04/03/2019 - 20:52

Các nước nhỏ “dẫn đầu” cuộc đua sức khỏe toàn cầu 

Thứ hạng về sức khỏe, sự thịnh vượng và hạnh phúc toàn cầu đang thay đổi với các quốc gia nhỏ đang “thống trị” tốp dẫn đầu trong khi các nước lớn có nền kinh tế bùng nổ tụt lại phía sau.

Canada được đánh giá là quốc gia hàng đầu về sức khỏe, sự thịnh vượng và hạnh phúc. Ảnh: Shutterstock

Canada được đánh giá là quốc gia hàng đầu về sức khỏe, sự thịnh vượng và hạnh phúc. Ảnh: Shutterstock

Trên đây là báo cáo Chỉ số Sức khỏe Toàn cầu (GWI) vừa được công ty đầu tư LetterOne công bố. Chỉ số này là đánh giá của các chuyên gia về thế giới ngoài sự tăng trưởng kinh tế, tập trung 10 thước đo chính gồm tình trạng huyết áp, đường huyết, béo phì, thói quen tiêu thụ chất cồn, hút thuốc lá, vấn đề trầm cảm, tâm trạng hạnh phúc, thói quen vận động cùng tuổi thọ và chi tiêu công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tất cả dữ liệu trích xuất từ các nguồn chính thống  như Ðài quan sát y tế toàn cầu thuộc Tổ chức Y tế thế giới và Liên Hiệp Quốc, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới cùng dữ liệu y tế cộng đồng.

Theo báo cáo, một số nền kinh tế hàng đầu đang “tranh đấu” với các nước nhỏ nhưng ngày càng khỏe mạnh hơn. Trong số 151 quốc gia được đánh giá, Canada đứng đầu danh sách nhờ điểm số tốt về huyết áp, tuổi thọ, chi tiêu của chính phủ cho y tế bên cạnh chỉ số cao về hạnh phúc của người dân xứ sở lá phong. Nằm trong tốp 10 là Oman, Iceland, Philippines, Maldives, Hà Lan, Singapore, Lào, Hàn Quốc và Campuchia. Việt Nam ở vị trí 11 trong khi Vương quốc Anh xếp thứ 15 do tỷ lệ béo phì và lười vận động ở mức cao.

Đáng chú ý, một số nước phát triển thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) như Nhật Bản, Đức, Pháp hoặc Ý không lọt vào tốp 25 do bị “điểm kém” về tỷ lệ huyết áp cao. Ngược lại, những nước Trung Đông có thứ hạng tương đối cao do được đánh giá tốt trong thước đo tiêu thụ cồn. Riêng Mỹ xếp thứ 37 với tỷ lệ cao tình trạng béo phì, trầm cảm, lười vận động cùng nhiều vấn đề khác. Trong bảng xếp hạng giữa các quốc gia G-20 và 20 nước đông dân nhất hành tinh, Nam Phi từng được coi là ngọn hải đăng của tăng trưởng kinh tế nhưng lại xếp cuối cùng do bị “trừ điểm” về tuổi thọ, tiêu thụ chất cồn, trầm cảm và tiểu đường.

Trước đó, báo cáo của Bloomberg xếp Tây Ban Nha đứng đầu danh sách quốc gia lành mạnh nhất thế giới. Điểm chung của hai cuộc khảo sát này là nhiều quốc gia nhỏ hơn đang bắt đầu chiếm lĩnh các thứ hạng trong tốp đầu. Dựa vào đây, các nhà nghiên cứu có thể phát triển số liệu mới cho thế giới hiện đại. Theo cựu chuyên gia kinh tế Anh Richard Davies, nền kinh tế của tương lai có thể được đánh giá theo 3 cấp độ: các yếu tố truyền thống của nền kinh tế như chỉ số tổng sản phẩm quốc nội, tỷ lệ việc làm; tiêu chí công bằng của một quốc gia và thước đo mới gồm chỉ số về sức khỏe, sự thịnh vượng và hạnh phúc.

MAI QUYÊN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết