Mặc dù công tác cải cách hành chính (CCHC) ở TP Cần Thơ đạt những kết quả nhất định nhưng năm 2021, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP Cần Thơ sụt giảm thứ hạng so với các tỉnh thành khác trong cả nước. Để cải thiện vấn đề này, các địa phương cần có giải pháp cụ thể, đồng bộ và quyết liệt hơn.
Người dân thực hiện TTHC tại UBND phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn.
Theo kết quả công bố từ Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, năm 2021, chỉ số CCHC (PAR-INDEX) của TP Cần Thơ giảm 14 bậc, chỉ số SIPAS giảm 10 bậc, chỉ số PAPI giảm 13 bậc, so với năm 2020. Các chỉ số nêu trên có cải thiện về điểm số nhưng đều giảm về thứ hạng. Do vậy, UBND TP đã ban hành kế hoạch cải thiện các chỉ số này với mục tiêu TP Cần Thơ thuộc nhóm 25 tỉnh, thành phố về chỉ số PAR-INDEX, SIPAS và PAPI năm 2022 và những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng Phòng CCHC Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: "Trong những tiêu chí dễ bị mất điểm khi đánh giá là thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan... Trong đó, nguyên nhân dẫn đến các tiêu chí mất điểm là thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra; tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin, yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức qua Hệ thống dịch vụ công 1022 thành phố chưa đạt yêu cầu; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử không đảm bảo...".
Theo ông Trương Hồng Dự, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, tại một số đơn vị, tình trạng chậm trả kết quả (nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan) nhưng lại thiếu thư xin lỗi người dân cũng gây nhiều phiền hà. Hiện nay, đa số hồ sơ của người dân nộp đều có số điện thoại để liên lạc. Vì vậy, nếu hồ sơ chậm hoặc đến ngày hẹn nhưng chưa thể giao thì cán bộ phụ trách nên nhắn tin xin lỗi và hẹn ngày chính thức trả kết quả, đừng để người dân phải đi lại nhiều lần. Ông Trương Hồng Dự cho biết, điểm mạnh của các đơn vị đạt điểm cao là làm tốt công tác chỉ đạo điều hành, hiện đại hóa hành chính và cải cách thủ tục hành chính.
Để cải thiện chỉ số CCHC, các địa phương quyết tâm và đề ra nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể. Ông Huỳnh Thanh Phường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, chia sẻ: "Với chủ trương lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lãnh đạo huyện thường xuyên nhắc nhở và chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ công chức, viên chức; phân công chuyên viên thường xuyên hướng dẫn người dân thực hiện đánh giá thủ tục hành chính trên máy tính bảng tại bộ phận một cửa. Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát tại bộ phận một cửa để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong tiếp nhận hồ sơ, không để người dân đi lại nhiều lần, nhiều nơi, giảm phiền hà cho người dân".
Theo ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, CCHC là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. UBND quận Ô Môn xác định CCHC phải được tiến hành đồng bộ, trong đó cải cách thủ tục, nâng cao chất lượng dịch vụ là nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có trình độ năng lực và có phẩm chất đạo đức tốt, có khả năng giao tiếp và thái độ tận tâm trong phục vụ công dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác CCHC; kịp thời chấn chỉnh những cá nhân, đơn vị làm chưa tốt; biểu dương những cá nhân, đơn vị làm tốt...
Ông Châu Việt Tha, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Các địa phương cần quán triệt và nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác CCHC gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Vì vậy, đề nghị các địa phương cần nghiêm túc và nâng cao quyết tâm trong chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý cùng phấn đấu, nỗ lực triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch cải thiện các chỉ số trong năm 2022, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Trên cơ sở nội dung của kế hoạch, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình, địa phương, đơn vị cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai, thực hiện theo nhiệm vụ và thẩm quyền. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra công vụ, tăng cường kiểm tra đột xuất tại địa phương, cơ quan, đơn vị trực thuộc; chủ động phối hợp Ủy ban MTTQVN cùng cấp hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra các đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác CCHC".
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN