|
Giờ học của cô trò Trường THCS Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ). |
Nhằm hạn chế lạm thu ở các trường vào đầu năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành một số văn bản về thu, chi ở các trường, như: Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD-ĐT vào tháng 11-2011 (gọi tắt là Thông tư 55); văn bản ba công khai và yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chống lạm thu... Tuy nhiên, theo cán bộ quản lý giáo dục ở các địa phương, việc thực hiện Thông tư 55 gặp không ít khó khăn, vì nhiều nơi khó vận động nguồn thu xã hội hóa giáo dục để phục vụ giảng dạy.
Chị Hứa Thu Thảo, ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, có con trai vừa vào học lớp 1, cho biết: "Từ giữa tháng 8 vừa qua, nếu tính cả chi phí quần áo, sách vở, vợ chồng tôi tiêu tốn gần 2 triệu đồng. Gia đình không ruộng đất, thu nhập chủ yếu từ tiền công nhật phụ hồ của chồng tôi nên cũng hết sức khó khăn. Tuy nhiên, dù khó mấy, vợ chồng tôi cũng ráng lo cho con học hành...". Gia đình chị Thảo thuộc hộ nghèo ở huyện Cờ Đỏ. Mặc dù, trường đã có chế độ miễn giảm học phí đối với gia đình khó khăn nhưng khoản chi 1-2 triệu đồng vào mùa tựu trường cũng là nỗi lo đối với gia đình chị. Tâm trạng của chị Thảo cũng là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh khác có con, cháu đang học tập. Bởi, ngoài khoản thu theo quy định, các bậc phụ huynh còn phải lo các khoản thu "ngoài luồng" khác: quần áo, sách vở, phí vệ sinh và cả phí... hình thẻ học sinh. Một phụ huynh ở quận Ninh Kiều, có con học lớp 10 ở một trường THPT, nói: "Tổng các khoản chi cho đầu năm học mới là 4 triệu đồng, chưa kể các khoản thu lặt vặt khác
Phải lo những khoản phí này cùng một lúc cũng mệt lắm!".
Thực tế cho thấy, tùy theo tình hình mỗi trường mà mức thu có sự "vênh" nhau, tùy thuộc vào sự "thỏa thuận" giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường. Điều đáng nói là do điều kiện của mỗi gia đình khác nhau nên đối với những gia đình khá giả thì số tiền đóng từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/năm học là không quá khó. Thế nhưng, với những gia đình khó khăn thì đây là gánh nặng. Vì thế, nhằm hạn chế việc lạm thu ở các trường vào mỗi đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản về thu, chi ở các trường, trong đó có Thông tư 55. Ông Nguyễn Hùng Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn, cho biết: "Vào mỗi đầu năm học mới, ngành giáo dục quận đều chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc các khoản thu đầu năm học, đúng theo tinh thần Thông tư 55. Các trường tuyệt đối không thu tiền cơ sở vật chất...".
Tương tự tại huyện Cờ Đỏ, ngành giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc Thông tư 55. Chẳng hạn như Trường Tiểu học (TH) Trung Thạnh 2, THCS Trung Thạnh. Theo Ban Giám hiệu Trường TH Trung Thạnh 2, năm học mới này, trường được xây dựng nhiều phòng học mới khang trang theo chuẩn quốc gia nên trường quy định học sinh phải mặc đồng phục. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế gia đình học sinh khó khăn nên lãnh đạo trường chỉ yêu cầu học sinh thực hiện đồng phục áo và mang giày trắng, nhằm nhẹ gánh lo cho phụ huynh.
Có thể nói, triển khai thực hiện Thông tư 55 đã phần nào hạn chế thấp nhất việc lạm thu ở các trường. Thế nhưng, chính quy định này đã siết chặt tất cả các khoản thu mà phụ huynh, học sinh ở một số trường có đủ khả năng lo cho con em họ được học tập tốt hơn. Theo lãnh đạo ngành GD&ĐT huyện Cờ Đỏ, những năm trước, công tác xã hội hóa giáo dục được các trường thực hiện khá mạnh. Nhờ vậy, các trường chủ động nguồn chi phí phục vụ các phong trào giáo viên giỏi, học sinh giỏi hay khen thưởng học sinh vượt khó, học giỏi vào đầu năm học mới. Từ khi Thông tư 55 ban hành, công tác vận động xã hội hóa giáo dục ở các trường ngày càng khó. Ông Lưu Thành Danh, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Thạnh, nói: "Theo chỉ đạo của phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ, nhà trường hạn chế việc thu từ nguồn xã hội hóa giáo dục (chủ yếu từ Ban đại diện đại diện cha mẹ học sinh). Do vậy, trường gặp lúng túng trong vấn đề thu chi, hỗ trợ phong trào học sinh, giáo viên giỏi".
Rõ ràng, việc thực hiện Thông tư 55 ở các trường đã đi vào nề nếp nhưng ở khía cạnh nào đó, mỗi trường vẫn có khoản thu riêng, trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh học sinh. Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2011-2012 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2012-2013, do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức vào cuối tháng 8-2012, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh: Thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục là tốt nhưng việc huy động nguồn lực từ phụ huynh học sinh cần phải xem xét, tùy hoàn cảnh từng gia đình để có kế hoạch thu phù hợp. Cần lưu ý hạn chế việc vận động phụ huynh đóng góp để sửa chữa cơ sở vật chất, nhà vệ sinh ở các trường".
Bài, ảnh: BÍCH KIÊN