12/12/2012 - 21:36

Đọc “Thị trấn Tortilla Flat”

Cảm nhận sâu sắc với phận người dị chủng

"Thị trấn Totilla Flat" khiến độc giả khó rời mắt khỏi trang sách bởi câu chuyện thú vị về các chàng trai ngang tàng, lãng tử nhưng giàu lòng thương người… Tiểu thuyết của nhà văn Jonhn Steineck, Lâm Vũ Thao dịch, NXB Trẻ phát hành quý IV năm 2012.

 

"Tiểu thuyết lấy bối cảnh một thị trấn nhỏ ở thành phố Monterey miền duyên hải California trong Chiến tranh thế giới thứ II. Mở đầu câu chuyện là Danny cùng 2 người bạn tên Pilon, Joe Voi sau khi nhấm nháp rượu vang đã khoác vai nhau đi xuống một trạm đăng lính. Sau khi trả lời vài câu chất vấn "không đầu không đuôi" của một viên trung sĩ, cả ba anh chàng bị "túm" vào quân đội. Danny có nhiệm vụ huấn luyện đàn la, còn Pilon và Joe Voi vào bộ binh. Sau giải ngũ là cuộc sống của Danny và các bạn tại thị trấn Tortilla Flat…

"Thị trấn Tortilla Flat" vẽ nên một bức tranh khá hoàn chỉnh về cuộc sống của những người paisano trên đất Mỹ, mà đại diện là Danny và những người bạn của anh. Mỗi người một cá tính, sở thích khác nhau nhưng họ có điểm chung nhất là: "paisano là những người da nâu, là hậu duệ của người Tây Ban Nha đầu tiên đến định cư ở Monterey vào năm 1770… Họ không được trải nghiệm nền giáo dục chính thức và thường thất nghiệp hoặc chỉ được giao làm những việc phổ thông nhất…" (trang 17). Họ không quan trọng chuyện giàu hèn, địa vị mà cuộc sống hạnh phúc chỉ đơn giản là:"… thức dậy vào buổi trưa, khi mặt trời đã lên cao…các bạn và các huynh tiếp tục cuộc phiêu lưu tình ái, tiếp tục những việc làm thiện tâm vì những người cùng quẫn, tích cóp mua chân nến vàng để dâng Thánh Francis, quan trọng nhất là tìm cách xoay xở để đến quán của lão Torrelli mua một ga-long rượu mà say sưa" (trang 9). Cuộc sống của Danny và bạn anh có vẻ đi ngược chiều với các phép tắc của thế giới hiện đại, vẻ ngoài tiện nghi, kiểu cách ở phố Monterey.

Nhiều lúc người đọc bật cười vì sự hài hước và cách xử sự láu lỉnh của Danny và bạn bè anh. Họ không ngại "ăn miếng trả miếng" đối với những kẻ khó ưa và không mấy thân thiện. Tuy xã hội luôn tỏ ra xa lạ với người paisano nhưng điều đáng trân trọng là Danny và bạn bè anh vẫn sống chân thành, hết mình. Dù không dư dã nhưng Danny và Pinlo, Jesus Maria, Pablo vẫn sẵn sàng "nhường cơm sẻ áo" với người nghèo khó. Cả nhóm đã chia sẻ thức ăn, cho tiền cậu thanh niên "Cướp Biển" sống trong một chuồng gà bỏ hoang; bảo bọc một thanh niên chết vợ, nuôi con nhỏ đang sống lang thang. Danny và bạn bè cũng sẵn sàng "ra tay" trộm tài sản của bọn nhà giàu để giúp đỡ những cảnh đời cơ cực. Kế hoạch trộm cá, rau diếp, đậu, sữa… cho một gia đình có những đứa trẻ rách rưới, gầy guộc có vẻ đi ngược lại quy tắc đạo đức xã hội, nhưng toát lên sự đồng cảm cho cùng một kiếp người trong xã hội tồn tại sự phân biệt chủng tộc, giàu nghèo.

Đọc " Thị trấn Tortilla Flat" cảm nhận được sự thấu hiểu sâu sắc của nhà văn John Steinbeck về thân phận của người dị chủng: người paisano dù bị xã hội e dè, ngần ngại nhưng họ vẫn sống đẹp và chân thành

Thảo Yên

Chia sẻ bài viết