28/01/2011 - 09:36

Cam go cuộc chiến chống cướp biển Somalie

Kỳ 1: ĐÁNH BẠI CƯỚP BIỂN NHỜ CÔNG NGHỆ CAO

Cuối tuần qua, hải quân Hàn Quốc và Malaysia đã gây tiếng vang với việc triển khai lực lượng đặc công giải cứu tất cả con tin, tiêu diệt và bắt sống hải tặc Somalie. Hai cuộc tấn công vào ngày 21-1 cho thấy một số quốc gia đang chủ trương mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống cướp biển Somalie đang ngày càng lộng hành ở ngoài khơi bờ biển phía Đông châu Phi. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy cuộc chiến này vốn đã khó khăn sẽ ngày càng cam go hơn, vì không loại trừ khả năng bọn cướp biển sẽ đáp trả bằng đòn độc như dùng con tin làm lá chắn sống.

Trong hai cuộc giải cứu tuần qua, chiến dịch của hải quân Hàn Quốc được các chuyên gia đánh giá là khá mạo hiểm. Và theo tiết lộ của giới chức quân sự xứ Hàn, họ táo bạo vì ngoài chiến thuật tác chiến được hoạch định tỉ mỉ còn có sự yểm trợ của trang thiết bị công nghệ cao.

Trước Hàn Quốc và Malaysia, một số nước từng triển khai chiến dịch giải cứu tàu thuyền bị cướp biển Somalie khống chế trong vòng vài giờ sau vụ cướp hoặc sau khi xác định chắc chắn rằng các con tin được nhốt trong khoang an toàn. Malaysia đã áp dụng phương pháp này, theo đó chiến dịch giải cứu được triển khai ngay sau khi cướp biển tấn công tàu của họ và sau khi các thủ thủy được đưa vào khoang an toàn. Kết quả: tất cả 23 thuyền viên được giải cứu, không ai bị thương và 7 tên cướp biển bị tóm gọn. Trong khi đó, cuộc tấn công của lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển Hàn Quốc diễn ra một tuần sau khi tàu Samho Jewelry bị bắt giữ. Người ta không rõ có thủy thủ nào được đưa vào khoang an toàn hay không nhưng rõ ràng thuyền trưởng - người duy nhất trúng đạn của hải tặc trong quá trình giải cứu - vẫn ở trên boong tàu.

Lực lượng đặc công của hải quân Hàn Quốc đột nhập lên tàu bị cướp. Ảnh: Reuters 

Thời báo Hàn Quốc hôm 24-1 cho biết, thiết bị công nghệ cao kết hợp với chiến thuật giải cứu được hoạch định kỹ càng đã giúp hải quân nước này đánh bại hải tặc và giải cứu tất cả 21 con tin trong cuộc vây ráp được các nhà quan sát cho là “rất táo bạo”. Khi lực lượng biệt kích gồm 15 người đặt chân lên tàu Samho Jewelry vào tờ mờ sáng, giới chức quân sự tại Hàn Quốc đã theo dõi mọi bước đi của họ thông qua hệ thống camera từ xa, video không dây và ghi âm giọng nói ẩn trên mũ và súng của lính đặc công. Trước đó, để giúp hải quân định vị tàu bị cướp, giới chức quốc phòng tại Seoul đã gửi hình ảnh một con tàu có kiểu dáng tương tự cho tàu khu trục Choi Young đóng trên Ấn Độ Dương.

“Với những hình ảnh được truyền về từ hệ thống camera, giới chức quân sự ở Seoul và các trung tâm chỉ huy của hải quân trên khắp Hàn Quốc đều có thể nắm diễn biến trên tàu theo thời gian thực và chỉ đạo trực tiếp lực lượng tác chiến”, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiết lộ. Trong khi đó, theo tờ JoongAng Ilbo, để ngăn cướp biển trên tàu liên lạc với đồng bọn, đội giải cứu trước đó đã làm nhiễu sóng radar và tần số sóng vô tuyến của chúng. Cách này được xem tiện cả đôi đường bởi nó còn khiến hải tặc không thể phát hiện trực thăng yểm trợ trên không cũng như các tàu tốc độ cao đang tiến gần đến tàu. Ngoài ra, hệ thống liên lạc LRAD - một công nghệ tương đối mới thỉnh thoảng được dùng để giải tán người biểu tình ở các thành phố - trên tàu Choi Young được cho đã góp phần giảm thiểu thương vong cho các con tin, bởi lực lượng chỉ huy có thể hướng dẫn họ những nơi trốn núp an toàn trong quá trình giải cứu.

Cuối cùng, thành công của hải quân Hàn Quốc còn phải kể đến sự trợ giúp của máy bay trinh sát P-3C của Mỹ - giúp lực lượng tác chiến xác định vị trí của từng tên hải tặc trên tàu.

LONG CHÂU (Theo AP, China Daily, AFP, Korea Times)

Chạy đua phát triển công nghệ cao chống cướp biển

Để đối phó với nạn cướp biển đang gia tăng trên thế giới, đặc biệt là vùng biển ngoài khơi Somalie, nhiều nước đang phát triển công nghệ chống hải tặc nhằm trang bị cho các tàu chở hàng đi qua những cung đường luôn có hải tặc rình rập.
Ngay sau vụ hải quân Hàn Quốc giải cứu thành công 21 thủy thủ cùng tàu chở hàng trọng tải 11.500 tấn, Samsung Heavy Industries - tập đoàn đóng tàu lớn thứ 3 của nước này - loan báo đã phát triển được giải pháp chống cướp biển không những có thể nhận dạng mà còn có khả năng đuổi những tàu tình nghi là của hải tặc. Ngoài chức năng phân tích tốc độ và hướng chạy của tàu thuyền, công nghệ của Samsung còn có thể giám sát, ghi hình các tàu khả nghi trong bán kính 10 km. Trong tương lai, các tàu do Samsung xuất xưởng sẽ được trang bị công nghệ này.

Hôm 20-1, Trung Quốc hạ thủy một tàu chở hàng trọng tải 50.000 tấn có khả năng chống cướp biển nhờ được trang bị hệ thống lá chắn chống đạn và 5.500 điểm báo động cướp biển tự động trên tàu. Theo báo chí Trung Quốc, Xiang Yun Kou là một trong vài tàu chở hàng lớn được trang bị công nghệ chống cướp biển tối tân nhất hiện nay trên thế giới. Nhà sản xuất đã nhận được rất nhiều đơn hàng đóng tàu này.

Trước đó, tập đoàn quốc phòng BAE của Anh tuyên bố đang chế loại súng laser có thể vô hiệu hóa bọn cướp biển từ xa hoặc ngay khi chúng leo lên tàu. Vũ khí này có tác dụng làm vô hiệu hóa mục tiêu trong phạm vi 2 km nhưng không gây sát thương, khiến hải tặc bị mất khả năng định hướng, quan sát và nhắm bắn. Kết quả thử nghiệm bước đầu cho thấy súng laser có thể phối hợp với radar tần số cao, vốn có thể phát hiện tàu thuyền cao tốc mà hải tặc Somalie thường sử dụng.

L.C (Theo Korea Times, People Daily, Telegraph)

(Kỳ 2: Hải tặc Somalie ngày càng coi trời bằng vung)

Chia sẻ bài viết