hoạch; cho các DN chế biến có nuôi cá tra thương phẩm chưa đến kỳ thu hoạch vay với lãi suất 0,9%/tháng trong vòng 6 tháng, mức tối đa 40% chi phí từ thời điểm vay nuôi đến kỳ thu hoạch; các DN chế biến thu mua cá tra nguyên liệu vay lãi suất 0,9%/tháng trong vòng 6 tháng, mức vay 100% giá trị hợp đồng mua bán triển khai thực tế. Đối với hộ nuôi tôm, bộ đề nghị mức hỗ trợ thiệt hại tăng lên 20 triệu đồng/ha cho diện tích tôm bị thiệt hại trên 70% để khôi phục vùng sản xuất. Đối với cây lúa, Bộ đang trình Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư 100% kênh mương cấp I, II, hỗ trợ lúa giống, kinh phí đào tạo cho nông dân; trình Chính phủ quy định từ năm 2014 trở đi, DN xuất khẩu gạo phải xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo ít nhất 50% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng…

Nếu các chính sách thiết thực của Bộ NN&PTNT được Chính phủ thông qua, cùng sự hỗ trợ của ngân hàng sẽ khơi dòng vốn tín dụng cho nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết