30/01/2011 - 10:41

Cam go cuộc chiến chống cướp biển Somalie

Kỳ cuối: THẾ GIỚI SẼ MẠNH TAY VỚI HẢI TẶC SOMALIE

Trước sự lộng hành của hải tặc ở ngoài khơi bờ biển Somalie trong thời gian qua, Liên Hiệp Quốc và các nước phải khẩn trương hành động, từ việc truy lùng các tên trùm chỉ huy bọn cướp biển, đề ra những luật định mới cho đến lập tòa án và xây dựng nhà tù chuyên xét xử và giam giữ hải tặc. Đó là những biện pháp vừa được trình bày tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 25-1 và nhận được sự ủng hộ của tất cả đại sứ 15 nước thành viên.

Khoảng 90% nghi can hải tặc được trả tự do mà không bị buộc tội. Ảnh: EPA

Theo ông Jack Liang, cố vấn đặc biệt về chống cướp biển của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon, cuộc đối đầu giữa cướp biển Somalie và cộng đồng thế giới trong thời gian qua cho thấy hải tặc có phần lấn lướt. Cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp cũng cảnh báo hải tặc đang bắt tay ngày càng chặt với các phần tử khủng bố ở Somalie có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda. Muốn dẹp nạn cướp đang làm kiệt quệ nền kinh tế Somalie và khu vực Đông Phi, và khiến thế giới mỗi năm thiệt hại 7-12 tỉ USD, Jack Liang cho rằng trước hết cộng đồng quốc tế phải ráo riết truy lùng những tên đầu sỏ đứng sau các vụ cướp tàu thuyền trên Ấn Độ Dương.

“Đến nay thế giới vẫn chưa “sờ” tới những thành phần chốp bu của hải tặc Somalie. Có khoảng hàng chục tên trùm như thế và chúng tôi đã nắm được danh tính của chúng”, ông Liang báo cáo tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ tại New York (Mỹ). Ông cho rằng LHQ cũng cần áp đặt lệnh trừng phạt đối với những cá nhân liên quan đến đường dây chỉ huy - bắt cóc - thương lượng - nhận tiền chuộc - rửa tiền chuộc. Lâu nay hải tặc Somalie đã trở thành chuyên gia rửa tiền trong các dự án đầu tư bất động sản ở nước ngoài và những kẻ này phải bị đưa ra trước vành móng ngựa. Một hội nghị quốc tế nhằm bàn các biện pháp truy thu nguồn tiền của cướp biển Somalie dự kiến sẽ được tổ chức tại Washington vào ngày 1-3 tới.

Tại cuộc họp, ông Liang và các chuyên gia kêu gọi thế giới chi 25 triệu USD để thành lập 3 tòa án xét xử hải tặc ở Puntland và Somaliland - hai khu vực tự trị ở Somalie, và ở Tanzania. Các tòa án đặc biệt này sẽ hoạt động theo luật pháp Somalie. Ngoài ra, cố vấn của Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng đề xuất thành lập 3 nhà tù tại Puntland, Somaliland và Tanzania với sức chứa mỗi nơi 500 phạm nhân. Theo thống kê của LHQ, 90% nghi can cướp biển sau khi bị bắt đã được trả tự do vì không có đủ nơi để xét xử chúng. Hiện nay, ước tính có khoảng 1.500 tên cướp biển đang “làm ăn” trên các tuyến đường biển ở châu Phi và hàng trăm hải tặc Somalie đang bị giam giữ ở các nhà tù thuộc 13 quốc gia trên thế giới.

Trước giờ, do đất nước Somalie triền miên nội chiến chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh nên nước láng giềng Kenya và đảo quốc Seychelles trên Ấn Độ Dương được cộng đồng thế giới nhờ đứng ra xét xử hàng chục tên hải tặc do các lực lượng hải quân nước ngoài giao nộp. Nhưng hai nước này cho biết họ không thể kham nổi nếu đảm nhận xét xử tất cả cướp biển Somalie bị bắt giữ. Tuy nhiên, Malaysia và Hàn Quốc mới đây tuyên bố sẽ đứng ra qui tội 12 tên cướp biển mà họ bắt được (Malaysia bắt được 7 và Hàn Quốc bắt được 5) trong chiến dịch giải cứu con tin vào tuần trước. Theo đề xuất của ông Liang, tất cả các nước nên đưa cướp biển vào danh sách các tội hình sự và nên có luật quốc tế chung về loại tội phạm này. Nói cách khác, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể khởi tố và xét xử cướp biển bất kể quốc tịch cũng như địa điểm chúng ra tay hành động.

Báo cáo của ông Liang, được tổng hợp từ ý kiến đề xuất của 50 quốc gia, tổ chức quốc tế, công ty tư nhân và viện nghiên cứu trên thế giới - cũng kêu gọi lực lượng hải quân quốc tế hoạt động trên Ấn Độ Dương nên tuần tra sát “tổng hành dinh” dọc theo bờ biển Somalie của hải tặc. Thống kê của Cục Hàng hải quốc tế tại Luân Đôn (Anh) cho thấy số vụ tấn công ở Vịnh Aden gần kênh đào Suez trong năm 2010 giảm hơn 50% còn 53 vụ so với 117 vụ của năm 2009. Đó là nhờ các tàu chiến quốc tế tăng cường tuần tra khu vực này. Song song đó, để giải quyết tận gốc vấn đề cướp biển Somalie, ông Liang cho rằng các nước nên đề ra các sáng kiến nhằm tạo công ăn việc làm cho thanh niên Somalie, bởi nghèo đói chính là căn nguyên đưa đẩy họ cầm súng ra biển cướp tàu.

Theo AFP, tại cuộc họp ngày 25-1, đại sứ Mỹ Susan Rice và các thành viên khác trong Hội đồng Bản an LHQ đều bày tỏ sự ủng hộ đối với những đề xuất của ông Liang. Được biết, Hội đồng Bảo an đã có kế hoạch thông qua dự thảo nghị quyết để thực thi những giải pháp chống cướp biển vừa kể.

LONG CHÂU
(Theo UN.org, Telegraph, Reuters, AFP, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết