31/08/2010 - 20:56

TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Cần có giải pháp mạnh, tạo sự đột phá

Khu vực nằm trong quy hoạch dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô - Một trong những dự án tiến độ triển khai khá chậm...

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố tiến hành giám sát tình hình và tiến độ thực hiện các dự án kinh tế- xã hội, thương mại dịch vụ, du lịch đã cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn thành phố. Qua giám sát, bên cạnh những dự án triển khai đúng tiến độ, một số dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả tốt, thì do nhiều nguyên nhân, vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm, hoặc chưa triển khai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong vùng dự án, kiềm hãm sự phát triển của thành phố…

NHIỀU DỰ ÁN TRIỂN KHAI CHẬM

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 50 dự án đầu tư (của 44 chủ đầu tư) còn hiệu lực, với tổng diện tích 936 ha, thuộc các lĩnh vực kinh tế- xã hội, thương mại dịch vụ, du lịch. Tổng mức đầu tư của các dự án này được xác lập ban đầu lên đến 23.226 tỉ đồng. Trong 50 dự án đầu tư có 9 dự án kinh tế- xã hội, 34 dự án thương mại dịch vụ, 7 dự án du lịch. Trong đó, quận Ninh Kiều là địa phương có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhất với 21 dự án, quận Cái Răng có 10 dự án, huyện Vĩnh Thạnh có 6 dự án,... Kết quả giám sát cho thấy mới có 16 dự án (86 ha) được đánh giá thuộc nhóm triển khai tốt. Trong đó, có một số dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả, như: dự án chợ An Bình, chợ An Hòa, chợ Trung Hưng; một số dự án đang xây dựng có khối lượng lớn như: Khu ăn uống nghỉ ngơi Cái Khế, chợ Cái Răng, Khu thương mại Vĩnh Thạnh,... Ngoài ra, có 22 dự án (689 ha) có mức độ triển khai trung bình, đang trong giai đoạn quy hoạch chi tiết, xây dựng dự án, tiến hành công tác bồi thường thiệt hại,...; 5 dự án triển khai chậm và 5 dự án mới giao chủ trương đầu tư.

Các thành viên đoàn giám sát ghi nhận đa số các dự án đã thực hiện 5 -6 công đoạn và trên 50% dự án đã khởi công xây dựng. Các dự án hình thành góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, làm cho kiến trúc, cảnh quan đô thị thêm khang trang. Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng nhận thấy còn nhiều dự án triển khai chậm. Ông Ong Đức Phát, thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố, nói: “Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận thấy bà con khá đồng tình với công tác quy hoạch các dự án đầu tư xây dựng, nhưng điều khiến người dân bức xúc là các dự án chậm triển khai thực hiện, thời gian thực hiện kéo dài. Do đó, ngành chức năng cần tăng cường các giải pháp để các chủ đầu tư nhanh chóng triển khai thực hiện các dự án được giao”. Tuy nhiên, trên thực tế có những dự án đầu tư thuộc lĩnh vực kinh tế- xã hội, thương mại dịch vụ không bị ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng, nhưng tiến độ vẫn chậm. Do vậy, nhiều người dân dù không nằm trong vùng dự án vẫn bức xúc. Ông Nguyễn Văn Phước, ở phường An Phú, quận Ninh Kiều, nói: “Hàng ngày, dõi theo sự phát triển ở khu vực trung tâm thành phố, chúng tôi thấy có những vị trí đất vàng của thành phố như: dự án xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ Sài Gòn - Nguyễn Kim (góc đường Phan Văn Trị và đường 30-4), hay dự án Siêu thị Co.opMart giai đoạn 2 (góc đường Hòa Bình –Ngô Quyền –Ngô Văn Sở –Phan Đình Phùng),... đã giao mặt bằng nhưng không hiểu sao các chủ đầu tư vẫn chưa thi công. Ở các vị trí đắt địa này, nếu được xây dựng theo quy hoạch sẽ làm cho bộ mặt trung tâm thành phố khang trang hơn, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển...”.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, một trong những nguyên nhân khiến một số dự án đầu tư triển khai thực hiện chậm là do các dự án bồi thường theo phương thức thỏa thuận, một số hộ dân đòi giá bồi thường quá cao, từ đó dẫn đến việc giải phóng mặt bằng không được liên tục, san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng không đồng bộ làm chậm tiến độ hoàn thành của dự án. Bên cạnh đó, có một số nhà đầu tư không có năng lực về vốn, hoặc khả năng tổ chức thực hiện dự án còn yếu nên dự án trì trệ, kéo dài thời gian. Mặt khác, do cơ chế, chính sách thường thay đổi, nên hướng dẫn của các sở, ngành, địa phương đối với nhà đầu tư còn lúng túng, chưa cụ thể... cũng có phần khiến các nhà đầu tư triển khai dự án chậm. Ngoài ra, một phần do chính sách tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi các dự án cũng chưa đồng bộ, một bộ phận người dân thiếu việc làm, đời sống còn khó khăn... Theo ông Lê Kế Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, những nguyên nhân trên dẫn đến hệ lụy là nhà đầu tư không thể triển khai dự án hoàn chỉnh để kinh doanh, thu hồi vốn; còn đối với nhân dân trong vùng dự án thì gặp khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt, đất bị hoang hóa,... Nhà nước cũng bị thiệt hại do một số dự án chậm đưa vào khai thác, phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thành phố...

CẦN CÓ GIẢI PHÁP KHẢ THI HƠN...

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, đoàn giám sát thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư là cần xúc tiến thành lập Công ty định giá bồi thường độc lập, hoặc thành lập tổ chức định giá gồm nhiều thành phần tham gia (gồm các sở, ngành, các tổ chức xã hội, đại diện nhân dân trong vùng dự án) nhằm xác định giá trị của đất sát với giá thị trường, đồng thời giải quyết các tranh chấp về giá cả bồi thường. Về chính sách bồi thường thiệt hại, trước nhất giá bồi thường thiệt hại phải sát với giá thị trường, tránh sự so bì về giá bồi thường giữa các dự án do Nhà nước đầu tư và doanh nghiệp đầu tư. Đồng ý với đề xuất này, ông Nguyễn Ngọc Minh, thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố và ông Nguyễn Duy Khánh, Trưởng phòng Quy hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đều cho rằng mức giá các loại đất hằng năm do thành phố ban hành còn thấp và đề nghị các cơ quan chức năng xem xét nâng mức giá lên sát với giá thị trường. Việc xây dựng khung giá đất hợp lý sẽ góp phần xóa đi sự “so bì” giữa giá bồi thường dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư và dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Ngoài ra, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chức năng cần xây dựng đề án đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho người dân trong vùng quy hoạch. Các thành viên đoàn giám sát thống nhất cao với đề xuất thành phố cần quy định chủ đầu tư phải hỗ trợ chi phí đào tạo nghề và trực tiếp nghiên cứu tuyển dụng lao động trong các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án sau khi dự án hoàn thành. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác cung cấp thông tin, tuyên truyền kiến thức liên quan đến quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý dự án đầu tư đến các Hội, đoàn thể, chính quyền cấp xã,... để các đối tượng này góp phần tuyên truyền, vận động, làm cho nhân dân thông suốt và đồng tình với chủ trương của Nhà nước. Đoàn giám sát cũng đề nghị thành phố cần sớm có chủ trương đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, phù hợp với kiến trúc đô thị loại I, phù hợp với nhu cầu đời sống, sinh hoạt của người dân...

Bày tỏ sự thống nhất với các giải pháp trên, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, nhấn mạnh thêm: “Trong quá trình cấp phép đầu tư các dự án, các sở, ngành, địa phương cần chú trọng công tác thẩm định năng lực chủ đầu tư, tránh trường hợp chủ đầu tư xí phần, giành đất, nhưng chưa xây dựng công trình. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần quan tâm đến lĩnh vực, ngành nghề, công nghệ đầu tư,... tránh cấp phép đối với những ngành nghề dễ gây ô nhiễm môi trường, hoặc tình trạng các nhà đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu... Sau khi cấp phép, cần thường xuyên kiểm tra, xử lý các nhà đầu tư cố tình trì trệ, kéo dài thời gian thi công... Các ngành chức năng cũng cần tham mưu với lãnh đạo thành phố các cơ chế, chính sách để có quỹ đất sạch thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội thành phố phát triển...”.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết