25/01/2023 - 10:00

Cải cách để bứt phá 

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Những cơn gió cuối năm se lạnh, khán phòng quán Cầm Thi (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) rộn rịp và ấm áp hơn với gần 100 doanh nghiệp (DN) tham dự chương trình “Cà phê doanh nhân”. Trong không khí thân tình, những trao đổi giữa DN và lãnh đạo thành phố thêm gần gũi, cởi mở… Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Hồng chia sẻ, mô hình là cam kết của chính quyền thành phố - sẵn sàng lắng nghe, đồng hành cùng DN.

Không chỉ “Cà phê doanh nhân”, thành phố còn triển khai “Gặp gỡ và đối thoại với DN”, ứng dụng “Can Tho SmartCity”, điểm dịch vụ công trực tuyến… hướng tới xây dựng nền hành chính dân chủ, phục vụ.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, giải đáp thắc mắc của DN tại chương trình “Cà phê doanh nhân”.

Hướng về người dân, DN

Với chủ trương “hướng về DN, lấy DN là trung tâm”, tháng 9-2022, UBND thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp CBA làm đầu mối tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân”. Cứ thế, mỗi tháng 2 kỳ, các doanh nhân họp mặt, trao đổi với lãnh đạo sở, ngành về những vấn đề thiết thân, từ thủ tục đăng ký kinh doanh, thuế, đất đai đến các chính sách hỗ trợ DN, diễn biến thị trường... Tùy theo chủ đề của mỗi kỳ, sở, ngành bố trí lãnh đạo trả lời DN. Bà Nguyễn Giang Sở Hạ, Giám đốc Công ty TNHH Soha Group, chia sẻ: “Tôi nghe đến gói hỗ trợ lãi suất 2% giúp DN phục hồi sau dịch, chương trình cho vay hỗ trợ trả lương, nhưng cứ nghĩ DN nhỏ không được tham gia. Nay được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ tư vấn, cung cấp thông tin, nếu có kế hoạch phục hồi tốt, tôi vẫn có thể tiếp cận gói hỗ trợ này”. Thắc mắc của chị Hạ về thuế, lãi suất cho vay, chính sách ổn định kinh tế của thành phố cũng được lãnh đạo và các sở, ngành thành phố trả lời thỏa đáng.

Còn anh Lê Trung Sơn ở phường An Bình (quận Ninh Kiều) rất hào hứng trải nghiệm các tiện ích của ứng dụng “Can Tho SmartCity”, đặc biệt là các phản hồi của ngành chức năng về thông tin người dân phản ánh. Bà Ðỗ Thị Xuân Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Dika Happy (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), chia sẻ: “Tôi cảm nhận được tinh thần cầu thị, lắng nghe và tin tưởng cam kết của chính quyền thành phố trong công tác cải cách hành chính. Nhiều thủ tục đã được đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết. Ðơn cử như thủ tục thành lập DN liên thông với thuế và có thể thực hiện trên môi trường mạng”. Theo ông Bùi Minh Trung, Phó Trưởng phòng Ðăng ký Kinh doanh, Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, từ đầu tháng 6-2022, đơn vị thí điểm thực hiện mô hình trả kết quả đăng ký kinh doanh trong 1 ngày làm việc (theo quy định là 3 ngày làm việc). Sau 1 tháng thí điểm, nhận được phản hồi tốt từ người dân, DN, Sở chính thức triển khai trả kết quả thủ tục đăng ký DN trong 1 ngày làm việc đối với 4 thủ tục hành chính (TTHC).

Năm 2022, toàn thành phố có 34 TTHC được rà soát, đơn giản hóa cùng 368 TTHC bãi bỏ, thay thế; tất cả TTHC được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia và Bộ phận Một cửa. Ðó là minh chứng cho sự quyết tâm, quyết liệt của chính quyền thành phố trong cải cách TTHC. Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP Cần Thơ, Sở đã tạo nhóm Zalo group tương tác tốt nhất với DN, nhờ đó rút ngắn thời gian cấp C/O, tiết kiệm chi phí trong xin chứng nhận xuất xứ ưu đãi thuế. Theo quy định, trả hồ sơ C/O trong 3 ngày làm việc, nhưng đã được rút ngắn còn 4 giờ và 100% hồ sơ C/O đều hoàn thành trong ngày.

Nhiều giải pháp căn cơ

Trong bối cảnh năm 2021 cả 3 chỉ số của thành phố là: chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đều tụt hạng so với năm trước, Cần Thơ đề ra mục tiêu phấn đấu thuộc “top” 25 tỉnh, thành về xếp hạng 3 chỉ số nêu trên. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND cải thiện các chỉ số: PAR-Index, PAPI và SIPAS.

Theo bà Nguyễn Ngọc Hồng Nhung, Phó trưởng Phòng Nội vụ quận Ô Môn, xác định việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử là nội dung mất điểm, từ tháng 5-2022, UBND quận nhân rộng mô hình “Tuyên truyền và hướng dẫn trực tiếp người dân tạo tài khoản và thực hiện TTHC mức độ 3, mức độ 4 tại khu dân cư” ở tất cả các phường (địa phương đầu tiên triển khai mô hình là phường Thới Hòa, từ đầu năm 2022). Hằng tuần, cán bộ, công chức đều chọn 1 khu dân cư để hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Kết quả, năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh ở cấp quận đạt 27% và cấp phường đạt 29,5%, số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh hơn 3.286, tăng cao hơn so với những năm trước.

Các thành viên Đoàn kiểm tra cải cách hành chính kiểm tra việc niêm yết TTHC tại Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ.

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, các cấp, các ngành, địa phương cần ưu tiên chọn lĩnh vực trực tiếp phục vụ người dân để chuyển đổi số. Việc thực hiện TTHC trên môi trường mạng sẽ rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, tạo nên nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả. Và đúng vậy, khi ông Trương Thanh Tùng, chủ cơ sở dịch vụ Nam Việt, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, nhận xét: “Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh đều được thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và chỉ 3 ngày sau, tôi được thông báo qua điện thoại để nhận giấy phép. Một số TTHC có thể thanh toán phí điện tử, mọi việc đang dần trở nên đơn giản, rất tiện lợi". Hiện thành phố đã cập nhật và tích hợp 1.401 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 440 dịch vụ công trực tuyến có thu phí/lệ phí, chiếm 92% dịch vụ công trực tuyến có thu phí/lệ phí. Trong năm 2022, có 2.900 giao dịch trực tuyến thành công, tăng 10 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2022, lần đầu tiên thành phố triển khai Ðề án đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DCCI). Ông Trần Việt Trường cho rằng, DCCI với 10 chỉ số thành phần, là một trong những công cụ hiệu quả trong đánh giá, cải thiện chất lượng điều hành cấp cơ sở, tạo đột phá nhằm nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền cấp tỉnh. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần thường xuyên đối thoại, lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của người dân, DN; xây dựng thương hiệu là địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bền vững.

Công chức UBND phường Thới Hòa, quận Ô Môn, hướng dẫn cài đặt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân ở khu vực Hòa An.

* * *

Việc đổi mới tư duy và hành động xuất phát từ lợi ích của người dân, DN thể hiện quyết tâm của thành phố nhằm xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp trên tinh thần vì nhân dân phục vụ.

Chia sẻ bài viết