Bài, ảnh: HÀ VĂN
ÐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Ðồng thời, đồng bằng còn là nơi giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế với các nước trong lưu vực sông MeKong. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên liên quan trong lưu vực sông MeKong, đặc biệt tài nguyên nước cần bảo tồn và phát triển ở lưu vực này, nhất là ở vùng ÐBSCL.
Giữa tháng 10-2023, đồng ruộng tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (vùng Đồng Tháp Mười) đã được xuống giống lúa đông xuân 2023-2024.
Thay đổi sinh thái vùng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ lúa vụ đông xuân 2023-2024, tại ĐBSCL có kế hoạch sản xuất với diện tích 1,475 triệu héc-ta. Thời vụ và diện tích xuống giống phù hợp theo từng vùng. Trong đó, xuống giống sớm từ ngày 10-30/10/2023 những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ (vùng ven biển), với khoảng 375.000ha, chiếm khoảng 24-26% diện tích vụ đông xuân, đây là những vùng có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ cần xuống giống sớm để né mặn. Xuống giống đợt 1 từ ngày 1-11 đến ngày 30-11-2023 là thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển, với khoảng 700.000ha, chiếm khoảng 46% diện tích kế hoạch. Xuống giống đợt 2 từ ngày 1-12 đến ngày 31-12-2023, thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển, với khoảng 400.000ha, chiếm khoảng 26% diện tích theo kế hoạch. Một số vùng xuống giống đông xuân muộn kết thúc xuống giống trước ngày 10-1-2024…
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, đến giữa tháng 10-1023, khu vực vùng thượng (Ðồng Tháp Mười) đã có nhiều đồng ruộng xuống giống lúa đông xuân 2023-2024. Ông Nguyễn Văn Hút, ở xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp, cho biết: "Nhiều năm nay, nước lũ từ thượng nguồn về vùng Ðồng Tháp Mười (miệt bưng) không còn nhiều như trước; bên cạnh đó kết hợp với hệ thống thủy lợi dẫn nước, đê bao, bờ bao chống lũ cũng hình thành tại vùng này. Nước về ít, đê bao vững chắc thì bà con xuống giống sớm lúa đông xuân để tranh thủ sản xuất vụ mùa tiếp theo. Nhiều năm nay, các vụ mùa sản xuất, sinh thái miệt bưng cũng có nhiều thay đổi so với trước".
Theo TS. Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học ở ÐBSCL, trước đây ÐBSCL thể hiện rõ đặc điểm của bốn vùng hay còn gọi là bốn "miệt", bao gồm miệt vườn; miệt ruộng; miệt bưng và miệt biển. Miệt vườn là vùng đất trồng cây ăn trái, cho nên, xét về mặt thổ nhưỡng, phần lớn nằm ven những con sông - nơi có phù sa do dòng sông bồi lên. Ðiểm đặc biệt của miệt vườn là chỉ những năm lũ lớn mới ngập, tức tần suất bị ngập rất thấp.
Miệt ruộng được người dân sử dụng đất trồng lúa. Ðặc điểm quan trọng của miệt ruộng là gần như năm nào cũng ngập và nước tràn vô vùng sinh thái này là nước có phù sa. Ðối với miệt bưng, đây là vùng đất gần như ngập quanh năm, tức chỉ năm nào khô hạn kéo dài thì miệt bưng mới bắt đầu khô. Ðặc điểm khác biệt của miệt bưng so với miệt ruộng là nước không có phù sa. Với miệt biển, đây là vùng đất có nguồn nước mặn với nồng độ nhiều hay ít khác nhau. Qua quá trình phát triển, những đặc điểm nêu trên của từng vùng sinh thái ở ÐBSCL đã không còn giữ được như trước đây, mà đã có nhiều thay đổi từ sản xuất đến sinh kế, sinh hoạt của từng vùng.
Trong quy hoạch tích hợp ÐBSCL được công bố vào tháng 2-2022 (Quyết định số 287/QÐ- TTg của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050) về cơ bản cũng chia ÐBSCL thành bốn "miệt", nhưng miệt bưng và ruộng được nhập lại thành một, cho nên, ÐBSCL hiện còn ba vùng sinh thái, gồm vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn. TS Trần Triết - Trường Ðại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, nhận định: "Do phát triển kinh tế nên vùng sinh thái ÐBSCL có nhiều thay đổi. Trong đó, với miệt bưng, vùng sinh thái này phù sa của sông không đến được. Tuy nhiên, khi kênh rạch được đào khá nhiều, nước chứa phù sa đi rất nhanh vào miệt bưng, làm thay đổi vùng sinh thái, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phát triển theo...".
Theo các nhà khoa học, những tác động do biến đổi khí hậu và của con người trong việc xây dựng đập thủy điện tích nước ở thượng nguồn sông MeKong đã tác động rất lớn, làm cho sinh thái, địa mạo vùng ÐBSCL có nhiều thay đổi.
Cần bảo tồn
Theo thống kê, Ðồng Tháp Mười (miệt bưng) là vùng có hệ thống đê bao dài nhất với trên 3.150km đê bao kín và trên 6.880km đê bao lửng. Ðê bao, bờ bao ở ÐBSCL nói chung và Ðồng Tháp Mười nói riêng là công trình đa mục tiêu, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân, cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất 3 vụ lúa trong năm, đồng thời tận dụng công trình kiểm soát lũ để lấy phù sa, thủy sản và vệ sinh đồng ruộng. Tuy nhiên, vào mùa nước lũ, nước thượng nguồn về ít, phù sa giảm, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, môi trường tại khu vực ÐBSCL nói chung và vùng Ðồng Tháp Mười nói riêng.
Theo Ủy ban sông MeKong Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng, các quốc gia trong lưu vực sông MeKong đã và đang đẩy mạnh khai thác và sử dụng tài nguyên nước sông MeKong, đặc biệt là phát triển thủy điện. Ở vùng thượng nguồn sông MeKong, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 11 công trình thủy điện, trong đó có hai hồ đập rất lớn là Tiểu Loan và Nộ Trác Ðộ. Tại vùng hạ lưu sông MeKong, các nước Campuchia, Lào và Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính, trong đó Lào có 7 công trình; Thái Lan và Lào có 2 công trình chung trên biên giới hai nước; Campuchia có 2 công trình. Thực hiện thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận của Ủy hội sông MeKong quốc tế, đến nay Lào đã tiến hành tham vấn trước 5 công trình là Xay-nha-bu-ly, Ðôn Sa-hông, Pắc-Beng, Pắc-Lay và Luông Phra-bang, trong đó 2 công trình Xay-nha-bu-ly và Ðôn Sa-hông đã hoàn thành và đi vào vận hành, công trình Luông Phra-bang đang được triển khai xây dựng; công trình Sa-na-kham đang trong quá trình tham vấn. Ðối với 3 công trình Pắc-Beng, Pắc-Lay và Luông Phra-bang, Ủy hội đã thống nhất được tuyên bố chung về kết quả tham vấn, bao gồm các quan ngại của các quốc gia bị tác động, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác, các kiến nghị về các biện pháp giảm thiểu tác động, các cam kết của Chính phủ Lào và chủ đầu tư về việc xem xét các ý kiến góp ý. Bên cạnh đó, Ủy hội và các quốc gia thành viên cũng xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện các tuyên bố chung trên... Theo kế hoạch, Ủy ban sông MeKong Việt Nam thông báo tới các địa phương tại vùng ÐBSCL về tình hình thực hiện thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận đối với các công trình thủy điện dòng chính sông MeKong, bao gồm tiến độ thực hiện tuyên bố chung của Ủy hội đối với các công trình đã hoàn thành tham vấn, kế hoạch triển khai tham vấn cho các công trình thủy điện của Lào; chương trình giám sát tác động thực tế của các công trình đã đi vào vận hành…
Mới đây, tại hội thảo về tinh hình thực hiện thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận đối với các công trình thủy điện dòng chính sông MeKong, đại diện các tỉnh, thành vùng ÐBSCL, các nhà khoa học có ý kiến tham vấn, đề xuất bảo tồn sinh thái sông MeKong phù hợp quy định của Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông MeKong của các nước. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước phát triển kinh tế cần đảm bảo lợi ích của các quốc gia trên lưu vực sông MeKong, bảo tồn hệ sinh thái dòng sông, vùng ÐBSCL nhằm góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn lương thực quốc gia và thế giới...