13/03/2013 - 21:40

Đọc “Thằng bé nghịch cát”

Cảm nhận tình người tình quê

 

Tập truyện ngắn “Thằng bé nghịch cát” của nhà văn Ngọc Bái với nhiều câu chuyện nhỏ xoay quanh cuộc sống, con người ở làng Vạn Lâu của nhân vật xưng “tôi”. Từng trang sách là tình yêu quê hương và lòng tự hào về những người sống xung quanh của một đứa trẻ…
Sách do NXB Dân Trí phát hành quý III năm 2012.

Nhân vật xưng “tôi” trong “Thằng bé nghịch cát” là một đứa trẻ mồ côi mẹ, cha đi kháng chiến, sống trong sự bảo bọc, che chở của ông bà nội và những người làng Vạn Lâu. Làng Vạn Lâu nghèo khó, người làng bao đời cơ cực với nghề chài lưới và những đứa trẻ quanh năm chỉ biết ăn cơm độn khoai, độn bắp, hàng ngày dậy sớm bơi qua sông bằng bè mảng để đến trường... nhưng vẫn là “cả một thế giới tuổi thơ tuyệt vời nhất” với cậu bé.

Những câu chuyện của “Thằng bé nghịch cát” vẽ lên bức tranh đồng quê mộc mạc mà kiên cường. Làng có phố Nhà Tằm - một rẻo đất ven sông với vài chục nóc nhà làm nghề nuôi tằm lấy tơ. Đến ngày nắng, người ta phơi tơ tằm vàng óng rực lên một khoảng đồi và bọn trẻ con chờ đợi nhất là đến mùa hội được xem thi kéo co, đấu võ, đánh đáo, đánh quay… Làng Vạn Lâu còn có xóm Bến đò với các chị, các bác lái đò đêm đêm âm thầm đưa các anh bộ đội, du kích qua sông; có ba cây gạo “hoa nở đỏ rực như muôn ngàn ngọn đuốc” thu hút đàn chim về trú ngụ và bao lần che chở người dân trước những trận mưa bom khốc liệt của địch…

Đọc truyện, cảm nhận được ở làng Vạn Lâu, người dân tuy nghèo nhưng phóng khoáng, nặng tình. Dân làng Vạn Lâu đã cho cơm, cho gạo, giúp đỡ những người dân tản cư rách rưới, đói lả trôi dạt đến làng. Nhiều người lớn là niềm tự hào của những đứa trẻ. Đó là chú Chi đầy mưu trí suýt nữa đã nhấn chìm bọn Nhật trên dòng sông, là bác Tùng với những câu chuyện thú vị, sôi nổi về những trận đánh Tây, là các anh chị du kích dũng cảm chống càn, là anh Trúc, chị Hiền xung phong ra mặt trận, hay bố của “tôi” lên đường đi chiến dịch biên giới để đánh cho địch tan tác mới trở về… 

Nếp sống, cách nghĩ của người Vạn Lâu đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ trẻ của nhân vật tôi và những đứa trẻ làng, giúp chúng sống tốt và biết yêu thương, đỡ đần nhau. Dù nghèo khó, lam lũ và trong cảnh chiến tranh khốc liệt nhưng bọn trẻ vẫn siêng năng đến trường, sống hồn nhiên đúng nghĩa với tuổi thơ. Niềm vui của bọn trẻ là sau khi tan học được nhảy ùm xuống dòng sông mát lạnh, rồi ngồi bên đống lửa “phù phì vừa thổi vừa ăn sắn nướng”, hay đi tát cá ở những mảnh ruộng trũng, đi đào con dúi dưới những gốc cây lau…

Cách kể chuyện tự nhiên, dễ hiểu và thấu hiểu cuộc sống nơi làng quê, đặc biệt là tâm lý của trẻ con của nhà văn Ngọc Bái làm cho từng câu chuyện nhỏ trong “Thằng bé nghịch cát” trở nên gần gũi và hết sức dễ thương, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn thơ trẻ, khơi nguồn yêu thương, gắn bó với mảnh đất mình được sinh ra.

Thảo Yên

Chia sẻ bài viết