Tính đến nay, cuộc nội chiến tại Syria đã bắt đầu bước qua năm thứ 6. Nó mang lại một hậu quả kinh hoàng, gây thiệt hại vô số về người và của, và hiện không có dấu hiệu dừng lại.
Hiện con số người thiệt mạng do cuộc nội chiến tại Syria còn mơ hồ. Trong khi Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho rằng nó đã khiến hơn 250.000 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người khác bị thương, thì tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) ước tính, số người chết lên đến con số 270.000 người, còn một báo cáo độc lập của Trung tâm Nghiên cứu chính sách về Syria (SCPR) thì tiết lộ, cuộc xung đột đã gây ra khoảng 470.000 ca tử vong, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong khi đó, gần một nửa trong số 23 triệu dân Syria đã phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh. Cơ quan tị nạn LHQ cho hay, khoảng 6,5 triệu người đã phải tìm đường lánh nạn trên khắp Syria trong khi khoảng 4,8 triệu người khác phải tị nạn tại các quốc gia láng giềng như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Iraq hoặc tìm đến trời Tây.

Trẻ em Syria bên đống đổ nát vì chiến tranh tại Aleppo. Ảnh: AFP
Trong một báo cáo được công bố ngày 14-3, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết chiến tranh đã làm 80% trẻ em Syria bị tác động mạnh. Có 7 triệu trẻ em Syria hiện nay đang sống trong cảnh nghèo khó và mất mát; 2,9 triệu trẻ em sinh sau thời kỳ nổ ra xung đột không biết thứ gì khác ngoài chiến tranh; ít nhất 2,1 triệu em không được đến trường; hơn 200.000 em đang sống tại các vùng chiến sự; 811.000 trẻ sống ở trại tị nạn của các nước láng giềng.
Không những vậy, Aleppo - thành phố lớn nhất và từng là trung tâm thương mại sầm uất của Syria đã bị tàn phá một cách nặng nề. Nhiều khu chợ và nhà thờ Hồi giáo cổ xưa tại đây đều bị san bằng. Còn thành phố lớn thứ 3 Homs thì chìm trong đống đổ nát, nhiều tòa nhà cao tầng giờ chỉ là những đóng gạch vụn. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các thị trấn do quân nổi dậy kiểm soát xung quanh Thủ đô Damascus như Jobar, Douma và Harasta. Theo một đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), mức thiệt hại tại 6 thành phố gồm Aleppo, Daraa, Hama, Homs, Idlib và Latakia đến hết năm 2014 ước đạt từ 3,6-4,5 tỉ USD. Hầu hết các địa điểm di sản thế giới của Syria được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận đều bị hư hỏng nặng hoặc bị phá hủy, trong đó gồm Aleppo ở phía Bắc, phố cổ Bosra ở phía Nam, Crac des Chevaliers - một trong những lâu đài thời trung cổ được bảo tồn quan trọng nhất thế giới, và địa điểm khảo cổ Palmyra. Trong số này, một số bị hư hại do các cuộc đụng độ giữa các bên và bị pháo kích, số còn lại thì bị cướp phá. Khi tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) giành quyền kiểm soát Palmyra hồi năm ngoái, chúng đã phá hủy nhiều di tích thời La Mã ở đây, gồm đền thờ có niên đại 2.000 tuổi Bel và tượng đài Khải Hoàn Môn (Arch of Triumph).
Hiện không có đánh giá chính xác nào về thiệt hại kinh tế do chiến tranh gây ra tại Syria. Theo ước tính của Tổ chức cứu trợ quốc tế World Vision và công ty tư vấn kinh tế Frontier Economics, cuộc xung đột cho đến nay đã "ngốn" khoảng 275 tỉ USD, cao gấp 150 lần so với ngân sách y tế của Syria trước chiến tranh, và nếu cuộc nội chiến kéo dài tới năm 2020, thì con số tổn thất sẽ lên tới 1.300 tỉ USD. Trong khi đó, WB ước tính rằng mức thiệt hại của cuộc nội chiến tại Syria đến giữa năm 2014 là 70-80 tỉ USD, và tình hình đã xấu đi rất nhiều sau thời gian này.
Cuộc nội chiến tại Syria đã khiến các quốc gia láng giềng chịu ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan và Iraq đã và đang phải đối mặt với áp lực về ngân sách. WB ước tính, Jordan đã phải mất 2,5 tỉ USD/năm vì dòng chảy hơn 630.000 người tị nạn Syria, chiếm 6% mức tăng trưởng kinh tế (GDP) và 1/4 doanh thu hàng năm của chính quyền Amman.
TRÍ VĂN (Theo AP, AFP)
HÒA ĐÀM VỀ SYRIA ĐÃ BẮT ĐẦU TẠI GENÈVE
Hôm qua 14-3, cuộc đàm phán hòa bình nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria đã chính thức bắt đầu tại thành phố Genève (Thụy Sĩ), với sự tham gia của đại diện chính phủ Syria và phe đối lập. Hãng tin AFP nhận định vài giờ trước khi ngồi vào bàn thương lượng do LHQ làm trung gian, cả đại diện chính phủ lẫn phe đối lập Syria đều chưa nhất trí các vấn đề cần đàm phán, nên ít có hy vọng hai bên sẽ thay đổi lập trường sẵn sàng ký kết thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.
Trong khi đó, đặc phái viên LHQ Steffan de Mistura tuyên bố việc đạt được thỏa thuận chuyển tiếp chính trị nhằm xác định "lộ trình hòa bình rõ ràng" tại Syria ở vòng đàm phán mới sẽ có ý nghĩa như là "mẹ đẻ của mọi vấn đề", đồng thời cảnh báo không có "kế hoạch B" nào cho Syria, ngoại trừ kịch bản quốc gia Trung Đông này "sẽ trở lại chiến tranh". |