10/07/2011 - 08:53

Nông sản ĐBSCL được giá

Cách nào để nông dân có lợi nhuận tối đa?

Liên tục từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng nông sản tại ĐBSCL như trái cây, lúa, cá tra... có giá cao. Tuy nhiên, niềm vui của nông dân chưa trọn vẹn khi đứng trước nhiều áp lực: chi phí đầu tư tăng mạnh, lãi suất ngân hàng quá cao...; đặc biệt, hàng hóa nông sản phải qua nhiều tầng nấc trung gian, dịch bệnh và điệp khúc trúng mùa mất giá... vẫn cứ đeo bám người nông dân ĐBSCL. Làm sao để người nông dân có lợi nhuận tối đa từ việc sản xuất trên đồng ruộng, vườn cây, ao cá... của mình.

Vừa mừng, vừa lo!

Nông sản ĐBSCL cần hướng đến sản xuất lớn, đáp ứng hợp đồng lớn về số lượng và chất lượng. 

Nhiều tháng qua, các mặt hàng trái cây đặc sản có giá cao, chinh phục được nhiều thị trường cao cấp, khó tính như Mỹ, Nhật, EU, New Zealand... là tín hiệu vui cho nông dân ĐBSCL. Ông Huỳnh Văn Sang, Phó Chủ nhiệm HTX Xoài cát Hòa Lộc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nói: “Nhiều tháng qua, chúng tôi làm ăn rất thuận lợi. Giá xoài ở mức cao, dao động từ 30.000 đồng/kg lúc chính vụ nhưng vào mùa nghịch, dịp Tết lên đến 50.000-70.000 đồng/kg. Nông dân thu lợi nhuận cao! Chúng tôi vừa hoàn tất xuất khẩu 100 tấn hàng tốt sang Nhật Bản và đang xúc tiến việc xuất hàng sang thị trường Mỹ, Hồng Kông...”. Ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm HTX Bưởi năm roi Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, phấn khởi nói: “Đầu năm đến nay, chúng tôi đã xuất khẩu 6 container, hơn 20 tấn bưởi sang thị trường Nga, Anh, Trung Quốc... Giá bưởi đang ở mức rất cao, thị trường đang hút hàng, hiện HTX thu mua của nông dân 12.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân cầm chắc lời 60-70%”. Trong khi đó, tại vùng cam sành, bưởi năm roi Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nhiều tháng nay, thương lái vào tận nơi đặt hàng, ứng tiền trước cho nông dân với giá cao để có sản phẩm cung ứng ra thị trường...

Tuy nhiên, mối lo lớn nhất hiện nay của hàng hóa nông sản ĐBSCL là khó có sản phẩm đạt số lượng, chất lượng đủ đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu lớn. Các vùng sản xuất trái cây đặc sản tập trung theo mô hình liên kết tổ hợp tác, HTX đạt tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap còn nhỏ lẻ, quy mô chỉ vài chục ha. Vì thế, nhiều trường hợp trái cây xuất khẩu phải thông qua các công ty trung gian, ghép chung với các mặt hàng khác... Mặt khác, việc “đeo đuổi” các tiêu chuẩn hiện đã và đang quá sức với người nông dân. Điển hình như: Hiện nay, HTX Bưởi năm roi Mỹ Hòa đang gặp rất nhiều khó khăn vì không được đầu tư để tái xác nhận tiêu chuẩn GlobalGap. Bằng chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGap đã hết hạn gần 2 năm và đang có nguy cơ... mất vĩnh viễn. Bởi lẽ, chi phí cho việc chứng nhận nên cần tới 8.000 USD nên HTX không có khả năng. HTX đang thiếu vốn rất lớn, nhất là việc đầu tư kho lạnh dự trữ bưởi cho nông dân chờ giá cao. Từ đó, khó thuyết phục nông dân làm theo GlobalGap.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Nuôi cá tra xuất khẩu Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), nói: Giá cá tra 2 tháng trước lên đến 28.500 đồng/kg, nông dân chưa kịp mừng đã lao dốc xuống còn 23.000-24.000 đồng/kg như hiện nay. Với mức giá này thì nông dân khó có lời. Hiện nay, chi phí đầu tư nuôi cá tăng mạnh cộng với lãi suất ngân hàng cao như hiện nay làm cho người nuôi cá đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn...

Ông Dương Văn Châu (Năm Châu) ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, phản ánh: Chi phí đầu vào sản xuất lúa bây giờ cao quá nên niềm vui trúng giá chưa trọn vẹn! Từ phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu bơm tưới, nhân công đều không ngừng leo thang!... Thị trường thì còn nhiều bấp bênh làm cho lợi nhuận của nông dân ngày càng “teo tóp”. Ám ảnh trúng mùa mất giá vẫn đeo bám nông dân... Vì thế, cứ vào vụ thu hoạch đông ken, giá hàng hóa nông sản lại bị kéo giảm xuống, nông dân chịu thiệt thòi...

Hướng đến sản xuất lớn

Ông Dương Văn Châu, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, khẳng định: Để người nông dân có lợi hơn thì nhất thiết phải tổ chức lại quy trình sản xuất một cách chuyên nghiệp. Đó là phải tổ chức mô hình cánh đồng lớn, cùng làm một vài giống lúa tốt, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo đầu ra ổn định. Doanh nghiệp đứng ra cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất cho nông dân, rồi bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, đảm bảo không để xảy ra tình trạng lẫn tạp. Có như thế nông dân mới giảm được chi phí đầu tư, có điều kiện áp dụng cơ giới hóa, giảm thất thoát, hạn chế các khâu trung gian, tăng lợi nhuận trên cánh đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, bán được giá...

Là vùng sản xuất lúa gạo lớn, chất lượng cao nhất tỉnh An Giang lại nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tứ giác Long Xuyên nên Thoại Sơn đang thu hút được nhiều nhà đầu tư quy mô. Cụ thể: Công ty xuất khẩu An Giang, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty An Kiên (Kiên Giang), Công ty Tín Thành (TP Hồ Chí Minh) đầu tư trọn gói cho nông dân: cung ứng giống, kỹ thuật, phân bón, thuốc trừ sâu, bao tiêu lúa cho nông dân trên các “cánh đồng lớn”, tập trung từ vài đến cả ngàn héc ta; xây dựng hệ thống nhà máy sấy, xay xát, lau bóng gạo xuất khẩu... Bởi nơi đây đã và đang triển khai đề án thí điểm mô hình xóa bờ thửa - sản xuất lớn, quy mô 200ha. Theo đó, nơi đây sẽ thành lập một công ty nông nghiệp huy động nông dân hùn hoặc cho thuê đất, góp vốn bằng tiền để có diện tích ruộng lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận...

Các chuyên gia, nhà khoa học khuyến cáo nên hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung, có sự tham gia đắc lực của 4 nhà, áp dụng đồng bộ các tiêu chuẩn quốc tế để có được sản phẩm lớn, “đồng màu đồng chất” đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, hiệu quả sản xuất được nâng cao, giá thành giảm, nông dân đạt được lợi nhuận tối đa...; doanh nghiệp được nguồn sản phẩm dồi dào, chất lượng cao, có thương hiệu, sức cạnh tranh tốt trên thị trường trong nước và quốc tế... Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, các địa phương cần nhanh chóng quy hoạch, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái lớn sản xuất theo hướng GAP, tiêu chuẩn GlobalGAP. Mỗi tỉnh chỉ nên lựa chọn 1-2 loại cây ăn trái có thế mạnh để hướng đến nền sản xuất lớn. Nhà nước nên đứng ra làm đầu mối chỉ huy, chỉ đạo, ưu tiên cho các vùng vay vốn sản xuất, chế biến... Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho biết: “Tùy theo điều kiện thực tế từng vùng, địa phương, từng bước hình thành và xây dựng các dạng hình kinh tế hợp tác để thuận lợi cho đầu tư, sản xuất hàng hóa đủ lớn, dễ dàng tiếp cận thị trường và đảm bảo đầu ra. Các dạng hình hợp tác bao gồm: Tổ nhóm, câu lạc bộ; hợp tác xã liên hiệp các HTX; doanh nghiệp nông thôn; trang trại, công ty cổ phần nông nghiệp... Ngoài ra, cần có chiến lược lâu dài cho việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò liên kết vùng và liên kết “4 nhà”...

Bài, ảnh: THANH HUY

Chia sẻ bài viết