21/10/2021 - 08:22

Các nước dốc sức chống tin giả về vaccine 

Những người bài vaccine đang biến mạng xã hội thành hầm chứa thông tin sai lệch, thuyết âm mưu về COVID-19, trong bối cảnh các nền tảng này và chính phủ các nước chật vật dập tắt làn sóng tin giả ngày càng lớn.

Một cuộc biểu tình phản đối tiêm vaccine ở Mỹ. Ảnh: NY Times​

Những tin giả nói vaccine COVID-19 chứa các microchip, có thể gây ra bệnh tự kỷ và vô sinh, đang châm ngòi cho sự lưỡng lự tiêm vaccine trên khắp thế giới. Ðiều này làm phức tạp nỗ lực kết thúc đại dịch kéo dài gần 2 năm qua, vốn ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và sinh kế của người dân. “Những người tiếp xúc với lượng lớn thông tin sai lệch về virus, đặc biệt trên mạng xã hội, sẽ có nguy cơ cao ủng hộ các thuyết âm mưu”, Tiến sĩ Maria Chayinska, nhà nghiên cứu tâm lý học xã hội tại Ðại học Giáo hoàng Công giáo Chile, chia sẻ.

Báo cáo hồi tháng 3 của Trung tâm Chống thù ghét kỹ thuật số (Anh) đã phát hiện chỉ 12 người ở Mỹ phát tán gần 2/3 tin giả về COVID-19 trên toàn cầu. Nhóm này có 59 triệu người theo dõi trên các trang mạng xã hội. Trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng bài vaccine, Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã bắt buộc nhân viên chính phủ tiêm chủng, cũng như yêu cầu các chủ doanh nghiệp thúc giục “lính” của mình tiêm vaccine hoặc phải xét nghiệm hàng tuần. Nhiều nghị sĩ Mỹ thì kêu gọi các mạng xã hội cấm nhóm 12 người nói trên.

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Tại châu Âu, nơi làn sóng biểu tình bài vaccine nổ ra rộng khắp giữa lúc những phần tử cực đoan và chính khách cực hữu dùng mạng xã hội để lan truyền thuyết âm mưu về vaccine. Ủy ban châu Âu hồi tháng 5-2021 đã đề xuất tăng cường xác minh dữ kiện và thay đổi thuật toán đối với các công ty mạng xã hội. Theo đó, Facebook, Google và Twitter phải làm rõ lý do một bài viết được phổ biến và chứng minh rằng tin giả đang bị chặn.

Riêng ở Anh, những người ủng hộ phong trào bài vaccine tổ chức các cuộc biểu tình, xông vào trường học, truyền bá tin giả về vaccine và dọa kiện tụng. Ðáp lại, chính phủ, giới chức y tế và nhiều tổ chức khác nhờ những thủ lĩnh nổi bật để phát tán thông điệp tích cực như hướng dẫn cách tìm kiếm dữ liệu chính xác về vaccine. Chiến dịch này diễn ra cùng lúc với Go Viral, một game online nhằm giáo dục người chơi về những hiểm họa của tin giả. Nghiên cứu cho thấy chơi một vòng có thể giảm trung bình 21% độ tin cậy về các tin giả.

Ở châu Á, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin đã cảnh báo các nhóm bài vaccine rằng chính phủ sẽ có hành động khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Quốc gia Ðông Nam Á này cũng triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát hoạt động phát tán tin giả. Gần đây, Bộ Y tế Malaysia đã phát cảnh báo tới những đối tượng phát tán tin giả và đe dọa sức khỏe người dân. Nhiều cá nhân cũng đã bị bắt giữ và buộc tội vì lan truyền tin giả về COVID-19. Bên cạnh đó, Ủy ban đa phương tiện và liên lạc Malaysia đã lập trang web xác minh dữ kiện và vạch trần hơn 500 bài viết chứa tin giả.

Còn ở Indonesia, phong trào bài vaccine thường là sự pha trộn giữa quan điểm Hồi giáo, thuyết âm mưu COVID-19 trên toàn cầu và tâm lý chống chính phủ trong nước. Viện Nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak tháng 6 năm nay đã nhắc đến số lượng lớn video bài vaccine trên nền tảng TikTok do những người có tầm ảnh hưởng tương đối trong cộng đồng tạo ra. Chính phủ Indonesia đã yêu cầu các công ty mạng xã hội loại bỏ thông tin sai lệch và khóa các tài khoản liên quan, đồng thời “nhờ cậy” những nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội để đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine. Trong khi đó, một lực lượng đặc nhiệm được thành lập nhằm điểm mặt những trò lừa bịp cũng như phối hợp với các tổ chức khác để ngăn chặn tin giả.

Tính đến ngày 20-10 đã có 6,73 tỉ liều vaccine được tiêm trên thế giới, trung bình hiện nay là 29,9 triệu liều/ngày.

HẠNH NGUYÊN (Theo Straits Times)

Chia sẻ bài viết