10/05/2016 - 09:24

Cần có quy tắc ứng xử cho lực lượng bảo vệ bờ biển ở Biển Đông

Trích ý kiến của giới chuyên gia quân sự, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hồng Công trong bài viết mới đây cho biết xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa lực lượng hải cảnh các nước ở Biển Đông là nhu cầu cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, nạn quan liêu và những mâu thuẫn về lợi ích chủ quyền đang cản trở nỗ lực hợp tác giữa các quốc gia trong bối cảnh nguy cơ đụng độ ngày càng gia tăng.

Hồi tháng 3, tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã dùng vũ lực để giải thoát tàu cá nước này bị cơ quan hàng hải Indonesia bắt giữ do hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông. Tàu hải cảnh Trung Quốc cũng từng đối đầu tàu và máy bay quân sự Mỹ hoạt động trong khu vực.

Tàu lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc hoạt động tại khu vực bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines. Ảnh: AP

Mặc dù những vụ chạm trán giữa các tàu bảo vệ bờ biển chưa leo thang thành đối đầu quân sự nhưng sự cố liên quan ngày càng phổ biến khi Trung Quốc không ngừng gia tăng hoạt động tuần tra trên Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm thể hiện sức mạnh và mở rộng ảnh hưởng của Hải quân. Báo cáo của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ năm ngoái cho biết, Trung Quốc là quốc gia sở hữu số lượng tàu bảo vệ bờ biển lớn trong khu vực với 205 chiếc, trong đó 95 chiếc có lượng giãn nước 1.000 tấn và một số được tân trang lại từ tàu Hải quân. Con số này lớn hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực chẳng hạn Nhật Bản (78 chiếc), Indonesia (8 chiếc), Philippines (4 chiếc) hay Malaysia (2 chiếc).

Cách đây hai năm, lực lượng Hải quân các nước châu Á - Thái Bình Dương bao gồm các bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông từng ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trong các cuộc chạm trán bất ngờ trên biển (CUES). Tuy nhiên, nội dung CUES chỉ áp dụng đối với tàu Hải quân mà không bao gồm tàu bảo vệ bờ biển, đội tàu đánh cá hay những cơ quan thực thi khác.

Trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp thậm chí có nguy cơ bùng nổ xung đột, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) Tang Siew Mun cho rằng thiếu cơ chế kiểm soát và quy tắc ứng xử giữa lực lượng hải cảnh các nước là vấn đề lớn cần quan tâm. "Đây là lỗ hổng đáng lo ngại khi các vụ chạm trán giữa lực lượng bảo vệ bờ biển và các đội tàu đánh cá ở Biển Đông có xu hướng gia tăng và nhiều khả năng trở thành vấn đề nóng của khu vực" - người đứng đầu Viện ISEAS-Yusof Ishak cảnh báo.

Theo đề nghị của Tiến sĩ Tang, việc làm hữu ích cho khu vực hiện nay khi chưa có bộ quy tắc ứng xử tránh đụng độ ngoài ý muốn trên biển là thiết lập đường dây nóng trực tiếp giữa chỉ huy Cảnh sát biển các nước. Điều này sẽ giúp các bên xử lý kịp thời và tránh những tình huống hiểu lầm.

Về khả năng xây dựng quy tắc ứng xử giữa lực lượng bảo vệ bờ biển, chuyên gia Ashley Townshend thuộc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney cho rằng điều này sẽ khó hơn so với điều chỉnh bộ quy tắc mà Hải quân các nước châu Á đang áp dụng. Một trong những nguyên nhân là do lực lượng bảo vệ bờ biển chịu sự quản lý chồng chéo của nhiều cơ quan khác nhau và thường áp dụng luật pháp riêng của mỗi nước. Ngoài quan điểm khác biệt về lợi ích quốc gia và chủ quyền trên Biển Đông, việc Trung Quốc ít quan tâm đến các vụ đối đầu giữa lực lượng hải cảnh nước này với đơn vị các nước ASEAN cũng là rào cản lớn ngăn cản thành lập bộ quy tắc ứng xử cho lực lượng bảo vệ bờ biển.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết