21/08/2022 - 13:24

Cách Hàn Quốc cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Với vị trí chiến lược ở khu vực Ðông Bắc Á, Hàn Quốc được cho sẽ tiếp tục bị kẹt trong sự cạnh tranh Mỹ - Trung. Do đó, Seoul một mặt tìm cách làm sao có thể cân bằng được quan hệ với Washington và Bắc Kinh, mặt khác nghiêng về phía xứ cờ hoa trong bối cảnh nước này đang vạch ra con đường chiến lược ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Thái độ dè dặt

Hồi đầu tháng này, chuyến thăm gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Ðài Bắc đã khiến "hiệu ứng gợn sóng chính trị" vượt qua Eo biển Ðài Loan để vào Hàn Quốc. Bay thẳng từ Ðài Bắc đến Seoul, bà Pelosi được cho là đã "lẻ bóng" ở sân bay khi không có bất kỳ phái đoàn Hàn Quốc chính thức nào đến đón. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thậm chí còn cho biết đã thông báo với bà Pelosi rằng Tổng thống Yoon Seok-yeol đang có kỳ nghỉ và sẽ không thể gặp bà trực tiếp. Vài ngày sau, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã tới Bắc Kinh để gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, dẫn đến nhiều lời đồn đoán cho rằng Seoul đang xoa dịu Bắc Kinh để tránh đối đầu với Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất chấp quan điểm muốn "cân bằng" giữa Bắc Kinh và Washington, chính quyền Tổng thống Yoon có khả năng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Theo Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), trong số các đồng minh hiệp ước của Mỹ, Hàn Quốc cho đến gần đây tương đối yên ắng trên mặt trận Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, làm dấy lên hoài nghi về vai trò của Seoul với tư cách là một đối tác của khu vực do Mỹ chủ xướng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong chuyến thăm Seoul hồi tháng 5-2022 gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: Reuters

Sự hoài nghi trên không phải là không có cơ sở khi Seoul đã khá chậm chạp trong việc nắm bắt khái niệm Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương sau khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở vào năm 2017. Ðiều này trái ngược với các đồng minh khác của Washington vốn đã áp dụng hoặc đang trong quá trình soạn thảo phiên bản chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của riêng họ. Không những vậy, Seoul còn giữ khoảng cách với các liên minh khu vực do Mỹ dẫn đầu, chẳng hạn như "Bộ tứ kim cương (QUAD)", gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Ðộ và Úc, cũng như tránh chỉ trích Trung Quốc xung quanh các vấn đề về nhân quyền.

Chính các vụ việc gần đây, gồm chuyến thăm Ðài Loan của bà Pelosi, cuộc gặp của Ngoại trưởng Park Jin với Ngoại trưởng Vương Nghị và sự dè dặt của Hàn Quốc trong việc tham gia liên minh chuỗi cung ứng chất bán dẫn "Bộ tứ siêu chip", gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ðài Loan, của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đặt ra câu hỏi liệu Seoul có tiếp tục tham gia mặt trận Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương hay không.

Bước đi thận trọng

Bất chấp những rào cản trong nước và áp lực từ Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn có vẻ đang trên đà mở rộng vai trò chiến lược của nước này tại khu vực. Viện nghiên cứu Brookings cho hay, Hàn Quốc hiện đang soạn thảo phiên bản chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình và sẽ cho công bố vào cuối năm nay. Chiến lược có thể sẽ bao gồm chính sách mạnh mẽ hơn dành cho khu vực Ðông Nam Á, kết hợp với một số yếu tố của Chính sách phương Nam mới của chính quyền cũ nhằm thúc đẩy quan hệ với Ấn Ðộ và Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á. Ngoài ra, chiến lược sẽ xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh kinh tế, kết hợp các chuẩn mực và giá trị để củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Hàn Quốc và Trung Quốc đang nổ ra tranh cãi mới vì Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Vấn đề này đã châm ngòi căng thẳng ngoại giao Trung - Hàn vào năm 2016. Hồi cuối tháng 5-2022, Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) đã phê chuẩn dự án trị giá 750 tỉ won (605 triệu USD) về việc mua thêm và nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của nước này trước năm 2027, sau các vụ khiêu khích tên lửa gần đây của Triều Tiên. Chính quyền ông Yoon tuyên bố THAAD là vấn đề sẽ không bao giờ có thể mang ra đàm phán. 

Thực tế, Hàn Quốc đã đồng ý tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ phát động và có khả năng tham gia "Bộ tứ siêu chip", vốn đều bị Bắc Kinh phản đối khi mà cả hai được xem là công cụ để Mỹ kiềm chế Trung Quốc và loại trừ nước này ra khỏi các chuỗi cung ứng khác nhau. Thời gian qua, Bắc Kinh không ngừng tạo áp lực để Chính phủ Hàn Quốc không tham gia vào các thỏa thuận này, trong khi Seoul liên tục nhấn mạnh rằng họ chỉ tập trung vào lợi ích quốc gia. "Chúng ta phải tham gia vào IPEF, bởi lợi ích quốc gia của chúng ta sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu chúng ta bỏ lỡ tiến trình đưa ra các quy tắc cho thương mại khu vực như vậy" - Tổng thống Yoon cho biết khi IPEF được ra mắt hồi tháng 5.

Và để tránh Trung Quốc "khó chịu", Hàn Quốc đã không xem "Bộ tứ siêu chip" là một "liên minh", thay vào đó gọi đây là "diễn đàn tư vấn chuỗi cung ứng bán dẫn". Kang Jun-young, chuyên gia về quan hệ Hàn - Trung tại Ðại học Nghiên cứu Ðối ngoại Hankuk nói rằng Hàn Quốc thực sự không có ý định loại trừ hay "gây thù chuốc oán" với Trung Quốc nhưng "Hàn Quốc không thể làm được gì nhiều trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc". "Bộ tứ siêu chip" được lập ra nhằm tạo điều kiện ổn định chuỗi cung ứng và bồi dưỡng nhân tài trong hệ sinh thái bán dẫn. Vì ngành công nghiệp bán dẫn là một trong số ít các ngành công nghiệp lớn mà Hàn Quốc có khả năng cạnh tranh toàn cầu, quốc gia này đương nhiên sẽ cố gắng tham gia vào hệ sinh thái đó để không đánh mất vị thế của mình. Vì vậy, từ quan điểm của Hàn Quốc, đó không phải là một nỗ lực nhằm vào một quốc gia cụ thể nào" - ông Kang giải thích. Theo chuyên gia Kang, việc Hàn Quốc tham gia vào "Bộ tứ siêu chip" không nhất thiết được coi là tin xấu đối với Trung Quốc, bởi nó có nghĩa là sẽ có ít nhất một thành viên không trực tiếp đối nghịch với Bắc Kinh.

Vị thế địa chiến lược và kinh tế của Hàn Quốc

Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị  tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông hôm 9-8. Ảnh: AP

Trung Quốc từng áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu thương mại và văn hóa lên Hàn Quốc do để Mỹ triển khai hệ thống tên lửa Patriot năm 2016. Quyết định này có thể gây tổn thương nhất định cho Hàn Quốc khi Trung Quốc giữ vai trò cực kỳ quan trọng không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất mà còn có ảnh hưởng lớn nhất đối với Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo ông Choo Jae-woo, giáo sư về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Ðại học Kyung Hee, Hàn Quốc đang có những giá trị chiến lược về địa chính trị và địa kinh tế mà cả Mỹ và Trung Quốc cần đến. Do đó, chính quyền Tổng thống Yoon Seok-yeol được cho đang sử dụng chiến lược ngoại giao nhằm phát huy những giá trị này.

Hàn Quốc và Mỹ có hiệp ước an ninh song phương mà trong đó hai bên sẽ hỗ trợ cho nhau nếu bị một nước khác tấn công. Dù không tham gia “Bộ tứ kim cương”, Hàn Quốc vẫn có những thỏa thuận an ninh song phương mà Mỹ ký kết với Úc, Ấn Ðộ và Nhật Bản. Seoul muốn tạo áp lực ngược lại với Bắc Kinh bằng cách tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) hồi tháng 6-2022. Cho nên, việc Hàn Quốc tham gia khuôn khổ kinh tế Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) của Mỹ và “Bộ tứ siêu chip” dù có thể làm Trung Quốc nổi giận nhưng Bắc Kinh khó lòng trừng phạt Seoul.

Hiện tại, Hàn Quốc là thành viên Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự hiện diện của Trung Quốc. Seoul và Bắc Kinh cũng nằm trong cơ chế hợp tác ASEAN+3 (10 nước Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).

ĐỨC TRUNG (Theo Eastasiaforum, SCMP)

Chia sẻ bài viết