Truyện ngắn: HOÀNG KHÁNH DUY
Gánh hát về xóm, đoàn neo ghe ngoài bến Miếu, hỏi chính quyền dựng sân khấu hát mấy đêm mưu sinh. Xóm heo hút, bởi vậy lần nào có gánh hát về là xóm vui như Tết, mọi người nhanh nhanh làm hết chuyện đồng áng ruộng vườn để còn ra bến Miếu coi hát.
Nắng ngả về tây. Phước ngồi trước mũi ghe buông câu vọng cổ buồn trĩu theo nắng chiều. Hồng Hoa vuốt ngược mái tóc ra phía sau, giọng bùi ngùi: “Thôi Phước ơi! Thời nay ai mê mấy câu hò, xự, xang, xê, cống nữa đâu mà mày hát hoài. Cải lương về vườn nhường chỗ cho nhạc giựt tung nóc rồi”. Nhưng Phước cứ hát, vì hạnh phúc nhất của Phước là được đứng trên sân khấu hát mấy trích đoạn hồi xưa bà ngoại dạy nó thuộc nằm lòng. Trước lúc ngoại mất, Phước còn ráng hát cho ngoại nghe tròn câu vọng cổ. Không biết Phước hụt hơi hay đời bạc bẽo mà chữ cuối rớt đâu mất tiêu, chỉ còn tiếng nấc nghẹn ngào…
Từ hồi gánh hát chuộng biểu diễn nhạc trẻ, bầu gánh Út Phượng ít khi cho thằng Phước lên sân khấu. Trên hành trình xuôi dọc những nhánh sông, Út Phượng có nhận thêm vài cô cậu trẻ tuổi. Nhớ lại lúc Út Phượng bắt Phước hát nhạc trẻ, nó khóc mướt, rồi khi lên sân khấu nó hát toàn mấy trích đoạn cải lương cổ xưa mà một mình nó hóa hai, ba vai, khiến tuồng cải lương trở nên hỗn tạp, khán giả ngồi phía dưới vỗ đùi cười ran. Út Phượng giận quá cấm nó bước chân lên sân khấu nửa bước.
* * *
Chỗ Phước nằm nhỏ xíu. Vài thanh niên theo đoàn phụ dựng sân khấu, rồi lên bờ, trải chiếu, giăng mùng, thêm tấm cao su che sương rồi ngủ khò. Trong ghe chỉ còn Út Phượng, Hồng Hoa, Ngọc Lan và thằng Phước. Đêm, Phước thường vẫy vùng, đạp tứ lung tung. Hồng Hoa nhạy thức nên lay mạnh, lúc này thằng Phước mới giật mình thức dậy, mắt còn tèm nhem nước, nấc nghẹn “Tao vừa nằm mơ...”. Nó không thể nói hết câu, mà chỉ quệt nước mắt. Hồng Hoa cũng không đợi chờ, đặt lưng xuống ngủ tiếp lấy sức mai còn hát hò, nhảy nhót.
Phước ngồi một mình trước mũi ghe, buồn buồn. Nó nhớ má, nhớ quê đến rạn lòng. Trong giấc mơ, Phước thấy mình bị bọn lạ mặt bắt đi, Phước gọi “Má ơi, cứu con!”. Má không nghe. Phước gào thét, xé nát cả giấc mơ gãy vụn. Bởi Phước cũng bị chia cắt với má như như vậy. Buổi trưa Phước ngồi trên cây cầu nhỏ xíu đưa ra sông, dưới cội bần, đang say sưa ngân câu vọng cổ bỗng nghe tiếng chú Ba Hùng gọi nó từ trong nhà vọng ra. Phước lon ton chạy về. Thím Ba gọi nó vào trong buồng, lấy cây lược gỡ đầu, xếp quần áo của nó vào trong giỏ. Nó ngây ngô hỏi:
- Bộ thím định cho con đi đâu hả?
- Ừ, mày phải đi thôi Phước.
- Mà đi đâu, hả thím?
- Đi hát.
Phước ngớ người. Ngoài kia, người đàn bà đưa cho chú Ba Hùng xấp tiền rồi ngoảnh vào trong buồng gọi nó:
- Phước ơi, đi thôi em. Đi với Út!
Út Phượng kéo nó đi, băng băng trên con đường làng, chân nó xước đau buốt, lòng dạ ngổn ngang. Phước chưa kịp đốt cho ba, cho ông bà nội nén nhang, chưa kịp chạy ra con đường mòn thoảng hương hoa bưởi dẫn ra ngôi mộ của ba nằm giữa mảnh đất cỏ xanh, để thủ thỉ rằng: Ba ở lại, con đi, chừng nào về được thì con về thăm mộ ba, thăm nhà, đợi má!
Chiếc ghe rời bến, Phước đứng trước mũi ghe khóc ròng, ngặt nỗi nó không biết bơi, không đủ can đảm phóng xuống dòng sông sâu chảy ngang qua trước nhà. Chiếc ghe rời làng, lênh đênh trên sông. Nắng trưa nuốt chửng Phước giữa bạt ngàn sóng trắng…
* * *
Phước vẫn nhớ buổi trưa má ngồi ngoài thềm nhà gỡ tóc, mắt buồn mênh mang hỏi Phước:
- Giả bộ má với Phước không sống cùng với nhau, Phước có buồn không? Có chịu không?
- Má nói gì vậy? Bộ má tính bỏ con đi luôn sao má? Má ơi…
Hai má con Phước ôm nhau, Phước khóc nức nở, má cũng ướt nhòe đôi mắt.
- Má sẽ đi, Phước à! Ở lại đây má chịu không nổi. Người ta ghét bỏ má, mà ba của con mất rồi...
Phước ôm má thật chặt, nước mắt nó rơi ướt đẫm áo của má. Người nhà họ nội trách má xung khắc với ba Phước, khiến người đàn ông lực điền mạnh khỏe một buổi chiều cuốc đất ngoài vườn bỗng dưng ngã dúi xuống, ra đi trong im lặng giữa đồng đầy nắng. Chôn cất ba xong, người nhà nội trở mặt với má ngay tức khắc. Giá mà ông bà nội còn sống chắc ông bà sẽ che chở cho má. Chú thím Ba không ưa má, không ăn cơm cùng mâm, hễ gặp má là lườm nguýt, lòng sắt dạ gang cũng chịu không nổi huống chi lòng người. Nhiều lần Phước thấy má ngồi ngoài mộ ba khóc mướt, Phước cũng khóc theo. Khóc cạn nước mắt thì hai má con ôm nhau đứng nhìn hoàng hôn buông trên đồng. Má nói:
- Con là cháu trai duy nhất của ông bà nội. Chú thím Ba không có con, con phải ở lại coi chuyện nhang khói cho ông bà, coi sóc mộ ba. Con là cháu ruột, người nhà nội không chối bỏ giọt máu duy nhất của ba còn sót lại trên đời đâu con…
Hôm má ôm gói ra đi, qua con sông ra đầu làng, Phước chạy còng còng theo chân má. Má hứa: “Chừng nào ổn chuyện má về đây thăm Phước. Phước lớn rồi, Phước tự lo cho mình được. Con trai má luôn dũng cảm phải không?”. Má nói, mà má cũng tự trấn an lòng mình. Có người đàn bà nào yên lòng khi bỏ lại con thơ?
* * *
Trên ghe gánh hát, buồn Phước hát, vui Phước cũng hát. Trời phú cho Phước cái giọng hát ngọt bùi như nước sông quê, như mùa lúa chín. Phước hay mơ thấy mình ra mộ ba giữa đêm khuya, trên trời li ti mấy vì sao sáng nhập nhòe sau đám mây mờ. Phước nói nhớ ba, nhớ má, Phước kể cho ba nghe hôm nay Phước đã làm gì, ăn no hay không, được hát hay chưa… đủ thứ chuyện trên đời. Phước cũng thường mơ thấy má, má Phước hiền lắm, ba cũng hiền, chỉ có thím Ba là thường xuyên đánh Phước bằng những roi đòn đau điếng. Thím cấm Phước khóc, thím nói: “Mày khóc hàng xóm biêu riếu tao, nói tao ăn hiếp mày. Mà tao đâu có ăn hiếp, tao dạy mày, chừng nào mày nên người thì thôi”.
- Thôi mày ạ, chú thím Ba tàn nhẫn với mày vậy thì mày theo tụi tao xướng ca, chừng nữa lớn mày đi tìm má! - Phước vẫn thường được Út Phượng, Hồng Hoa, Ngọc Lan an ủi như vậy.
Theo ghe nhiều ngày tháng, Phước thấy lòng lắng lại. Nó hát cải lương hay đáo để. Út Phượng hay la nó nhưng cũng quý nó lắm, mỗi lần biểu diễn Phước thường nhớ lời má: “Có gì hay bằng cải lương Nam bộ xứ mình. Thời đại nào thì cải lương cũng sống, người nghệ sĩ cũng nhả tơ cho đời”. Bởi vậy má mới hát. Ngày trước má đi theo đoàn hát, lấy ba, má an phận làm vợ, làm mẹ, thi thoảng đình làng có ca cổ “cây nhà lá vườn” má mới biểu diễn, làng không ngớt lời khen.
* * *
- Hồng Hoa, tao muốn hát cải lương, tao muốn hò, muốn cất lên điệu lý, muốn hát cung oán cung thương… như hồi đó ngoại với má tao dạy - Phước nói.
- Tao cũng vậy. Tao nhớ cải lương xứ mình…
Út Phượng nghe hết. Út nấp sau ghe nghe Phước với Hồng Hoa nói với nhau mà rưng rưng nước mắt. Chiều nay, đám thanh niên lúi húi dọn sân khấu, quét tước, chuẩn bị bán vé. Người trong đoàn thấy Út Phượng vận lại bộ đồ bấy lâu cất trong hòm, hát khúc Chiêu Quân. Mắt Hồng Hoa sáng rỡ, còn Phước cứ đinh ninh, Út Phượng đẹp giống má Phước ngày còn ở nhà. Phước nhớ má đến khắc khoải. Nhớ đến bồi hồi.
Phước hát. Hát say mê như chưa bao giờ được hát. Vẫn cái câu vọng cổ má dạy hồi xưa. Nó hát để được thấy cái bóng dáng hiền từ, tần tảo và đầy bao dung của má hiện ra phía dưới sân khấu, mắt nó rưng rưng. Biết đâu trên bước đường sinh nhai Phước sẽ tìm gặp má, dù là bao lâu đi chăng nữa, má sẽ nhận ra tiếng ca của nó...