17/08/2016 - 10:18

Cải thiện sức khỏe cộng đồng bằng điện thoại di động và mạng xã hội

Thời gian qua, một số nơi trên thế giới đã tận dụng lợi thế của các công nghệ truyền thông và mạng xã hội để cải thiện sức khỏe cộng đồng, bước đầu mang lại nhiều kết quả khả quan.

Dùng tin nhắn giúp ngăn ngừa tiểu đường tại Ấn Độ

Gửi tin nhắn 2 lần/tuần đến 1 triệu người Ấn Độ để khuyên tập thể dục, ít ăn chất béo, ăn nhiều trái cây và rau củ đã giúp họ cải thiện đáng kể các hành vi lành mạnh phòng chống bệnh tiểu đường. Đó là kết quả nghiên cứu vừa công bố của Đại học Northwestern và tổ chức y tế phi lợi nhuận Arogya World ở Mỹ.

Nhắn tin được xem là phương pháp hữu hiệu giúp cải thiện sức khỏe người dân.
 

Ấn Độ hiện có đến 66 triệu dân đang sống chung với bệnh tiểu đường, với khoảng 1 triệu người tử vong mỗi năm. Vì đa phần bệnh nhân nằm trong độ tuổi lao động từ 30-40 tuổi, nên căn bệnh bị coi là gánh nặng đối với nước này.

Nhằm hạn chế số ca bệnh mới tại Ấn Độ, Arogya World đã bắt tay với hãng điện thoại Nokia gửi tin nhắn bằng 12 ngôn ngữ với tần suất 2 lần/tuần trong 6 tháng đến 1 triệu người Ấn Độ đăng ký tham gia chiến dịch mang tên mDiabetes. So sánh kết quả phản hồi từ gần 1.000 người tham gia với gần 1.000 người không nhận được tin nhắn cho thấy, nhóm được khuyên tập thể dục, tiêu thụ nhiều trái cây, rau củ và ăn ít chất béo đã cải thiện sức khỏe đáng kể so với nhóm đối chứng. Xét về tổng thể, gần 40% số người được nhắn tin đã chuyển sang thực hiện lối sống lành mạnh, dù mức độ khác nhau. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Angela Fidler Pfammatter (Đại học Northwestern), kết quả này cho thấy điện thoại di động có tiềm năng sử dụng như một công cụ hữu hiệu để truyền tải thông điệp sức khỏe đến một lượng lớn cư dân.

Đây là nghiên cứu đầu tiên vận dụng sức mạnh và phạm vi phủ sóng của điện thoại di động nhằm thay đổi những hành vi có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, hướng tới áp dụng cho các nước có thu nhập trung bình và thấp. Được biết ngoài mDiabetes, Arogya World cũng đã phát triển một ứng dụng myArogya để giúp người dân Ấn Độ trong độ tuổi lao động phòng ngừa các bệnh mãn tính.

Mỹ dùng truyền thông và mạng xã hội phòng chống viêm màng não

Nhằm nâng cao nhận thức về bệnh viêm màng não – một căn bệnh hiếm nhưng có tỷ lệ tử vong cao, giới chức y tế Mỹ và hãng dược phẩm hàng đầu thế giới GlaxoSmithKline (GSK-Anh) vừa triển khai chiến dịch giáo dục sức khỏe có tên Take 5 for Meningitis. Thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội cũng như các sự kiện giáo dục, chiến dịch này được kỳ vọng sẽ giúp các bậc phụ huynh và thanh thiếu niên hiểu về bệnh viêm màng não cùng những biện pháp ngăn chặn căn bệnh chết người này.

Được biết, bệnh viêm màng não có 5 nhóm huyết thanh thường gặp (gồm A, B, C, W, Y) và hiện có 2 loại vắc-xin giúp phòng ngừa các nhóm "thủ phạm" gây bệnh này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết phần lớn thanh thiếu niên được tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh các nhóm A, C, W và Y, chỉ một ít được tiêm vắc-xin ngừa viêm màng não B (meningitis B). Bệnh này có tỷ lệ tử vong cao (10%) và 20% số người sống sót bị tàn tật vĩnh viễn, như mất chi, tổn thương não, điếc và bệnh về hệ thần kinh. Vì thanh thiếu niên là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao bởi các em sống, học tập và vui chơi nhiều ở những nơi công cộng (như trường học, sân chơi, câu lạc bộ thể thao…) và thường tiếp xúc gần với nhau (dễ lây bệnh), nên tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất..

Ngoài chiến dịch Take 5 for Meningitis nhắm tới mục tiêu gia tăng tỷ lệ chủng ngừa viêm màng não (nhất là loại B), GSK còn ra mắt trang web www.meningitis.com, nơi phụ huynh và thanh thiếu niên đều có thể tìm hiểu về bệnh viêm màng não, các yếu tố nguy cơ, cách bệnh lây lan, các triệu chứng, cũng như biện pháp để tự bảo vệ bản thân.

Nhắn tin động viên và nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc

Các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, ung thư, viêm khớp và cao huyết áp đang gia tăng trên toàn thế giới. Thế nhưng theo ước tính, chỉ 50% bệnh nhân uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ trong năm đầu tiên sau khi chẩn đoán, số còn lại quên uống hoặc bỏ hẳn việc uống thuốc, khiến bệnh tiến triển nặng và tăng nguy cơ chết sớm. Để ngăn chặn tình trạng này, giới chuyên gia đã nghĩ ra nhiều cách nhằm khuyến khích người mắc bệnh mãn tính tự giám sát bệnh tình, bao gồm nhắn tin động viên hoặc nhắc nhở uống thuốc đầy đủ - một phương pháp rẻ tiền, đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao.

Đến nay, có tới 16 cuộc thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ngẫu nhiên trên toàn thế giới nhằm đánh giá tác dụng của việc gửi tin nhắn di động trong việc động viên và nhắc nhở người mắc bệnh mãn tính uống thuốc. Đơn cử, các bệnh nhân hen suyễn ở Đan Mạch đã duy trì tốt thói quen theo dõi tin nhắn để kiểm soát bệnh tình của mình. Một nghiên cứu khác hồi tháng 9-2015 cho thấy, những bệnh nhân bị đau mãn tính đã giảm đáng kể cơn đau nhờ nhận được tin nhắn động viên mỗi ngày. Nghiên cứu tại Anh cũng cho thấy, số lượng phụ nữ đăng ký tầm soát ung thư vú đã tăng 20% sau khi họ nhận tin nhắn nhắc nhở. Trong nhiều nghiên cứu, bệnh nhân đã dùng thuốc đầy đủ và đúng liều hơn nhờ được nhắc nhở trước thời điểm chuẩn bị uống thuốc. Hay tại Úc, các chuyên gia cũng đang tiến hành nghiên cứu TEXTMEDS tại khắp các bệnh viện ở thành thị và nông thôn đối với s1.400 bệnh nhân tim mạch, với hy vọng phương pháp nhắn tin nhắc uống thuốc sẽ giúp ích cho sức khỏe của họ về lâu dài.

TRÍ VĂN (Theo Northwestern, GSK, The Conversation)

Chia sẻ bài viết