 |
Thời gian qua, TP Cần Thơ đã triển khai xây dựng nhiều dự án khu dân cư.
Trong ảnh: Một góc 1 khu dân cư thuộc Khu đô thị Nam Cần Thơ. |
Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức cuộc họp Sơ kết công tác lập quy hoạch (QH), triển khai thực hiện QH và quản lý QH trên địa bàn thành phố 5 năm qua. Theo đánh giá tổng thể của UBND TP Cần Thơ, thời gian qua, việc thực hiện công tác này trên địa bàn thành phố tuy có bước tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục...
* NHIỀU NỖ LỰC
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Cần Thơ, trong 5 năm qua (từ năm 2004 đến hết tháng 9-2009), toàn thành phố đã phê duyệt 91 đồ án QH; trong đó có 5 đồ án QH chung xây dựng, 6 đồ án QH chi tiết tỷ lệ 1/2000, 80 đồ án QH chi tiết tỷ lệ 1/500. Đến nay, thành phố đã rà soát, hủy bỏ 22 nhiệm vụ, đồ án QH chi tiết tỷ lệ 1/500 do không còn phù hợp; 3 đồ án “QH treo” phải thực hiện điều chỉnh toàn diện và đã điều chỉnh xong, thực hiện công bố...
Về triển khai thực hiện QH trên địa bàn thành phố, ngoài việc tranh thủ trung ương đầu tư, thành phố đã tập trung huy động mọi nguồn lực bổ sung thêm vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình bức bách, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, trong lĩnh vực thu hút đầu tư phát triển khu đô thị theo QH, hiện nay trên địa bàn thành phố có 99 dự án đầu tư khu dân cư, khu tái định cư với diện tích khoảng 2.688ha; các dự án khu dân cư bước đầu đã đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thành phố. Đối với các dự án khác (dự án phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch...) có 37 dự án với diện tích 932ha. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và y tế, ngoài các công trình đã được xây dựng hoàn thành theo quy hoạch, bằng nhiều nguồn vốn thành phố đang tập trung xây dựng các công trình trọng điểm, mang tính chất vùng như: Trường Đại học Y Dược, nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ, xây dựng hệ thống các bệnh viện chuyên khoa...
Trong lĩnh vực công nghiệp, TP Cần Thơ có Khu Công nghiệp (KCN) Trà Nóc (KCN Trà Nóc 1 và KCN Trà Nóc 2) diện tích 300ha; KCN Thốt Nốt giai đoạn 1 và 2 (chuẩn bị đầu tư giai đoạn 3, giai đoạn 4)... Trong lĩnh vực cải tạo và chỉnh trang đô thị, thành phố đã tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường ở khu vực nội ô, bố trí và trang trí hệ thống chiếu sáng công cộng, xây dựng bờ kè chống sạt lở và tạo mỹ quan gắn với việc bố trí công viên cây xanh... đã làm thay đổi đáng kể vẻ mỹ quan đô thị của thành phố. Từ sự nỗ lực đầu tư kiến thiết đô thị theo QH, vào tháng 6-2009 TP Cần Thơ đã được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương...
* CÒN BẤT CẬP
Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP Cần Thơ, trong công tác lập QH vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế. Đó là chất lượng một số đồ án QH chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân do trình độ, năng lực và lực lượng các đơn vị tư vấn làm công tác QH đô thị còn hạn chế; công tác điều tra hiện trạng chưa thực hiện đầy đủ, nhất là điều tra về xã hội học. Ngoài ra, dự báo phát triển (về kinh tế-xã hội, nguồn lực về vốn đầu tư, con người...) từ cấp vĩ mô cho đến địa phương chưa đảm bảo tính chính xác, thiếu sự phối hợp đa ngành trong dự báo phát triển; QH được duyệt nhưng thiếu giải pháp nhằm phân kỳ khả năng thực hiện; QH chung chưa ổn định, đang trong quá trình điều chỉnh, dẫn đến việc tổ chức triển khai chậm...
Trong triển khai thực hiện QH, đối với các dự án khu dân cư, một số dự án triển khai chậm đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong vùng dự án. Nguyên nhân do người dân không đồng tình giao đất thực hiện dự án, không chịu di dời do thiếu khu tái định cư; giá bồi thường theo phương thức thỏa thuận nên một số hộ dân đòi giá cao, dẫn đến việc giải phóng mặt bằng không liên tục, xây dựng cơ sở hạ tầng không đồng bộ, làm chậm tiến độ dự án. Ngoài ra, một số nhà đầu tư thiếu năng lực về vốn, một số có năng lực vốn nhưng khả năng tổ chức thực hiện dự án lại kém cũng dẫn đến dự án trì trệ, kéo dài. Đối với các dự án khác, trong một thời gian dài công tác tái định cư chưa đi trước một bước nên công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn...
Về công tác quản lý QH, vẫn còn một số mặt yếu kém, đó là: việc công bố công khai QH xây dựng đến từng hộ dân bằng hình thức họp công bố do nhiều nguyên nhân vẫn chưa đảm bảo yêu cầu. Công tác xây dựng sai QH từng lúc, từng nơi còn diễn ra phổ biến nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời; một số dự án đầu tư thiếu tuân thủ theo QH được duyệt, xảy ra tình trạng xây dựng rồi xin điều chỉnh QH; một số QH khi triển khai thực hiện gặp khó khăn trong công tác bồi hoàn, giải tỏa nên địa phương xin phép điều chỉnh. Công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị một thời gian dài chưa được quan tâm đúng mức, chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị. Ở khu trung tâm thành phố hiện hữu, do thực tế đầu tư nhiều năm nhưng không lập hồ sơ quản lý nên hiện trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị hầu như không có tư liệu quản lý, nhất là hiện trạng công trình ngầm...
Ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho rằng: “Trong quá trình QH có những lúc còn bỏ ngỏ khâu đánh giá tác động môi trường, đặc biệt đối với các dự án lớn, ngay kể cả các dự án khu dân cư đối với Khu đô thị Nam Cần Thơ. Đến nay, đối với các dự án đã QH và đã được duyệt, cũng còn một số dự án chưa bổ sung về đánh giá tác động môi trường. Tới đây, ngành xây dựng và ngành tài nguyên và môi trường cần phối hợp chặt chẽ trong việc hoàn thành QH chung xây dựng thành phố và QH sử dụng đất trên địa bàn thành phố...”.
Bên cạnh đó, trách nhiệm trong quản lý QH xây dựng chưa có quy định rạch ròi giữa cấp thành phố, cấp sở-ngành, cấp quận-huyện và cấp phường-xã. Từ đó, làm cho công tác quản lý QH xây dựng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, lực lượng cán bộ quản lý QH xây dựng ở các quận vừa thiếu vừa yếu nên nhiều lúc còn đùn đẩy công việc cũng như trách nhiệm, dẫn đến những nơi có mật độ xây dựng cao (nhất là ở quận Ninh Kiều) còn xảy ra tình trạng lộn xộn, mất trật tự trong xây dựng...
* CẦN CÓ TẦM NHÌN XA
Trong năm 2010, nhiệm vụ trọng tâm mà ngành xây dựng TP Cần Thơ tiếp tục tập trung thực hiện hoàn thành một số QH như: Điều chỉnh QH chung xây dựng thành phố đến năm 2030, QH chung xây dựng Khu đô thị công nghiệp-thương mại, dịch vụ-du lịch TP Cần Thơ quy mô khoảng 20.000ha; QH các khu dân cư, tái định cư cho các dự án trọng điểm; hoàn thành các đồ án QH chuyên ngành như: Xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải trên địa bàn TP Cần Thơ, QH cây xanh đô thị các quận trung tâm thành phố. Song song đó, ngành xây dựng căn cứ vào Quyết định điều chỉnh QH chung xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt, tiến hành lập các đồ án QH chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 các khu đô thị và từng bước tiến tới phủ kín QH chi xây dựng tỷ lệ 1/2000. Ngoài ra, ngành xây dựng thường xuyên rà soát QH để kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; theo dõi, hướng dẫn các quận, huyện tổ chức triển khai công tác lập QH chi tiết các khu đô thị, các điểm dân cư nông thôn; theo dõi và đôn đốc tiến độ triển khai các dự án khu dân cư, khu đô thị, khu tái định cư trên địa bàn thành phố...
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn khẳng định: Công tác QH hết sức quan trọng và phải có tầm nhìn 50 năm hoặc trên 100 năm. QH phải được công bố rộng rãi cho người dân thành phố biết. Sở Xây dựng cần xem xét, rà soát lại toàn bộ các đồ án QH đã được phê duyệt để có hướng xử lý phù hợp; bổ sung thêm đồ án QH đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố; hoàn thành QH chung xây dựng thành phố đến năm 2030. Trước mắt, điều chỉnh QH Khu đô thị Nam Cần Thơ, lập QH 2 bên đường Mậu Thân-Sân bay Trà Nóc và QH 2 bên quốc lộ 91B. Cần thực hiện tốt công khai dân chủ trong QH. Sở Xây dựng tham mưu trình UBND thành phố phê duyệt phân cấp quản lý QH xây dựng. Sở Xây dựng và Viện Kiến trúc-Quy hoạch thành phố phải củng cố tăng cường đội ngũ cán bộ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc trong thời gian tới...
Bài, ảnh: HỒNG BẢO