05/05/2008 - 09:00

Campuchia muốn trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới

Nông dân Campuchia thu hoạch lúa.

Tờ Thời báo Mekong xuất bản bằng tiếng Anh mới đây dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy sản Campuchia Chan Sarun cho biết nước này hy vọng có thể xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo vào năm 2015, đưa Campuchia trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trước đó, phát biểu trên Đài phát thanh Australia, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Campuchia, ông Yang Saing Koma, nói rằng xứ sở Chùa Tháp còn nhiều tiềm năng để gia tăng sản lượng và hoàn toàn có thể trở thành “đại gia” về xuất khẩu gạo.

Để biến mục tiêu đầy tham vọng đó thành hiện thực, Bộ trưởng Chan Sarun cho biết chính phủ Campuchia sẽ khuyến khích nông dân canh tác 2 hoặc 3 vụ/năm, đồng thời tăng cường phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ cho 3 triệu héc-ta đất nông nghiệp. Giám đốc Yang Saing Koma khẳng định quốc gia Đông Nam Á này có nhiều cánh đồng bạt ngàn chưa khai thác và ông tin rằng nếu làm tốt, trong 4-5 năm tới, sản lượng lúa hàng năm của Campuchia sẽ đạt 10 triệu tấn. Các số liệu thống kê chính thức cho biết sản lượng lúa của Campuchia năm 2007 đạt 6,72 triệu tấn, sau khi tiêu thụ trong nước và dự trữ còn hơn 1 triệu tấn gạo để xuất khẩu.

Theo đặc phái viên của tờ Csmonitor tại Phnom Penh, việc một quốc gia từng bị thiếu đói nghiêm trọng nay trở thành nước dư thừa gạo như Campuchia là một câu chuyện thành công. Men Sarom, giám đốc Viện nghiên cứu nông nghiệp Campuchia, cũng cho rằng đây là một thành tựu quan trọng của nhân dân Campuchia mà phần lớn nhờ ứng dụng mô hình “Cách mạng Xanh”. Năm 1969, sản lượng lúa của Campuchia đạt 4 triệu tấn và được xem là năm bội thu. Đến năm 1980, do hậu quả của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (1975-1978), Campuchia thiếu hụt gạo nghiêm trọng khiến 6 triệu người đứng trên bờ vực chết đói. Bắt đầu từ năm 1987, nhờ sự giúp đỡ của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI, có trụ sở tại Philippines) và chính phủ Australia, Campuchia đầu tư hàng triệu USD để nghiên cứu các loại giống cao sản, cải thiện hệ thống thủy lợi, mở rộng cơ sở hạ tầng và sản xuất phân bón chất lượng cao, đồng thời tập huấn cho 1.300 kỹ thuật viên và nhân viên khuyến nông. Vì thế, đến năm 1997, sản lượng lúa ở nước này trở lại gần bằng năm 1969, tức có thể tự túc lương thực, trong khi chỉ sử dụng một nửa diện tích đất canh tác so với trước đây. Hiện nay, theo các chuyên gia, năng suất lúa tại Campuchia đã tăng từ 1,35 tấn/héc-ta lên 2,5 tấn/héc-ta. Tuy nhiên, theo IRRI, nông dân nước này còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi và chất lượng hạt giống còn thấp. Chẳng hạn, đất nông nghiệp tại Campuchia thường bị cỏ dại tấn công làm sản lượng lúa bị hao hụt 30% và chất lượng giống thấp làm “thất thu” 160.000 tấn lúa/năm. Hiện năng suất lúa của Campuchia chỉ bằng một nửa so với các nước láng giềng Thái Lan và Lào.

PHÚC NGUYÊN

(Theo Xinhua, Radio Australia, Csmonitor)

Chia sẻ bài viết