Cùng với việc không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả các hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát chuyên đề, chuẩn bị kỳ họp hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh…, những năm qua, nhiều tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Cửu Long chú trọng đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục, phương thức tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND định kỳ. Ở nhiều kỳ họp, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã trở thành diễn đàn đối thoại, tranh luận trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm; tác động mạnh mẽ đến cơ quan chức năng trong việc ban hành và thực thi các quyết sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 18 Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa IX_Ảnh: TTXVN
Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những hoạt động quan trọng, nổi bật tại các kỳ họp HĐND các cấp, luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân địa phương. Hoạt động này không chỉ thể hiện chức năng giám sát của HĐND mà còn là dịp để HĐND thu thập thông tin, phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều hành, quản lý, qua đó cùng với ủy ban nhân dân (UBND) và các cơ quan có liên quan tìm giải pháp tháo gỡ, khắc phục nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Xét trong mối quan hệ cử tri - đại biểu HĐND - cơ quan quản lý nhà nước địa phương, mục đích quan trọng, đồng thời cũng là cơ sở để đánh giá hiệu quả mà hoạt động chất vấn - trả lời chất vấn đem lại, chính là việc thông qua đó tìm ra những giải pháp để giải quyết những vấn đề mà đông đảo cử tri, người dân, đại biểu HĐND bức xúc, quan tâm; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cử tri, nhân dân vào chính quyền, vào cơ quan dân cử; tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại địa phương.
Với nhận thức đó, thời gian gần đây, tại các kỳ họp HĐND ở nhiều tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Cửu Long, quy trình, thủ tục, phương thức thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được cải tiến, đổi mới theo hướng thực chất, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người chất vấn và người trả lời chất vấn trước cử tri và nhân dân.
Đưa hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đi vào chiều sâu, thiết thực
Ở thành phố Cần Thơ, tại các kỳ họp thường lệ, HĐND thành phố đều dành khoảng 1/3 thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đặc biệt, từ kỳ họp thứ 10 cuối năm 2018, Thường trực HĐND thành phố không lựa chọn nhóm vấn đề để chất vấn và thông báo trước cho người phải trả lời chất vấn như trước đây, mà đại biểu dự kỳ họp có thể chất vấn tất cả các đối tượng thuộc diện phải trả lời chất vấn theo luật định. Không chỉ đặt câu hỏi chất vấn, trong những kỳ họp HĐND thành phố gần đây, nhiều đại biểu đã tăng cường truy vấn người trả lời chất vấn về những vấn đề trả lời chưa rõ, chưa đạt yêu cầu. Đến cuối kỳ họp, HĐND thành phố ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp; chỉ đạo Văn phòng HĐND thành phố tổng hợp những nội dung chưa được trả lời, trả lời chưa đầy đủ hoặc đại biểu chưa kịp hỏi tại phiên chất vấn và gửi đến Thường trực UBND thành phố, giám đốc sở, thủ trưởng ngành được chất vấn để xem xét, trả lời bằng văn bản. Đây là cơ sở để đại biểu HĐND, cử tri thành phố giám sát việc thực hiện lời hứa, những cam kết của các giám đốc sở, thủ trưởng ngành khi trả lời chất vấn.
Ở tỉnh Long An, khoảng 2 tuần trước mỗi kỳ họp HĐND, trên cơ sở các cuộc tiếp xúc cử tri, thông tin trên báo chí, dư luận xã hội, các cuộc khảo sát của các ban HĐND, nghiên cứu các báo cáo về kinh tế - xã hội của UBND cùng cấp…, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì họp với các ban và Văn phòng HĐND tỉnh, chọn nhóm vấn đề mà đông đảo cử tri đang bức xúc để chất vấn tại kỳ họp. Sau đó, Thường trực HĐND tỉnh gửi văn bản đến từng tổ đại biểu và đại biểu HĐND để thu thập thêm thông tin phục vụ cho việc đặt câu hỏi chất vấn; đồng thời đề nghị tổ đại biểu HĐND bàn bạc thống nhất để chọn nội dung và phân công thành viên trong tổ đặt câu hỏi chất vấn tại kỳ họp. Cách làm này vừa bảo đảm tính luân phiên tham gia chất vấn, vừa thể hiện được tinh thần trách nhiệm của từng đại biểu HĐND trước cử tri. Thường trực HĐND tỉnh cũng khuyến khích các đại biểu HĐND chủ động quay video, thực hiện các đoạn phóng sự ngắn phát kèm theo câu hỏi chất vấn nhằm tăng tính thuyết phục, tính xác đáng đối với vấn đề nêu ra chất vấn tại kỳ họp. Ngay sau khi kết thúc mỗi nhóm vấn đề chất vấn, chủ tọa kỳ họp đều có kết luận rõ ràng về những việc mà các sở, ngành có liên quan cần tổ chức triển khai thực hiện, nhằm sớm khắc phục hạn chế, thiếu sót, với yêu cầu cụ thể về thời gian, lộ trình hoàn thành.
Chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trước kỳ họp khoảng 1 tháng, Thường trực HĐND tỉnh Bến Tre gửi văn bản đến các đại biểu HĐND đề nghị tham gia đặt câu hỏi chất vấn về những vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương mà đông đảo cử tri, dư luận xã hội đang quan tâm. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn, quyết định nhóm vấn đề và bố trí thời gian hợp lý để việc chất vấn, trả lời chất vấn, truy vấn được lôgíc, liền mạch. Từ kỳ họp cuối năm 2018, tham khảo kinh nghiệm từ phiên chất vấn - trả lời chất vấn trước đó của Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh cho phép đại biểu HĐND tỉnh không gửi trước câu hỏi chất vấn mà chỉ đăng ký với Thường trực HĐND tỉnh về người được chất vấn và lĩnh vực sẽ chất vấn; câu hỏi chất vấn cụ thể sẽ được đại biểu trình bày tại hội trường. Cách làm này giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh; đòi hỏi người trả lời chất vấn phải nắm bắt toàn diện và sâu sát các vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý của mình để trả lời tốt các câu hỏi chất vấn. Mặt khác, cũng góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động giám sát trực tiếp tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Tại mỗi kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh Tiền Giang dành từ 2 đến 3 buổi để tiến hành nội dung giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn từ 10 nội dung trở lên, hầu hết là những vấn đề nóng bỏng, bức xúc, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Để chất lượng trả lời chất vấn được bảo đảm, các nội dung chất vấn được Thường trực HĐND tỉnh chuyển trước đến những người đứng đầu, những người có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trả lời chất vấn để chuẩn bị. Tại phiên chất vấn (luôn được phát thanh, truyền hình trực tiếp), với sự điều hành linh hoạt, chủ tọa kỳ họp đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành trả lời chất vấn thẳng thắn, đúng trọng tâm những câu hỏi chất vấn, truy vấn của đại biểu HĐND, không vòng vo, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; trên cơ sở đó đề ra những giải pháp khả thi và xác định lộ trình, thời gian để giải quyết từng vấn đề cụ thể. Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp để làm cơ sở giám sát việc thực hiện lời hứa và cam kết của những người đứng đầu, những người có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đã trả lời chất vấn.
Nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang khóa IX_Ảnh: TTXVN
Tuy đã có nhiều đổi mới, cải tiến trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhưng nhìn chung, qua khảo sát tại nhiều kỳ họp HĐND ở một số tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể là:
Vẫn còn những đại biểu HĐND không có nhiều thông tin, chưa nắm chắc những thông tin liên quan đến vấn đề chất vấn. Một số ít đại biểu do hạn chế về kiến thức pháp luật, kỹ năng phản biện, năng lực hoạt động,… nên ngại chất vấn. Một số đại biểu đang công tác trong các cơ quan hành chính nhà nước cũng ít chất vấn, ít tham gia truy vấn vì mang nặng tâm lý nể nang, né tránh, ngại đụng chạm,… Trong nhiều phiên chất vấn và trả lời chất vấn, một số câu hỏi của người chất vấn, câu trả lời của người được chất vấn còn mang tính chung chung, chưa rõ ràng, chưa đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, vẫn còn những câu hỏi mang tính chất hỏi cho biết thông tin, chưa truy vấn trách nhiệm của người trả lời chất vấn; chưa đáp ứng được sự mong đợi, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
Một số người đứng đầu cơ quan nhà nước địa phương khi trả lời chất vấn còn vòng vo, dài dòng; chưa nắm bắt đầy đủ những vấn đề, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình; chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân; chưa đi vào trọng tâm hoặc né tránh vấn đề bức xúc mà cử tri, người dân, đại biểu HĐND đặt ra cần giải quyết; có trường hợp không giữ được bình tĩnh khi đại biểu HĐND truy vấn.
Tại một số kỳ họp, thường trực HĐND tỉnh chưa thực hiện tốt việc khuyến khích các ban HĐND, các tổ đại biểu thực hiện chất vấn chuyên đề dựa trên các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của các đoàn giám sát HĐND tỉnh, các ban HĐND, các tổ đại biểu. Do vậy, một số đại biểu thiếu thông tin để chất vấn, chưa tự tin khi chất vấn, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động chất vấn.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, các bất cập, hạn chế còn tồn tại trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh, thành phố ở Vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, có thể rút ra một số vấn đề cần chú trọng và tiếp tục cải tiến, đổi mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới:
Một là, công tác chuẩn bị cho các phiên chất vấn và trả lời chất vấn phải được chủ động thực hiện sớm trước mỗi kỳ họp HĐND trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ giữa thường trực HĐND, các ban của HĐND, văn phòng HĐND với UBND cùng cấp. Việc lựa chọn chủ đề, nội dung chất vấn cần được chuẩn bị kỹ, tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp; qua thu thập thông tin từ các cuộc khảo sát, giám sát của các ban HĐND, từ kiến nghị của cử tri, thông tin của báo chí, dư luận xã hội,… Trên cơ sở đó, việc đặt câu hỏi chất vấn, truy vấn của đại biểu HĐND cần ngắn gọn, thiết thực, đúng trọng tâm, trọng điểm, thể hiện đúng trách nhiệm trước cử tri và nhân dân.
Hai là, nâng cao kỹ năng, năng lực điều hành của chủ tọa kỳ họp trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tọa phải lựa chọn, xác định đúng nhóm vấn đề cần tập trung chất vấn; có cách điều hành linh hoạt, khoa học, mềm dẻo, biết gợi mở các nội dung có liên quan đến nhóm vấn đề cần tập trung chất vấn. Bên cạnh đó, việc bảo đảm tính kiên quyết khi xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình chất vấn, truy vấn của chủ tọa kỳ họp sẽ tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm của người chất vấn và trả lời chất vấn; giúp đại biểu HĐND tâm huyết, tự tin chọn ra được những vấn đề mà cử tri đang quan tâm để chất vấn, yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành làm rõ.
Ba là, khi thực hiện chất vấn, đại biểu HĐND phải xác định là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, đang cùng các cơ quan quản lý nhà nước tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề bức xúc, mang lại lợi ích cho nhân dân, cho sự phát triển chung của địa phương. Điều đó đòi hỏi người chất vấn phải chú trọng rèn luyện tư duy phản biện khoa học và các kỹ năng cần thiết cho hoạt động chất vấn; sâu sát thực tiễn; nắm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết của từng ngành, từng cấp để đặt câu hỏi đúng địa chỉ, rõ ràng, cụ thể; sẵn sàng tái chất vấn, tranh luận với tinh thần theo đến cùng để làm rõ các vấn đề như: trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp khắc phục, thời gian khắc phục,...
Bốn là, người trả lời chất vấn - thủ trưởng các sở, ngành - phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân trước đại biểu HĐND, tập thể HĐND và cử tri đối với vấn đề được chất vấn. Trả lời chất vấn phải ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề được chất vấn, không vòng vo, dài dòng, tránh né, kể lể thành tích, phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể; từ đó nêu giải pháp chấn chỉnh, khắc phục với lộ trình cụ thể và nhất là phải thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo triển khai thực hiện các cam kết sau chất vấn. Người trả lời chất vấn (cũng như người chất vấn) phải luôn thể hiện tinh thần đối thoại, cầu thị, tôn trọng lẫn nhau, đề cao tinh thần trách nhiệm trước HĐND, cử tri và nhân dân địa phương.
Năm là, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh, thành phố chỉ đạo, phân công các ban HĐND, văn phòng HĐND theo dõi, đôn đốc, tổ chức giám sát việc thực hiện các “cam kết”, “lời hứa” của đại diện thường trực UBND tỉnh, thành phố, người đứng đầu các sở, ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh, thành phố và các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận sau chất vấn. Việc đôn đốc cần được thực hiện bằng nhiều hình thức, bằng văn bản, bằng kiểm tra thực tế và cần được theo dõi, giám sát cho đến khi có kết quả cụ thể. Trong trường hợp cần thiết, thường trực HĐND tỉnh, thành phố nên tổ chức hội nghị chất vấn việc thực hiện lời hứa - giải trình của UBND tỉnh, thành phố và thành viên UBND.
Sáu là, bên cạnh hoạt động chất vấn tại kỳ họp thường kỳ HĐND, cần tăng cường hoạt động chất vấn tại phiên họp thường trực HĐND tỉnh, thành phố theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hoạt động này căn cứ vào phiếu đề nghị chất vấn của đại biểu HĐND, ý kiến phản ánh của cử tri về những vấn đề bức xúc ở địa phương. Trên cơ sở đó, thường trực HĐND tỉnh, thành phố quyết định vấn đề chất vấn, người được chất vấn, thời gian chất vấn. Để hoạt động chất vấn tại phiên họp thường trực HĐND đạt hiệu quả cao, nội dung chất vấn phải được mở rộng và đại biểu HĐND phải dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND.
Bảy là, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp là văn bản có giá trị pháp lý mang tính bắt buộc, đòi hỏi các chủ thể trả lời chất vấn phải thực hiện nghiêm túc các lời hứa, cam kết của mình. Nghị quyết này phải thể hiện đầy đủ nội dung của phiên chất vấn; đánh giá được kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người trả lời chất vấn; những hạn chế, bất cập và nguyên nhân liên quan đến vấn đề chất vấn; thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập; trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân; trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn. Trên cơ sở đó, thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu, đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nghị quyết.
Tám là, sử dụng có hiệu quả vai trò của báo chí, truyền thông và tạo điều kiện để cử tri, nhân dân cùng tham gia giám sát hoạt động chất vấn - trả lời chất vấn. Bên cạnh việc truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên chất vấn, thường trực HĐND tỉnh, thành phố cần đặt hàng các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các bài viết liên quan về các nội dung cần chất vấn; thông tin những ý kiến, đánh giá, nhận xét, yêu cầu của cử tri và nhân dân về vấn đề cần chất vấn cũng như chất lượng phiên chất vấn - trả lời chất vấn. Toàn bộ các văn bản, tài liệu, các nội dung trả lời chất vấn cần đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử đại biểu nhân dân tỉnh, thành phố để cử tri và nhân dân địa phương dễ dàng tiếp cận, kịp thời theo dõi, giám sát.
Theo Tạp chí Cộng sản