|
Gian hàng của Công ty cổ phần Thực phẩm đóng hộp Kiên Giang tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất khẩu tại Vương quốc Campuchia. Ảnh: DIỆP MAI |
Hàng hóa Việt Nam hiện đang chiếm một thị phần tương đối lớn tại Campuchia, đặc biệt là các vùng thành thị. Với lợi thế có cửa khẩu quốc tế đường bộ cách Phnom Penh gần 200km, đường biển nằm trong vịnh Tây Nam ít giông bão, Kiên Giang có vị trí thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường sang Campuchia khi mà 90% hàng hóa tiêu dùng tại Vương quốc Campuchia là hàng nhập khẩu.
* SỨC MUA LỚN
Là đất nước có nền sản xuất chưa phát triển, nên hàng tiêu dùng của Campuchia chủ yếu là nhập khẩu từ các nước: Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam... Các chủng loại hàng Việt Nam được tiêu thụ mạnh nhất tại đây là thực phẩm đóng hộp, dược phẩm và hàng gia dụng. Từ ngày 19 đến 22-9-2008 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang tổ chức cho đoàn doanh nghiệp Kiên Giang tham gia 3 gian hàng trong Hội chợ “Hàng VN chất lượng cao và xuất khẩu tại Vương quốc Campuchia” tại Phnom Penh. Ngoài việc tham gia gian hàng, Trung tâm còn tổ chức cho đoàn khảo sát thị trường ở tỉnh Kampot, TP Sihanuc, Siem Rep và thủ đô Phnom Penh. Mặt hàng tham gia hội chợ gồm: đồ hộp Kifocan, nước mắm Phú Hương, nước mắm Hải Đăng, rượu mỏ quạ Phạm Kha, lưỡi câu mực Hải Đăng. Bên cạnh đó còn trưng bày giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch Kiên Giang.
Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp của Kiên Giang tham gia Hội chợ “Hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất khẩu tại Vương quốc Campuchia”. Hội chợ được tổ chức mỗi năm một lần với qui mô khoảng 500 gian hàng. Dù giá bán nhiều mặt hàng tại Hội chợ cao hơn từ 5070% so với giá bán tại Việt Nam, nhưng sức mua tại đây thường cao hơn so với dự kiến của doanh nghiệp. Hội chợ thu hút rất đông khách tham quan và theo khảo sát của Ban tổ chức hội chợ, có 85% khách đến hội chợ là để mua hàng.
Trong thời gian diễn ra hội chợ, Công ty cổ phần Thực phẩm đóng hộp Kiên Giang đã bán được 42.000 lon đồ hộp Kifocan các loại, đạt doanh thu 185 triệu đồng. Ông Phan Thanh Phong, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm đóng hộp Kiên Giang, cho biết: “Công ty chúng tôi đã ký kết với Công ty Gien-xen (Campuchia) là nhà phân phối độc quyền từ năm 2006 với mức tiêu thụ 4 triệu lon/năm. Mức tiêu thụ năm sau đều tăng so với năm trước”. Sản phẩm nước mắm Phú Hương của Công ty cổ phần Tân Tấn Phát lần đầu tiên trưng bày giới thiệu tại thị trường Campuchia cũng đã được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Chỉ trong buổi tối đầu tiên khai mạc hội chợ, gian hàng của công ty đã bán hết 300 chai nước mắm Phú Hương với giá gấp đôi giá bán tại Việt Nam. Đến khi kết thúc hội chợ, công ty thu dọn gian hàng vẫn có khách đến hỏi mua nước mắm. Qua hội chợ này, Công ty cổ phần Tân Tấn Phát đã tìm được một số đối tác để đặt đại lý tại Campuchia.
* NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý
Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Kiên Giang đang gặp nhiều khó khăn về thị trường. Vì vậy, UBND tỉnh có chủ trương hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp mở rộng thị trường sang một số nước có điều kiện thuận lợi về giao thông như: Campuchia, Thái Lan, Lào... Ông Nguyễn Thiện Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, nói: “Dù đang trong thời điểm gặp khó khăn về ngân sách, nhưng UBND tỉnh vẫn cấp kinh phí và tạo mọi điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất khẩu tại Vương quốc Campuchia, khảo sát và tìm hiểu thị trường Campuchia. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp của tỉnh khai thác thị trường đầy tiềm năng như Campuchia”.
Năm 2006, Hội người Việt tại Campuchia được thành lập và hiện đã có chi nhánh tại 16/24 tỉnh, thành. Đây là tổ chức do Bộ Nội vụ Campuchia cho phép thành lập với sự hỗ trợ của Bộ Thương mại. Hội có chức năng giúp đỡ người Việt đến Campuchia kinh doanh và tạo mối quan hệ cộng đồng người Việt để cùng nhau phát triển. Ngoài việc cung cấp thông tin, giúp đỡ về mặt pháp lý cho người hoạt động kinh doanh, Hội còn giới thiệu lực lượng lao động là con em Việt kiều biết cả tiếng Việt và tiếng Campuchia, rất thuận lợi cho doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh tại thị trường này.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc mở rộng thị trường tại Campuchia. Chẳng hạn như: phần lớn doanh nghiệp chưa có sự hiểu biết sâu về thị hiếu tiêu dùng của người dân địa phương, về qui trình xuất nhập hàng hóa, chi phí vận chuyển...; Mẫu mã và bao bì của một số loại hàng hóa Việt Nam chưa bắt mắt và chưa đáp ứng được yêu cầu về độ chắc chắn của bao bì. Một số hàng hóa Việt Nam xuất sang Campuchia có nhãn in bằng chữ Campuchia khiến người tiêu dùng lầm tưởng là hàng nội địa, nên không quan tâm.
Tính ổn định về chất lượng hàng hóa và giá cả cũng là một điều kiện tiên quyết để hàng Việt Nam đứng vững trên thị trường Campuchia. Hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam bán hàng qua Campuchia theo hình thức “buông đuôi” tại cửa khẩu. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp bị nhái sản phẩm, không kiểm soát được giá cả do đại lý đẩy giá bán lên cao. Ông A. Hêng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Thương mại Campuchia, cho biết: “Hiện chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào là đại diện độc quyền phân phối sản phẩm của Việt Nam hoặc trực tiếp phân phối sản phẩm tại Campuchia, mà phải thông qua các doanh nghiệp địa phương”. Ngoài ra, thuế xuất khẩu quá cao (đơn cử như nước mắm có thuế xuất khẩu 36%) cũng là trở ngại khiến cho doanh nghiệp không mặn mà với việc mở rộng thị trường qua Campuchia.
Campuchia là thị trường đầy tiềm năng để doanh nghiệp Kiên Giang nói riêng và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói chung mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, để phát triển được ở thị trường này, cần phải có sự hỗ trợ của chính quyền về định hướng, tổ chức đầu mối và sự đoàn kết của doanh nghiệp để cùng xây dựng chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm.
DIỆP MAI